Đăng ký khóa học kỳ quân đội, trại hè trên mạng cho con, người phụ nữ “bốc hơi” gần 1 tỷ đồng
Một người phụ nữ ở Nghệ An đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng sau khi đăng ký cho con tham gia Học kỳ quân đội trên mạng xã hội.
09:24 29/05/2024
Bẫy học kỳ quân đội miễn phí
Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An nhận được nhiều trình báo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đăng ký tham gia học kỳ quân đội trên mạng xã hội. Người ít thì bị lừa vài chục triệu đồng, người bị lừa nhiều nhất là gần 1 tỷ đồng.
Theo đơn trình báo, chị M. (SN 1986, trú TP Vinh, Nghệ An) tình cờ thấy fanpage “Mùa hè quân ngũ ” với 3.300 lượt theo dõi có quảng bá về chương trình Học kỳ quân đội nên vào tham khảo. “Sau khi trao đổi với người tư vấn của fanpage, họ cho biết con tôi đủ điều kiện tham gia và có nhiều ưu đãi. Thấy phù hợp, tôi đăng ký thông tin theo mã ứng viên được tư vấn cung cấp”, chị M. trình bày.
Sau đó, chị được tư vấn viên của fanpage hướng dẫn đăng ký ứng dụng Telegram để nhận thông tin về khóa học. Cụ thể, khóa học sẽ mất 3,2 triệu đồng. Nếu đăng ký trong tháng 5/2024 con chị sẽ không mất học phí vì đang được khuyến mãi.
Điều tra viên lấy lời khai của một phụ huynh bị lừa đảo khi đăng ký khóa học kỳ quân đội trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, để được hưởng khuyến mãi, chị phải làm nhiệm vụ là tăng tương tác cho nhãn hàng đang tài trợ cho khóa này bằng cách mua hàng. Việc mua hàng giúp quảng bá cho nhãn hàng, tiền mua hàng sẽ được hoàn trả, ngoài ra sẽ được cộng thêm 10% hoa hồng cho mỗi lần mua.
Chị được đưa vào một nhóm Telegram có 10 thành viên, trong đó có 6 phụ huynh giống chị. Theo hướng dẫn, nhóm các phụ huynh phải thực hiện 5 nhiệm vụ mua hàng tăng tương tác cho nhà tài trợ.
Các phụ huynh được hướng dẫn vào một liên kết đăng ký tài khoản chuyên dụng của hệ thống để mua hàng. Nhiệm vụ đầu tiên, các thành viên mua món hàng trị giá 560.000 đồng. Sau khi hoàn tất, khoảng 3-5 phút sau, chị M. nhận về tài khoản 616.000 đồng, bao gồm tiền gốc và 10% hoa hồng.
Nhiệm vụ thứ 2, thứ 3, giá trị các món hàng tăng lên, chị M. đều nhận lại được tiền gốc và hoa hồng. Đến nhiệm vụ thứ 4, tư vấn viên yêu cầu các thành viên phải thực hiện 2 đơn hàng liên tiếp trong đó có 1 đơn hàng gồm 2 sản phẩm trị giá 50 và 98 triệu đồng cùng “đơn hàng tất toán” hơn 285 triệu đồng.
Một fanpage quảng cáo chương trình Học kỳ quân đội tài trợ chi phí kèm nhiều ưu đãi (Ảnh chụp màn hình).
Chị M. nạp tiền thực hiện 2 đơn hàng nhưng do đọc không kỹ hướng dẫn nên chỉ chuyển ảnh và nội dung một đơn hàng. “Chúng tôi được yêu cầu thao tác lại từ đầu, gửi đúng, đủ ảnh và nội dung thì mới được hoàn trả tiền. Trong vòng 10 phút không hoàn thành, tài khoản sẽ bị đóng băng”, chị M. kể.
Số tiền quá lớn khiến chị M. không thể xoay đủ tiền để thực hiện tiếp nhiệm vụ, năn nỉ xin lại tiền cũng không có kết quả. Sau đó, nhóm telegram bị xóa, tài khoản của tư vấn cũng không thể liên hệ được. Lúc này, chị M. mới hoảng hồn khi biết mình vừa mất một khoản tiền lớn cho bọn lừa đảo.
Nâng cao cảnh giác
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, công an phát hiện thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng nhắm vào phụ huynh có nhu cầu cho con tham gia các cuộc thi, khóa học hè, các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện thể dục thể thao…
Phương thức thủ đoạn không mới nhưng cách thức mới khi nhắm vào tâm lý các phụ huynh đang tìm lớp học hè cho con. Các đối tượng lập ra các trang fanpage như “ Mùa hè quân đội ”, “Khóa tu mùa hè”, “Khóa học cờ vua”,… để thu hút sự chú ý của nạn nhân. Khi đăng ký tham gia, các phụ huynh sẽ được hướng dẫn thực hiện “nhiệm vụ” hay tham gia “khảo sát” với hứa hẹn hoàn trả tiền cùng hoa hồng.
Một trang fanpage về chương trình trại hè quân đội nhí được khuyến cáo nguy cơ lừa đảo
“Các nạn nhân được đưa vào nhóm kín mà trong đó tất cả thành viên đều là “chim mồi” do các đối tượng lừa đảo đóng để từng bước thao túng tâm lý, dụ dỗ nạn nhân. Trong những nhiệm vụ đầu, nạn nhân được trả tiền gốc cùng hoa hồng. Khi số tiền nạp nhiều hơn, chúng sẽ đưa ra nhiều lý do khác nhau để từ chối chuyển trả tiền hoặc dụ dỗ nạn nhân nạp thêm tiền, thực hiện thêm nhiệm vụ để rút lại số tiền trước đó. Nhiều người không tỉnh táo, bị lừa đảo số tiền lớn”, một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho hay.
Công an khuyến cáo, phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, không đăng ký các khóa học trên không gian mạng để phòng ngừa việc bị lừa đảo. Phụ huynh cần trực tiếp liên hệ các cơ sở, đơn vị tổ chức các khóa học tập, rèn luyện mùa hè có uy tín, có địa chỉ rõ ràng trên địa bàn.
Anh nông dân "số hưởng": Lấy mỹ nhân nước Ý biết làm ruộng, 2 con đẹp như thiên thần
Anh nông dân này đang nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc.