Tết buồn với người Việt rời Ukraine đến Đức chạy nạn
Đã 9 tháng kể từ thời điểm rời Ukraine chạy nạn chiến tranh sang Đức, bà con người Việt đang từng ngày xoay xở để cuộc sống dần ổn định và hoà nhập môi trường mới. Những câu chuyện vui buồn họ chia sẻ với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng phản ánh cuộc sống của họ hiện tại. Tết này có lẽ sẽ là cái tết buồn nhất của họ, khi bất đắc dĩ phải rời nơi ăn chốn ở thân thuộc ở Ukraine để trôi dạt nơi xứ xa…
09:54 15/12/2022
Ngược xuôi ở vùng đất mới
22 giờ, ở thành phố Muenchen, Cộng hoà Liên bang Đức, trời lạnh buốt, tuyết rơi trắng xoá, anh Lương Xuân Hòa mới hết giờ làm ở một quán ăn của người Việt và được ăn bữa tối. Ngày nào cũng vậy, anh làm việc ở quán ăn từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Trong 12 tiếng làm việc, anh được nghỉ 2 tiếng buổi trưa, từ 14 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút, trước khi phục vụ khách ăn buổi tối. Con gái anh hơn 3 tuổi sang năm mới được đi học mẫu giáo nên vợ anh phải ở nhà trông con. Mỗi tháng, anh Hòa nhận được 2.600 euro tiền lương. Trừ chi phí sinh hoạt, anh chị cũng để dành ra được chút đỉnh. Chẳng phải riêng anh Hòa, bà con người Việt chạy nạn từ Ukraine sang Đức vì chưa biết tiếng Đức nên đều làm thuê trong các tiệm nail, quán cơm, cửa hàng của người Việt.
Con gái anh Lương Xuân Hòa vui chơi trong công viên ở Đức.
Đợt tháng 3/2022, khi mới di cư sang Đức, vợ chồng anh Hòa ở trong trại dành cho người nhập cư khoảng 10 ngày ở thành phố Muenchen, sau đó được phân 1 căn hộ và nhận trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Đầu tháng 5, anh Hòa tìm được việc làm và cắt trợ cấp xã hội. Phòng ở hiện tại là do anh thuê của nhà chủ quán ăn nơi anh làm với giá 700 euro/ tháng. Con gái anh mỗi tháng nhận được hơn 200 euro trợ cấp dành cho trẻ em. Dù vất vả, nhưng nghĩ đến những đêm cuối cùng ở Ukraine trước khi rời đi, anh vẫn thấy mình may mắn khi đưa vợ và con gái sang Đức an toàn. Đó là những đêm mất ngủ khi tiếngsúng vang lên không ngớt ở thành phố Odessa, vợ chồng anh lo âu, thấp thỏm, dùng dằng ở hay đi, khổ tâm vô cùng. Nghĩ lại lúc đứng trong đoàn người xếp hàng ở gần biên giới Ukraine trong cái lạnh -2 độ C, tuyết rơi trắng xóa, trẻ con gào khóc mà anh thấy xót xa. Giờ thì khói lửa chiến tranh đã lùi lại phía sau. Ở nơi mới, bà con đồng hương giúp đỡ anh nhiều, những chông chênh ban đầu cũng qua đi.
Trong khó khăn, gia đình anh Hòa có thêm niềm vui khi sắp sửa đón chào thành viên mới. Lúc đầu anh dự định tết này sẽ đưa vợ con về Việt Nam thăm họ hàng nhưng vợ anh đang mang bầu nên cả nhà sẽ ở lại Đức. Cứ cuối tuần anh lại gọi về cho gia đình ở Việt Nam luôn lo lắng và dõi theo gia đình anh để thông báo tình hình.
Hiện tại gia đình anh Hòa cũng như nhiều bà con người Việt từ Ukraine sang đây đã được cấp thẻ định cư ở Đức trong thời gian 2 năm. Tuy thế, họ vẫn luôn mong ngóng ngày trở về Ukraine. “Bằng giờ mọi năm ở Ukraine, vợ chồng tôi đang vào vụ may đồ đông, công việc bận rộn. Năm nay, báo chí đưa tin mùa đông bên ấy khắc nghiệt lắm. Nhiệt độ nhiều nơi đã xuống dưới mức đóng băng. Lại mất nước, mất điện luân phiên, hệ thống sưởi ấm thiếu hụt, bọn trẻ mà trụ lại ở đó thì sẽ khổ vô cùng”, anh Hòa cho biết.
Cuối tháng 6 vừa rồi, sau nhiều đắn đo, anh Hòa một mình quay về Ukraine 20 ngày để lo giấy tờ cho con gái và xem nhà cửa còn mất thế nào. Từ Đức, anh đi ôtô sang Ba Lan và nhảy tàu về Odessa. Thành phố Odessa đón anh bằng những hồi còi báo động và mấy quả tên lửa bắn chặn làm anh thót tim. Cuộc sống nơi đây vẫn đầy những hiểm nguy, bất trắc nhưng vẫn có nhiều người Việt bám trụ lại ở đó. Họ gắn bó bao năm ở đây, nhà cửa, tài sản đều ở đây nên khó mà dứt đi được. Quang cảnh vắng vẻ, đìu hiu, khác hẳn với vẻ tấp nập, đông đúc lúc trước khi chiến tranh xảy ra.
Cách nhà anh Hòa 60km, vợ chồng chị Phạm Thị Ngoan và anh Lương Quốc Thắng cùng với 3 gia đình người Việt khác từ Ukraine sang vẫn đang ở trong nhà chờ của ga tàu điện từ lúc sang cho đến bây giờ. Sang Đức từ tháng 3 thì đến tháng 5 anh chị tìm được việc làm ở một quán ăn. Ở Đức, để thuê được nhà phải có bảng lương cố định, thu nhập cao. Bởi thế, với số tiền lương gần 5.000 euro của hai vợ chồng chị thì thuê nhà là việc không dễ dàng, bốn gia đình đều cố gắng bám trụ ở nhà chờ ga tàu để đỡ chi phí.
Ngày nào cũng vậy, nhịp sinh hoạt của gia đình chị luôn theo guồng quay gấp gáp. 6 giờ sáng chị trở dậy để lo cho cô con gái thứ hai đang học lớp 6 ăn sáng và đi học. Thật may khi con chị đã được đến trường, được trợ cấp học phí, xe cộ đi lại, được học tiếng Đức để dần hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Chỗ làm cách chỗ ở 25 km, 9 giờ sáng chị Ngoan rời nhà, ngồi tàu khoảng 25 phút, qua 3 bến tàu thì xuống. Bắt tiếp xe bus, ngồi thêm 4 bến nữa là đến chỗ làm. Mặc dù nhà chị có ôtô lái từ Ukraine sang đây, nhưng thuê chỗ đỗ ôtô còn đắt hơn chi phí đi tàu và xe bus nên xe đành để không.
Khoảng 19-20 giờ chị Ngoan hết giờ làm, lại đi xe bus và đi tàu về nhà để nấu cơm tối. Chồng chị tan làm muộn hơn chị 1 giờ đồng hồ sẽ về sau. Ở khu nhà chờ ga tàu này, bốn gia đình chia nhau ở trong những căn phòng nhỏ, được phát 4 bếp điện nhưng lại chỉ có một khu bếp để chung nhau nấu ăn. Thành ra, buổi tối các nhà phải phân chia giờ nấu cơm. Ngày nào cũng vậy, nửa đêm chị Ngoan mới được ngả lưng xuống giường, mệt rã rời và chìm vào giấc ngủ, chẳng còn thời gian mà nghĩ ngợi điều gì.
Chị Ngoan bảo, tội nhất là cô con gái lớn đang học đại học dở dang bên Ukraine, giờ sang Đức chưa biết tiếng nên chưa thể đi học được. Muốn cho con sang thành phố khác học nhưng xe cộ đi lại đắt đỏ nên chị đành cho con đi làm tạm, vừa làm vừa học tiếng Đức online để chờ cơ hội học tiếp. “Không biết bao giờ mới được quay trở lại Ukraine. Cuộc sống ở bên ấy chúng tôi đã quen nhịp, tự do buôn bán nên có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Phải dứt áo ra đi, ai cũng tiếc nuối. Các con tôi ngày nào cũng đòi về Ukraine vì nhớ trường nhớ lớp, nhớ các bạn”, chị Ngoan trải lòng.
Chị Phạm Thị Ngoan bắt chuyến tàu tối trở về khu ở sau một ngày làm việc ở quán ăn.
Tám năm từ Việt Nam sang Ukraine sinh sống, gia đình chị Ngoan đã có 2 lần chạy loạn. Trước đây gia đình chị ở thành phố Donetsk, nhưng năm 2014 nơi đây biến thành chảo lửa khi xảy ra xung đột vũ trang giữa các lực lượng li khai với Chính phủ Ukraine. Bỏ lại nhà cửa, tài sản, gia đình chị chạy xuống thành phố Odessa. Cứ nghĩ đi vài tuần rồi quay về, mà mãi mãi họ không thể trở lại nơi đó. Ở vùng đất mới, anh chị được bạn bè giúp đỡ gây dựng lại từ đầu. Sau 8 năm, khi cuộc sống ở nơi mới ổn định thì lại một lần nữa phải ra đi vì chiến tranh. Lần này, không phải là cuộc chạy ngắn trong lãnh thổ Ukraine, mà là một hành trình đằng đẵng đến nước Đức xa xôi bằng xe ôtô của gia đình. Cuộc tháo chạy từ Ukraine sang Moldova, Romania, Hungary, sang Áo rồi đến Đức. Bỏ lại những gì thân thương nhất phía sau, cuộc sống không có tiếng còi báo động hiện tại ở Đức là một thế giới bình yên với gia đình chị và nhiều người khác. Mỗi tuần được nghỉ làm một ngày, chị tranh thủ đưa bọn trẻ trong khu ở đi thăm thú thành phố để các con quen dần với vùng đất mới.
Nhắc đến tết, chị Ngoan thở dài và bảo: “Các con tôi đang háo hức đến ngày tết cổ truyền Việt Nam. Nghĩ đến tết thì buồn lắm, vì năm nay chúng tôi phải đi làm chứ không chủ động nghỉ tết được như ở Ukraine. Nhớ những cái tết ở Odessa, dù bận bịu đến đâu cũng sửa soạn gói bánh, cắm hoa, bày mâm ngũ quả. Ở đây, không khí Noel và năm mới đã đến rất gần. Nhưng tết cổ truyền đầu tiền ở Đức thì đành gói ghém lại, năm nay mọi thứ sẽ nhạt nhoà thôi”…
Vội vã trở về, vội vã ra đi
Những ngày đầu tháng 12/2022, từ Đức, anh Phạm Tuấn Anh về lại Ukraine. Vợ chồng anh và các con rời đi tay không, tài sản hàng hóa còn ở Ukraine nên anh sốt ruột, luôn mong ngóng về lại đây. Từ khi sang Đức, đây là lần thứ 2 anh quay về, lần nào cũng vội vã. Lần trước anh đánh liều đáp tàu quay lại thành phố Kharkov ở miền Đông Ukraine nơi gia đình anh sinh sống. Nhà cửa chẳng còn, chiến tranh khốc liệt, chợ buôn bán ngày trước tấp nập nay đìu hiu vắng vẻ. Lần này anh về thành phố Odessa chục ngày vì cơ sở làm ăn, hàng hóa còn tồn đọng ở đây. Anh bảo ở Odessa quang cảnh đỡ tiêu điều, mức độ thiệt hại ít hơn ở Kharkov. Theo anh Tuấn Anh, thời gian qua có nhiều người về lại Odessa. Hiện có khoảng 400 người Việt ở đây, có người đi lánh nạn từ các nước láng giềng quay trở về, có người về Việt Nam cũng quay sang. Khu chung cư làng Sen của người Việt ở Odessa lác đác sáng đèn mỗi tối.
Ở Đức, gia đình anh được một người bạn tạo điều kiện cho ở căn nhà ở Muenchen. Con trai lớn của anh chị đang học tiếng Đức để chuẩn bị học đại học, con trai thứ 2 đã bỏ chương trình ở Ukraine để học tiếng Đức. Cô con gái 5 tuổi cũng đã được đi học mẫu giáo.
Vợ anh buổi sáng đi học tiếng Đức, buổi chiều đi phụ bán hàng tạp hóa. Anh bảo, 9 tháng qua vợ chồng anh chưa thể chú tâm làm việc vì mọi thứ còn lạ lẫm, tâm lý còn hoang mang. Nhưng ở đâu thì ở, vẫn phải sống và làm việc, hòa nhập để lo cho các con. Chỉ cần các con được học hành đầy đủ, được sống trong hòa bình thì vất vả mấy anh chị cũng cố gắng vượt qua.
Sắm Tết thông minh nhớ quan sát kỹ tránh ngay 7 loại cây cảnh này nếu không muốn mất tiền oan
Khi mua cây cũng phải hết sức tỉnh táo, quan sát kỹ tránh ngay 7 loại cây này nếu không muốn tiền mất, tật mang, rước bực tức vào người.