Xôn xao 'thịt lợn hạ thổ' chôn dưới đất 2-3 năm, gặp khách quý mới đem ra mời: Ăn có tốt không
Mấy ngày nay mình cũng nghe mọi người nói nhiều đến món 'thịt lợn hạ thổ' chôn dưới đất 2-3 năm, khách quý lắm mới được chủ nhà mang ra mời.
02:59 28/11/2023
Những hình ảnh về miếng thịt hạ thổ đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người, nhưng vấn đề nhiều người đặt ra là 'ăn có được không' 'ăn có tác dụng gì'.
Hôm nay mình lên báo đọc đã thấy có chuyên gia giải đáp về vấn đề này nên chia sẻ lại cho mọi người cùng biết nhé
Cụ thể là cách đây vài ngày, một người dùng mạng đã đăng tải bài viết về món ăn độc đáo ở quê mình - huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ với cái tên “lợn bản hạ thổ”.
Đáng nói là cách thức chế biến món này: “Miếng thịt sống được tẩm ướp sau đó đem chôn dưới đất khoảng 2 - 3 năm mới lôi lên để ăn. Điều đặc biệt là thịt khi đó dù nhơn nhớt nhưng mùi lại rất thơm”.
Theo người này: “Nếu thấy chủ nhà lôi ra hộp gì đó trông như mỡ lợn, có mùi chua chua thì đừng từ chối nhé vì đấy là đặc sản thịt lợn bản hạ thổ đó, khách quý lắm mới mở ra mời”.
Thịt lợn bản hạ thổ, Ảnh: PNT
Hàng loạt bình luận đã được để lại dưới bài đăng, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về món ăn lạ.
- Có thật là có món này trên đời không, tôi cũng quê Phú Thọ mà lần đầu được nghe.
- Thịt bò sống tôi cũng đã ăn rồi, gỏi cá suối tươi cũng đã từng thử qua, thực sự tò mò về món này đó!
- Họ tẩm ướp bảo quản kiểu gì mà không bị phân hủy nhỉ?
Có người lại bày tỏ sự sợ hãi, bởi không tin vào việc thịt sau 2 - 3 năm hạ thổ có thể còn ăn được.
Có người tỏ ra hào hứng, mong được nếm thử món ăn này, phỏng đoán chắc nó cũng tương tự các món nem chua, gỏi cá gỏi tôm sống… đã khá quen thuộc trong ẩm thực Việt.
Ảnh: VNE
Nói về thông tin 'thịt lợn bản hạ thổ' 2-3 năm mới đem lên ăn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra quan điểm của mình như sau:
Món thịt lợn hạ thổ, tức miếng thịt sống được tẩm ướp sau đó đem chôn dưới đất khoảng 2-3 năm mới lôi lên tiêu thụ, là cách ăn không phổ biến, cũng không được bán tại nhà hàng mà chỉ xuất hiện ở một số địa phương.
Vấn đề là chúng ta không thể biết được chính xác quy trình, cách thức chế biến, cũng như không có kết luận về mặt khoa học về quá trình biến đổi của thịt. Chưa kể, không có thống kê hoặc những trường hợp gặp sự cố khi ăn món này, nên khó để nói là tốt hay xấu.
Hiện, một số người dân địa phương ăn sản phẩm này một cách bình thường như món hàng ngày, chưa ghi nhận gây hại sức khỏe, nên chưa có căn cứ để kết luận.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thực phẩm ủ chua như thịt, cá cho vào hộp thủy tinh hoặc nhựa đóng kín, lấy ra ăn sau một thời gian, có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn C.botulium phát triển.
Về nguyên lý, khi thịt chôn dưới đất là nhiệt độ thấp, thêm các chất phụ gia làm chậm quá trình phân hủy, khiến miếng thịt để được lâu hơn.
Ủ chua hoặc lên men thực phẩm sống là thói quen chế biến của nhiều người Việt, từ thịt, cá cho đến rau, củ, quả. Tuy nhiên, quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh; thực phẩm bị nhiễm độc từ gốc; dụng cụ hộp, chai, lọ chứa nhiễm khuẩn; hoặc tay người làm chưa được sát trùng... đều là yếu tố nguy cơ.
Do đó, lời khuyên tốt nhất là mọi người cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Thực phẩm cần được nấu chín, đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn, không nên tiêu thụ các thức ăn khi chưa rõ nguồn gốc. Ngoài ra, không ăn thực phẩm nấu tái, hồng, hoặc có mùi khác lạ, đựng trong các hộp cong, rỉ, sét, bị lồi nắp.
7 thực phẩm mà não bộ rất yêu thích: Ăn vào để trí nhớ tốt, học đâu nhớ đấy, phòng đủ bệnh
Não bộ là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Đây là nơi duy trì các chức năng sinh lý như hô hấp, tim mạch.