Xót xa cảnh hoang tàn, đổ nát bên trong Hãng phim truyện Việt Nam
Xập xệ, đổ nát, chuột bọ chạy khắp nơi… là thực trạng khiến cho bất cứ ai bước chân vào Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội đều rùng mình, ngán ngẩm.
14:45 12/06/2023
Khó có thể tưởng tượng được rằng, ở giữa một con phố nhộn nhịp người qua lại, lại có một khu đất dường như bị bỏ quên như ở Hãng phim truyện Việt Nam. Nếu không có người bảo vệ ra hỏi han, nhóm PV chúng tôi lại tưởng mình đi lạc vào một nơi xa xôi nào đó.
Chia sẻ với Dân trí , NSƯT - Họa sĩ Vũ Huy cho hay, anh từng làm Giám đốc Xưởng mỹ thuật của Hãng phim từ năm 1993-2015 nên anh đau xót khi thấy nơi mình từng làm việc bị xuống cấp trầm trọng.
"Khi bắt đầu cổ phần hóa, ai cũng muốn mọi thứ tốt lên nhưng ngược lại, chúng tôi không được trả lương, không đóng bảo hiểm, gần như bị ném ra đường", mạnh ai nấy sống. Chúng tôi bị đối xử rất tàn nhẫn. Chúng tôi có đấu tranh nhưng mọi thứ vẫn như thế.
Hãng phim hiện tại không còn gì nữa, chỉ còn khu nhà đổ nát, hoang tàn xuống cấp theo thời gian. Kho phim, máy móc phục vụ làm phim đã hỏng hết, nhân sự tản mát, 7 năm nay không làm bộ phim nào, rất xót xa", NSƯT Vũ Huy tâm sự.
Cổng chính vào Hãng phim ở đường Thụy Khuê với biển hiệu mất chữ, bong tróc. Ít ai nghĩ rằng, nơi đây từng là cái nôi của Điện ảnh Việt Nam.
Nơi gắn biển số 4 Thụy Khuê hằn vết thời gian, xuống cấp trầm trọng.
Họa sĩ Vũ Huy cho biết thêm, hiện tại có nhiều quán ăn, nhà hàng đang thuê đất của Hãng phim để kinh doanh: Phía cổng đường Thụy Khuê có 1 quán phở, phía cổng đường Nguyễn Đình Thi có 1 nhà hàng, 1 quán trà chanh và 1 quán cơm rang đang hoạt động.
NSƯT Vũ Huy cho hay, các nghệ sĩ mong mỏi Hãng phim sẽ được "thay da đổi thịt", được làm nghề như thời hoàng kim. Hàng ngày, nhìn thấy cơ sở vật chất hỏng hóc dần, anh chỉ biết thở dài.
Theo Họa sĩ Vũ Huy - Nguyên Giám đốc Xưởng Mỹ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam, nơi đây bị "bỏ quên" 7 năm dẫn đến xuống cấp trầm trọng. Mặt sân dành để trông giữ ô tô, xe máy cho nhà dân lân cận.
Xưởng thu thanh, dựng phim mọc đầy rêu mốc, là nơi tập kết xô thùng của một số hộ dân gần đó.
Dù ban ngày, nhưng khi bước chân vào nơi đây, nhiều người cũng rùng mình bởi sự lạnh lẽo, hoang vắng.
Hội trường của Hãng phim bị bỏ không nhiều năm, các hàng ghế bị mốc, là nơi trú ngụ của chuột và gián.
Quán trà chanh, cơm rang và nhà hàng phía đường Nguyễn Đình Thi. Theo họa sĩ Vũ Huy, các đơn vị kinh doanh này thuê mặt bằng ở đây đã nhiều năm, khiến lối cổng sau bịt kín. Nghệ sĩ muốn sang nhà thủy phi cơ phải đi cửa ngách.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam ở Nhà hát Lớn, Hà Nội, NSND Trà Giang tâm sự: "Cách đây vài ngày, tôi từ TPHCM ra Hà Nội và đã đến Hãng phim. Nơi đây từng có 600 anh chị em nghệ sĩ cùng công nhân, cán bộ mỗi năm đã làm chục bộ phim nhưng giờ hoang tàn, đổ nát tới không thể tưởng tượng nổi. Tôi thấy sự quan tâm của các lãnh đạo đối với văn hóa nói chung và các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng dường như chỉ thể hiện trên văn bản, các hội nghị, lễ kỷ niệm chứ chưa có những hành động thiết thực".
Con gái nuôi Phi Nhung bóng gió "ai đó tên C" về lòng biết ơn và đạo đức
Bài đăng gần đây nhất của Tuyết Nhung - con gái nuôi cố ca sĩ Phi Nhung bóng gió nhắc đến "ai đó tên C" khiến dư luận không khỏi gọi tên Hồ Văn Cường.