Hoặc những hôm bỏ ra cho nó rã đông đá rồi nhưng sau không dùng đến thì mình cũng hay cất ngăn đá cho đông lại để sau ăn tiếp. Trước giờ mình vẫn làm thế đấy nhưng hôm nay thì mình thấy bạn mình nói là không nên vì nó hại sức khỏe.

Chẳng biết thực hư thế nào nên mình lên mạng hỏi nhưng thấy mọi người cũng chia làm hai luồng ý kiến. Người thì đồng tình, kẻ lại phản đối. Sau cùng, để tìm ra lời giải, mình đã lên báo tìm hiểu xem ý kiến của các chuyên gia như nào. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia mà mình tìm hiểu được nhé các mẹ. 

hình ảnh

Thịt đông lạnh. Ảnh minh họa, nguồn: health

Có nên đông đá lại thực phẩm đã rã đông không?

Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Đông lạnh là cách hiệu quả nhất để duy trì giá trị dinh dưỡng cũng như chất lượng và hương vị của thực phẩm. 

Việc rã đông rồi mang đông lạnh lại ngay thì không gây hại. Tuy nhiên, nó khiến miếng thịt có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và không tươi ngon như lúc ban đầu. Đặc biệt, nếu bạn rã đông bằng nước nóng thì sẽ khiến miếng thịt bị chín và mất dinh dưỡng, biến chất.

Còn chuyên gia Vũ Thế Thành thì nhận định: Việc tái đông lạnh thịt đã rã đông có an toàn hay không còn phụ thuộc phần lớn vào cách rã đông cũng như cách xử lý miếng thịt như nào. 

'Nếu bạn rã đông gói thịt còn nguyên trong bao bì tủ lạnh bằng cách để xuống ngăn mát rồi mang thịt ra dùng một phần, phần con lại bỏ ngay vào ngăn đá tủ lạnh thì nguy cơ bị tái nhiễm khuẩn rất thấp. Có thể nói, đây là cách an toàn', ông Thành nói. 

Đối với cách rã đông mà nhiều người vẫn đang làm hiện nay là ngâm trong chậu nước thì nguy cơ nhiễm khuẩn nhiều hơn mặc dù nó là cách rã đông nhanh chóng. 'Cần lưu ý rằng, thịt rã đông sẽ dễ nhiễm khuẩn hơn thịt tươi vì khi tinh thể nước đá tan để lại vô vàn những lỗ nhỏ trên bề mặt thịt, vi khuẩn sẽ dễ xâm nhập hơn. Dù sao, với cách rã đông, rồi tái đông lại này cũng tạm xem là khá an toàn nếu bạn mang bỏ ngay miếng thịt được gói cẩn thận vào ngăn đá tủ lạnh', vị chuyên gia này nói.

Ông Thành cũng lưu ý: Thịt tảng còn nguyên khối thì nguy cơ nhiễm khuẩn ít hơn so với thịt bằm, thịt xay. Còn thịt xay thì dễ nhiễm khuẩn nhất sau rã đông do diện tích tiếp xúc với môi trường ngoài lớn hơn. Đối với thịt băm, thịt xay thì nên rã đông trong tủ lạnh chứ đừng rã đông bằng cách ngâm nước. 

Vị chuyên gia này cũng nói thêm: Nhiều bà nội trợ để toàn bộ thịt cá... đông lạnh ở nhiệt độ thường cho tới khi nó rã đông hết. Sau đó, họ mới chế biến và cấp đông phần thực phẩm chưa dùng vào tủ lạnh. Đây là một thói quen sai lầm vì sẽ khiến vi khuẩn xaam nhập nhiều hơn. 

Ông Thành khuyến cáo: Để tránh thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc mất chất, tốt nhất là các mẹ nên chú ý khâu cấp và rã đông thực phẩm. 

hình ảnh

Chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh. Ảnh: IFN

Vậy nên rã đông thực phẩm thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh thông tin: Để đảm bảo an toàn, thịt nên rã đông từ từ bằng cách cho từ ngăn đông sang ngăn mát. Việc này giúp bạn có thể bảo quản thịt thêm 3 - 5 ngày nữa. Bạn cũng có thể rã đông tự nhiên ở nhiệt độ phòng nhưng khi không dùng hết nên chia thịt thành các miếng nhỏ rồi trữ trong những chiếc túi hút chân không.

Tuy nhiên, bạn không nên để nước trong túi thịt chảy ra ngoài và không để chung với các loại rau hay thực phẩm khác. 

Thịt được trữ đông trong túi kín có thể bỏ trực tiếp vào nước lạnh để rã đông. Sau khi rã xong, bạn cần nấu ngay để thịt được tươi ngon. 

Hoặc bạn cũng có thể cho muối và giấm vào nước, khuấy đều để dung dịch hòa tan hoàn toàn cũng giúp rã đông thịt nhanh hơn. Cách này tuy mất thời gian nhưng đảm bảo thịt ngon, an toàn. Nếu không dùng hết, bạn để thịt vào túi mới, sau đó rồi trữ đông lại. 

Ông cũng nói thêm: Những ý kiến nói rằng bảo quản thịt lâu trong tủ lạnh có thể sinh độc tố gây ung thư là không chính xác. Song, nếu để quá lâu thì thực phẩm sẽ không còn ngon và có thể sản sinh độc tố gây hại sức khỏe.