Chuyện có Gộp Tết âm lịch và dương lịch? "Ăn chơi thì đừng sợ mưa rơi"
Từ lâu, trong xã hội đã dấy lên một cuộc tranh luận gay cấn: Có nên gộp Tết dương lịch và Tết âm lịch để tiết kiệm năng lượng xã hội và bớt ảnh hưởng đến sản xuất?
11:35 22/12/2022
Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên đường phố Tyneside, Vương Quốc Anh. Một đám đông CĐV Newcastle – nổi tiếng ở vương quốc này vì sự quyết liệt - vừa bước ra khỏi quán bar, mặt gay gay đỏ. Bạn túm lấy một gã cao tầm 2 mét, và bắt đầu thuyết phục anh ta.
Tôi đang xin chữ ký để vận động cho đội tuyển Anh không tham gia World Cup nữa" – bạn nói.
"..." – tay CĐV không biết nói gì.
"Anh có biết rằng việc người Anh xao nhãng công việc vào mùa World Cup có thể khiến nền kinh tế thiệt hại 7 tỷ USD không?" – bạn hăng hái.
"Cái gì?"
"7 tỷ USD đấy, và nếu đội tuyển Anh bị loại sớm thì còn nhiều hơn nữa. Chí ít thì anh cũng sẽ ký đồng ý để Anh không mua bản quyền World Cup chứ?".
Trong đoạn đối thoại giả tưởng này, hẳn bạn đã nhận ra: tính mạng của bạn có thể bị đe dọa.
Sản lượng lao động của Anh thực sự sụt giảm với giá trị khoảng 7 tỷ USD trong một mùa World Cup như năm 2010. Hội hè, ăn chơi luôn đi kèm với thiệt hại kinh tế. Một sự kiện thể thao lớn khác, như trận Super Bowl của Mỹ, có thể khiến nền kinh tế thiệt hại 800 triệu USD trong một ngày.
Nhưng sẽ không ai đặt câu chuyện kinh tế ra trước những thứ như vậy. Ăn chơi thì đừng sợ... mưa rơi.
Và World Cup tất nhiên không phải ngày hội lớn nhất hành tinh. Đó là Tết âm lịch, nơi hơn 1 tỷ người từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Việt Nam nghỉ ngơi hoàn toàn, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng đến mức không thể đo lường được.
Hãy thử liếc qua một thống kê nhỏ: Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong quý 2 và quý 3 năm 2012, chênh nhau đến hơn 20 tỷ USD. Tất nhiên, vì quý 2, công xưởng của thế giới mới quay trở lại sau "tháng ăn chơi", ổn định sản xuất. Xuất khẩu à, cứ chờ đấy.
Cách đây 10 năm, giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra một đề xuất gây xôn xao dư luận: gộp Tết âm lịch với Tết dương lịch. Đề xuất ấy đến tận ngày hôm nay vẫn còn gây tranh cãi.
Một số người ủng hộ ý tưởng này vì Tết Nguyên đán là một kỳ nghỉ lễ khá dài, và tất nhiên nó ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế. Chưa kể tới sức ì trong "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", và nhiều vấn đề khác, như là việc nhiều lao động di cư về quê ăn Tết rồi không quay trở về nơi làm cũ, khiến chủ lao động mất khá nhiều thời gian và năng lượng ổn định sản xuất.
Một lập luận quan trọng khác là người Nhật cũng đã làm việc này vào thế kỷ 19.
Nhưng hãy nghĩ đến việc bắt người Anh bỏ World Cup, cho dù 7 tỷ USD là một con số khổng lồ.
Việc đòi gộp Tết âm lịch với Tết dương lịch có một vấn đề về logic: Tết âm lịch không phải là nguyên nhân của việc ăn chơi, tụ họp. Nó là kết quả của nhu cầu này. Người Việt muốn được tụ họp trước bàn thờ tổ tiên vào ngày 30 và mùng 1 (vì họ vẫn thờ cúng theo âm lịch, còn người Nhật thì bỏ hẳn âm lịch); họ muốn được bồng bế con cháu đi chúc tụng khắp họ hàng; và họ muốn được dự các lễ hội truyền thống vào tháng Giêng – mà lễ hội nước ta thì gắn với hoạt động nông nghiệp, tức là theo âm lịch. Không thể rời hàng trăm lễ hội về trước một tháng rưỡi được.
Ngay cả các hoạt động xấu trong Tết Nguyên Đán, ví dụ hoạt động quà cáp biếu xén, cờ bạc, sử dụng xe công đi lễ hay sức ì trong tháng Giêng, cũng là kết quả của những đặc tính xã hội. Quanh năm xã hội ta đã có văn hóa xin - cho, đã có mê tín, đã có tham nhũng.
Người Hàn Quốc cũng đón Tết âm lịch nhưng tất nhiên họ không đối mặt với vấn đề sử dụng xe công đi lễ đầu năm. Tết không phải nguyên nhân của điều gì, nó chỉ phản ánh nhu cầu của xã hội. Nếu thiết chế xã hội đủ mạnh, thì nghỉ 3 ngày là 3 ngày, 7 ngày là 7 ngày. Ấm cúng rồi quay về làm việc.
Hàn Quốc đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn Nhật Bản; có lẽ bạn sẽ khó thuyết phục được người dân nước này rằng bớt việc uống rượu 3 ngày Tết thì Samsung sẽ vượt qua Apple.
Bạn, vừa tỉnh lại sau nắm đấm của tay hộ pháp Newcastle, hãy bình tĩnh lại và nghĩ về việc có nên bỏ Tết Nguyên Đán.
Tại sao Việt kiều phải khổ sở vì quà cáp, tiền lì xì tết?
Việt kiều về nước phải tặng quà, tiền nếu không bị nói là keo kiệt.