Nữ Việt kiều tố cáo bị hỏng mắt sau khi đi thẩm mỹ
Chị Võ Thị Trà My, Việt kiều Mỹ, cho rằng khi điều trị tàn nhang tại cơ sở Abisalab Clinic đã bị tia laser chiếu vào mắt khiến thị lực chỉ còn 1/10.
23:24 09/01/2023
Trong thư gửi cơ quan chức năng, chị My, 30 tuổi, cho biết đến Abisalab Clinic tại quận 1 theo giới thiệu của người quen, điều trị tàn nhang bằng phương pháp laser, ngày 30/8. Theo thỏa thuận, bác sĩ Huỳnh Ngọc Huy (người được giới thiệu) sẽ trực tiếp thăm khám và điều trị cho chị. Nhưng đến ngày hẹn làm thủ thuật, bác sĩ Huy báo tin bị ngộ độc thực phẩm không trực tiếp trị liệu được, nên nữ nhân viên của cơ sở sẽ bắn laser cho chị.
Chị My cho rằng, trong quá trình làm thủ thuật, cô nhân viên không dùng bất cứ biện pháp bảo hộ mắt nào cho chị. Lúc chị quay sang nhìn chồng đang nằm ở giường bên cạnh thì bị tia laser chiếu vào mắt khiến tầm nhìn bị mờ ngay lập tức. "Tôi thông báo tình trạng với bác sĩ Huy và nhân viên Abisalab, được cho biết tia laser không ảnh hưởng gì đến mắt, chỉ cần rửa bằng nước muối sinh lý và nhỏ mắt hằng ngày để tránh khô thì mắt sẽ trở lại bình thường sau vài ngày", chị My chia sẻ.
Tuy nhiên, những ngày sau tình trạng mờ mắt không hết trong khi chị phải quay lại Mỹ theo lịch trình. Đi khám, bác sĩ ở Mỹ chẩn đoán "sẹo màng đệm do tai nạn da liễu, laser". Chị My báo với bác sĩ Huy và Abisalab Clinic, được yêu cầu về Việt Nam để kiểm tra và điều trị.
Ngày 23/9 chị về, cùng nhân viên Abisalab Clinic và người nhà bác sĩ Huy đến Bệnh viện Mắt TP HCM khám. Bác sĩ ghi nhận thị lực mắt phải chị My là 1/10, chẩn đoán "mắt phải tổn thương PRE/Laser" và kết luận "mắt phải tiên lượng xấu, khả năng hồi phục thị lực thấp".
Chị My cho rằng Abisalab Clinic có khả năng chưa đủ điều kiện là một phòng khám chuyên khoa da liễu, chưa được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực da liễu, bao gồm cả dịch vụ điều trị laser mà chị sử dụng. Ngoài ra, những bác sĩ/kỹ thuật viên/nhân viên trong cơ sở này cũng có khả năng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề hợp pháp mới gây hậu quả nghiêm trọng làm mất thị lực mắt phải của chị.
Cho rằng sai sót của phía Abisalab khiến mình hỏng mắt, chị My yêu cầu bác sĩ Huy và Abisalab bồi thường 5,165 tỷ đồng.
"Do quen biết lâu năm với người nhà chị My và các đốm tàn nhang trên mặt chị cũng không đáng kể nên tôi muốn dành tặng suất điều trị này như món quà trước khi chị quay về Mỹ", anh nói.
Bác sĩ Huy cho biết có chứng chỉ ứng dụng laser trong thẩm mỹ nhưng hiện không làm việc cho bệnh viện hay phòng khám da liễu nào, công việc chính là đào tạo nhân viên cho các cơ sở thẩm mỹ mời hợp tác.
Đại diện Abisalab Clinic cũng cho biết nơi này không phải bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu được cấp phép điều trị mà chỉ là cơ sở chăm sóc da thông thường và kinh doanh mỹ phẩm. Dịch vụ laser sử dụng cho chị My không nằm trong các dịch vụ tại Abisalab Clinic. Bác sĩ Huy quen biết chủ cơ sở Abisalab nên mượn máy có sẵn tại đây để tiến hành laser cho chị My.
Người thực hiện laser cho chị My là Thiều Thanh Hồng Trúc, nhân viên Abisalab Clinic. Nhân viên này không phải bác sĩ, không có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ ứng dụng laser, là học trò lâu năm của bác sĩ Huy nên biết cách vận hành và sử dụng máy laser.
Kể quá trình thực hiện thủ thuật, chị Trúc cho biết trước khi tiến hành đã ủ tê và che mắt chị My bằng bông y tế thấm nước để bảo vệ mắt. Trong quá trình làm, chị My ôm mắt phải ngồi bật dậy và nói bị tia laser chiếu vào mắt. "Thời điểm đó máy chỉ có tia dẫn màu đỏ chứ không bắn ra tia laser như chị My nói", chị Trúc cho biết. Sau khi xảy ra sự việc, chị Trúc đề nghị chị My theo dõi mắt, có vấn đề gì thì báo lại ngay.
Bác sĩ Huy và Abisalab cho rằng số tiền chị My đòi bồi thường là "không hợp lý", đồng thời hiện chưa xác định vết sẹo trong mắt chị này xuất hiện từ khi nào, mắt có hoàn toàn bình thường trước khi tiến hành laser hay không... Ngoài ra, bác sĩ Huy cho rằng một số chứng từ thanh toán theo yêu cầu bồi thường chị My cung cấp không rõ ràng, ví dụ vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam, nên đã từ chối thanh toán các khoản chi phí trước khi mọi việc sáng tỏ chứ không hề chối bỏ trách nhiệm.
Hiện chị My đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ sự việc. Bác sĩ Huy và Abisalab Clinic cũng lập vi bằng, chuẩn bị các bằng chứng liên quan để chờ làm việc.
Thanh tra Sở Y tế cho biết đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc.
Gần đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM liên tiếp xử phạt, đình chỉ hoạt động nhiều cá nhân và cơ sở thẩm mỹ sai phạm. Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu mới được phép ứng dụng laser vào các dịch vụ làm đẹp như xóa xăm, trị nám, tàn nhang... Nơi thực hiện laser phải đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu, người thực hiện phải là bác sĩ được cấp chứng chỉ ứng dụng laser vào điều trị da.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Thế Bích Thanh, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khi điều trị bằng laser, cả bệnh nhân và bác sĩ đều áp dụng các biện pháp bảo vệ mắt như đeo kính, vải bảo hộ. Phòng điều trị laser chuyên dụng phải tuân thủ những quy chuẩn nhất định như không được lắp gương, có đèn cảnh báo bên ngoài...
Bác sĩ Thanh cũng cho biết phương pháp laser trong điều trị tàn nhang là phương pháp được bác sĩ chỉ định. Có rất nhiều loại máy và cách điều trị tùy theo tình trạng da của bệnh nhân. Hiệu quả điều trị cũng tùy thuộc vào cơ địa bệnh nhân cũng như kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của người điều trị.
"Bản chất phương pháp laser không nguy hiểm nếu nơi thực hiện đáp ứng đúng điều kiện và người thực hiện có đủ trình độ chuyên môn theo quy định", bác sĩ Thanh nói.
Sự thật về việc Việt kiều Mỹ “sống khổ như nô lệ”
Gần đây thấy nhiều bài báo kêu ca cuộc sống của người Việt tại Hoa Kỳ rất khổ. Tình cờ đầu tháng 8 vừa rồi mình có việc lại đến Hoa Kỳ. Đây là lần thứ ba.