Không biết mọi người như thế nào chứ bản thân mình từ nhỏ đã luôn nghĩ trứng gà bổ hơn trứng vịt. Quan niệm này cũng xuất phát từ thói quen của gia đình trong nhiều năm. Tức là từ khi còn nhỏ, mẹ mình thường cho cả nhà ăn trứng, nhưng mà là trứng vịt (ngày đó ở quê mình trứng vịt rẻ hơn trứng gà và được quả to hơn), còn với trứng gà thì khi nào người mệt mỏi hay ốm sẽ được ăn để 'tẩm bổ'.
Có lẽ cũng vì thói quen này nên trong đầu mình từ lâu đã luôn quan niệm trứng gà bổ hơn trứng vịt. Còn lí do vì sao thì cũng chẳng bao giờ thắc mắc hay tìm hiểu.
Hôm nay mình lên báo đọc thì thấy bài phân tích của chuyên gia về vấn đề này. Cuối cùng thực sự trứng gà có bổ hơn trứng vịt không. Mình chia sẻ lại thông tin ở đây cho những người còn đang nhầm lẫn như mình cùng biết nhé!
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trứng giàu dinh dưỡng như betaine và choline rất tốt cho tim mạch, phát triển trí não. Trứng cũng chứa nhiều vitamin D, giúp ngăn ngừa loãng xương và bệnh còi xương. Đặc biệt, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp với những người có chế độ ăn kiêng.
Tuy nhiên, xét về mặt dinh dưỡng, mỗi loại trứng đều có tác dụng riêng với sức khỏe. Thông thường, kích thước trung bình của một quả trứng vịt thường to gấp 30% trứng gà. Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong trứng gà có 11,6 g chất béo, 55 mg canxi còn trong trứng vịt chứa 14,2 g chất béo, 71 mg canxi.
Một quả trứng vịt chứa 130 calo, gấp đôi lượng calo trong trứng gà. Hàm lượng protein, chất béo bão hòa, vitamin của trứng vịt cũng nhiều hơn so với trứng gà. Trứng vịt cung cấp omega-3 nhiều hơn, chống viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Vỏ trứng vịt thường cứng hơn nên lưu giữ được lâu hơn.
So sánh cụ thể:
- Lượng carbs tương đương nhau nhưng hàm lượng protein, chất béo và cholesterol, trứng vịt đều nhiều hơn trứng gà.
- Còn trứng gà nhiều protein, photpho, kẽm và kali, vitamin A, D, E, nhất là vitamin D.
Bác sĩ khuyên mỗi ngày chỉ nên ăn một quả trứng và chọn trứng gà. Trứng gà ít calo và cholesterol hơn nên phù hợp với những người huyết áp cao, tim mạch. Thỉnh thoảng, để bổ sung dinh dưỡng có thể thay đổi bằng trứng vịt.
Những điều lưu ý hàng ngày khi ăn trứng để hấp thu đủ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn:
1. Không ăn quá 3 quả trứng 1 ngày
2. Không uống sữa đậu này khi ăn trứng
3. Không sử dụng bột ngọt cho các món trứng
4. Không ăn trứng chín để qua đêm: Nguyên nhân là bởi khi luộc trứng chín lòng đào, phần trứng bên trong còn sống là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Một số loại vi khuẩn phát triển sẽ làm biến chất trứng gà. Mặt khác, protein trong trứng khi được luộc chín sau đó để qua đêm sẽ mất đi dưỡng chất
5. Không nên ăn trứng chần, trứng sống
Trứng chần là món ăn được rất nhiều người ưa thích, tuy nhiên, khi ăn trứng chần bạn hết sức lưu ý. Trên bề mặt vỏ trứng có nhiều lỗ nhỏ li ti, do đó, không khí và vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập. Một trong số những loại vi khuẩn hay tấn công lòng đỏ trứng là Salmonella. Loại vi khuẩn này gây ra những triệu chứng rối loạn tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe. Do đó, khi ăn trứng chần, trứng sống, bạn cần lựa chọn những loại trứng có nguồn gốc rõ ràng. Trứng cần được bảo quản trong điều kiện tốt và không có dấu hiệu dập, vỡ.
Với những người bị sốt, ốm dậy, sức đề kháng yếu, không nên ăn trứng sống hoặc trứng chưa luộc chín kĩ. Hạn chế những đồ ăn có nhiều protein, thay vào đó, nên bổ sung thêm các loại rau quả tươi để tăng sức đề kháng.