Ổi rất giàu chất xơ, kali, axit folic và hàm lượng vitamin C thậm chí còn phong phú hơn cam, táo. Ăn khoảng 1/3 quả ổi (180g) đã đạt được 145% lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày.
Ngoài ra, ổi còn có thể làm giảm chứng viêm trong cơ thể, ngăn ngừa huyết áp cao và giúp đại tiện cùng nhiều lợi ích khác tốt cho sức khỏe. Mặc dù ăn ổi tốt như vậy nhưng nhiều người đang ăn sai cách gây phản tác dụng, làm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ổi ngâm chua ngọt và rắc muối: Giảm chất dinh dưỡng và quá nhiều natri, đường
So với các loại trái cây khác, ổi có vị nhạt hơn nên nhiều người thích làm ổi ngâm chua ngọt hoặc ổi rắc thêm muối ớt, bột canh để tăng thêm hương vị, ăn vào hấp dẫn hơn.
Liu Zhenfang, giáo sư Khoa Y tế và Dinh dưỡng của Đại học Khoa học và Công nghệ Chang Gung Memorial, Đài Loan (Trung Quốc) nhắc nhở rằng việc ngâm chua sẽ làm cạn kiệt chất dinh dưỡng của ổi, nếu thêm muối và bột ớt để tăng hương vị, mọi người có thể ăn quá nhiều natri và đường.
Theo giáo sư Gao Caihua, Khoa Khoa học Thực phẩm tại Đại học Công giáo Fu Jen, Đài Loan và chuyên gia dinh dưỡng Zhang Yueping, trái cây ngâm chua là thực phẩm sơ cấp được chế biến và nếu thời gian ngâm lâu sẽ làm giảm chất dinh dưỡng.
Điều này chủ yếu liên quan đến các enzyme phân hủy protein có trong trái cây và rau quả, trong quá trình ngâm chua, protein sẽ bị phân hủy thành axit amin. Mặt khác, khi hoa quả đem ngâm muối, ngâm chua cần áp suất thẩm thấu của muối để ức chế sự phát triển của vi sinh vật nên sẽ làm giảm hàm lượng nước trong quả, trong khi hàm lượng natri lại tăng cao.
Việc tiêu thụ quá nhiều natri sẽ gây ra bệnh cao huyết áp kể cả ở trẻ em. Cao huyết áp có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tim, đột quỵ, suy thận.
Ổi sấy: Cẩn thận với các chất phụ gia và không nên ăn nhiều
Ổi sấy không chỉ dai mà càng ăn càng ngọt, là món ăn vặt được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên, có một số điều bạn cần lưu ý khi ăn trái ổi sấy khô.
Nhà dinh dưỡng học Li Wanping nhắc nhở mặc dù trái cây sấy khô vẫn giữ được các chất dinh dưỡng như chất xơ, flavonoid, polyphenol và các chất phytochemical như lycopene, nhưng bạn phải cẩn thận về các chất phụ gia và khẩu phần ăn.
Nhiều loại trái cây sấy khô bổ sung thêm các sắc tố (chẳng hạn như natri metabisulfite...) trong quá trình sản xuất, ngoài việc làm cho màu sắc đẹp hơn, còn có tác dụng dưỡng ẩm và khiến cho thực phẩm có kết cấu mềm dẻo. Mặc dù cơ thể con người có thể chuyển hóa chất này qua nước tiểu, nhưng nó vẫn có thể gây bệnh hen suyễn và dị ứng da ở một số người. Mọi người nên uống nhiều nước hơn sau khi ăn ổi sấy để hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
Ngoài ra, trái cây sấy khô thêm đường muối cũng nên hạn chế. Dù đường và muối an toàn hơn các chất phụ gia tạo màu nhưng cũng nên ăn vừa phải. Mặt khác, trái cây khi sấy sẽ thu nhỏ lại do mất nước nhưng hàm lượng calo vẫn không khác gì so với quả tươi nên mọi người khi ăn tránh tiêu thụ quá nhiều.
Nước ép ổi và mứt ổi: Cẩn thận ăn quá nhiều đường
Vì giàu vitamin C và nhiều chất dinh dưỡng khác nhau nên ổi là loại trái cây không thể thiếu để nhiều người tự làm mứt, nước ép. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping khuyên mọi người nên cẩn thận hơn khi dùng hoa quả làm nước ép. Uống nước ép trái cây có thể gây hại cho cơ thể không kém gì đồ uống có đường.
Đường fructose tự nhiên trong nước ép trái cây được cơ thể hấp thụ nhanh chóng, dễ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và kích thích tiết insulin, đưa đường trong máu đến tế bào để sử dụng hoặc dự trữ dưới dạng mỡ, khiến người dùng dễ tăng cân.
Nếu bạn thực sự muốn uống nước ép, chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping gợi ý nên dùng ở dạng sinh tố có cả phần bã để tăng lượng chất xơ và giảm chỉ số GI (chỉ số đường huyết) của nước ép.
Còn nếu hoa quả dùng làm mứt, các chất dinh dưỡng như vitamin C và chất xơ sẽ bị phá hủy gần như hoàn toàn và 94 đến 97% lượng calo trong mứt trái cây đến từ đường. Vì vậy mọi người không nên ăn mứt trái cây, người có đường huyết cao và tiểu đường càng nên tránh.