Anh Hoàng Mạnh Quỳnh (35 tuổi, ở Hà Nội) là người yêu thích thể dục thể thao, đặc biệt có đam mê với tập gym. Anh có chiều cao 1m78, thân hình vạm vỡ thể hiện rõ những đường cơ bắp, khiến ai nhìn thấy cũng trầm trồ. Để hoàn thiện cơ thể hơn nữa, anh Quỳnh luôn nỗ lực nâng cao cường độ tập luyện mỗi ngày. Thế nhưng chính việc tập gắng sức ấy khiến giờ đây anh trở thành người tàn phế và đối mặt với nhiều hệ lụy sức khỏe.
Anh Quỳnh cho biết, khi bắt đầu tập cường độ cao, anh cảm thấy chân trái hơi đau và có hiện tượng sưng, nhưng nghĩ chỉ là chút ảnh hưởng trong quá trình tập luyện nên anh không đi khám và duy trì tập nhẹ tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng chân trái sưng đau không hề giảm, mà ngày càng nặng.
Bác sĩ Mạnh đang thăm khám, kiểm tra chân cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.
Sau đó, chân anh bắt đầu có hiện tượng tím đen, đau liên tục, thậm chí có lúc còn mất cả cảm giác. Khi đến bệnh viện, anh được chẩn đoán bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân bên trái nhưng tình trạng đã quá nặng, bị hoại tử, phải cắt bỏ.
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh (thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam) - người trực tiếp điều trị cho anh Quỳnh, bệnh nhân gặp phải tình trạng huyết khối nặng, sau khi cắt bỏ chân trái và và xuất viện vẫn phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ vì nguy cơ luôn tiềm tàng. Một năm sau phẫu thuật, anh Quỳnh trở lại viện vì xuất hiện tình trạng đau tức ngực.
Bác sĩ Mạnh cho biết, việc huyết khối đến tim, phổi là rất nguy hiểm cho tính mạng. Ảnh:BSCC.
Bác sĩ Mạnh cho biết, lần này bệnh nhân có huyết khối ở tĩnh mạch chân phải, huyết khối ở tâm thất và động mạnh phổi 2 bên. Đây là tình trạng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nhồi máu phổi và tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong. Với tình trạng trên, bệnh nhân cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời.
Theo bác sĩ Mạnh, huyết khối là bệnh mạch máu nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm, có biện pháp kiểm soát, điều trị thì có thể xử lý hiệu quả, không để lại di chứng nặng nề như trường hợp bệnh nhân trên. Tuy nhiên, triệu chứng ban đầu rất khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với các vấn đề khác nên dễ bị bỏ sót bệnh. Ví dụ như tình trạng mỏi chân, chuột rút cũng là dấu hiệu cảnh báo huyết khối có thể xảy ra và thường gặp ở chân trái.
Theo bác sĩ Mạnh, việc tập luyện quá mức với cường độ cao là một trong số những nguyên nhân thường gặp dẫn đến xuất hiện huyết khối. Khi tập thể hình, chơi thể thao quá mức sẽ khiến các cơ, đặc biệt là cơ chân phát triển mạnh và vô tình chèn ép tĩnh mạch sâu, cản trở máu từ chân đến tim, gây tổn thương và dần dần hình thành huyết khối.
Dù đây là tình trạng nguy hiểm có thể gây tàn tật, tử vong nhưng lại ít được những người chơi thể thao chú ý. Đa những người hay tập luyện chỉ quan đến đến vấn đề xương khớp là chính. Do vậy, bác sĩ Mạnh khuyến cáo khi có các triệu chứng bất thường, mọi người cần đến cơ sở y tế, để được bác sĩ thăm khám và phát hiện bệnh, có phương án điều trị kịp thời.