Vợ chồng giáo sư bị con trai 'từ mặt' suốt 23 năm và bài học thấm thía dành cho các bố mẹ: Con bị kiểm soát quá, con thấy ngạt thở
Câu chuyện đang nhận được sự chú ý của rất nhiều người.
09:50 08/03/2024
Đôi vợ chồng đều là giáo sư bị con trai từ mặt suốt 23 và cho đến hiện tại sau nhiều lần nỗ lực xin lỗi, kết nối với con nhưng tất cả những gì mà 2 ông bà nhận được đều là sự im lặng, con vẫn bặt vô âm tín.
Cụ thể sự việc như sau:
Hai ba năm qua, vợ chồng ông Hoàng Lâm Sâm và bà Lưu Nhã Linh, nguyên giáo sư đại học thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô luôn nỗ lực tìm kiếm con trai duy nhất tên Hoàng Tiểu Hải. Người này đã không liên lạc với bố mẹ thời gian dài, cũng không ai biết hiện anh đang ở đâu.
Cặp vợ chồng giáo sư lên chương trình truyền hình để tìm kiếm và xin lỗi con trai, ảnh: VNE
Theo hàng xóm, việc từ bỏ bố mẹ của Tiểu Hải xuất phát từ những ký ức ám ảnh thời thơ ấu.
Là một gia đình trí thức nên ông Hoàng luôn muốn con trai trở thành người có tài năng xuất chúng. Cặp vợ chồng chưa bao giờ nghĩ đến việc cho Tiểu Hải những gì cậu muốn mà chỉ ép con làm theo điều cha mẹ thích. Mỗi lần con phạm lỗi dù nhỏ, ông bố giáo sư đều bắt cậu quỳ ở sân nhà, trước sự chứng kiến của nhiều người.
"Quỳ ở đây để mọi người thấy bố biết dạy con hay không", ông Hoàng nói với con trai.
Tiểu Hải vốn là cậu bé ngoan ngoãn, dù vậy có lần vô tình làm vỡ gạch nhà hàng xóm nên bị người này phàn nàn. Là giáo sư, ông Hoàng rất sợ bị ảnh hưởng danh tiếng, bởi vậy luôn lấy việc trừng phạt con để thể hiện với mọi người. Những lần bị phạt phải quỳ ở ngoài sân vì thế kéo dài vài tiếng, hàng xóm đi qua liên tục chỉ tay khiến Tiểu Hải xấu hổ.
Tiểu Hải chụp ảnh cùng bố mẹ năm 8 tuổi, ảnh: VNE
Lớn lên trong sự giáo dục hà khắc, mối quan hệ giữ ông Hoàng và Tiểu Hải ngày càng tồi tệ.
Năm con trai học lớp 8, như thường lệ sau bữa tối, ông Hoàng kiểm tra bài tập. Thấy Tiểu Hải làm bài sai, đôi chỗ viết cẩu thả nên ông bố trách mắng, tuy nhiên cậu con trai lại dửng dưng. Cho rằng con đang chọc giận mình, người bố bất ngờ 'tác động vật lý' vào má cậu hai cái.
Phẫn uất trước hành động của bố, Tiểu Hải kể lại với mẹ. Thay vì an ủi, bà Lưu cho rằng trẻ phải được dạy dỗ như vậy mới thành người. "Là cha mẹ, việc đánh con cái là đương nhiên", người mẹ nói.
Cô độc trong chính gia đình, Tiểu Hải luôn muốn thoát khỏi ngôi nhà này.
Bố mẹ nào cũng muốn những điều tốt cho con nhưng nếu kiểm soát quá mức sẽ phản tác dụng, ảnh: dSD
Khi đến tuổi dậy thì, người cha yêu cầu con trai phải ăn số lượng gấp đôi bình thường với hy vọng con sẽ cao lớn vượt trội. Số lượng thức ăn nhiều, nhưng nếu bỏ dở Tiểu Hải sẽ bị bố quát mắng. "Con không thể chống lại bố. Ở nhà này, ta là pháp luật", người cha khẳng định.
Dần dà, bữa ăn cũng là sự chịu đựng với cậu bé này. Ngoài ra, mỗi ngày người cha còn bắt con đi bộ hai tiếng thay thế cho việc đi chơi với bạn bè hoặc làm những công việc yêu thích khác.
Vào kỳ tuyển sinh, điểm số của Tiểu Hải đủ để chọn một trong hai trường đại học danh tiếng là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Song, vì bố giảng dạy ở đại học Nam Kinh nên ông một mực yêu cầu con trai nộp đơn vào trường này để tiện kiểm soát con.
Trẻ cần có sự uốn nắn nhưng cũng cần có sự tôn trọng cho những lựa chọn, sở thích của mình, ảnh: dSD
Không những vậy, người cha còn yêu cầu con trai phải theo đuổi cô gái mà ông đã chọn, đồng thời can thiệp vào các mối quan hệ khác của Tiểu Hải. Năm thứ hai đại học, vì con trai cho bạn mượn tiền không xin phép mà ông Hoàng đến tận trường gây náo loạn. Kết quả người bạn vì xấu hổ mà nghỉ học.
Từ sự việc đó, bạn bè cũng dần xa lánh Tiểu Hải vì sợ động chạm tới người cha quyền lực của anh.
Năm 1994, Tiểu Hải tốt nghiệp đại học. Dù bố mẹ tìm mọi cách để cậu con trai duy nhất được làm việc tại Nam Kinh nhưng anh lại đến Bắc Kinh với mong muốn được tránh xa khỏi bố mẹ mình.
Làm việc xa nhà, Tiểu Hải bặt vô âm tín, không liên lạc với ai trong gia đình. Vợ chồng ông Hoàng đã tìm kiếm con khắp nơi nhưng vẫn không rõ tung tích.
Vài tháng sau, Tiểu Hải gửi cho bố mẹ một lá thư, có đoạn viết: "Vì bố mẹ kiểm soát cuộc sống của con quá hà khắc nên con thấy ngạt thở. Từ giờ con quyết định cắt đứt mọi liên lạc với bố mẹ để có thể theo đuổi cuộc sống tự do của chính mình".
Nhiều bố mẹ muốn kiểm soát quá mức và can thiệp vào tất cả mọi việc trong cuộc sống của con, ảnh: dSD
Đến nay đã 23 năm, Tiểu Hải không một lời hỏi thăm đấng sinh thành. Vợ chồng ông Hoàng vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm con trai. Nhờ vào một chương trình tìm kiếm người thân của đài truyền hình trung ương Trung Quốc, cặp vợ chồng đã gọi được cho Tiểu Hải nhưng khi nghe thấy giọng mẹ, người con đã lập tức ngắt liên lạc và khóa máy.
Được biết, Tiểu Hải hiện sống một mình ở Bắc Kinh, không vợ con, tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Thấy thái độ con trai vẫn cương quyết sau 23 năm, vợ chồng ông Hoàng nhận ra sai lầm trong phương pháp giáo dục trước đây của họ. Cha của Tiểu Hải, vốn là người luôn tỏ ra kiêu hãnh đã phải xin lỗi con trong chương trình tìm kiếm người thân, hy vọng Tiểu Hải xem được và tha thứ cho bố mẹ.
Nhiều bố mẹ hiện đại đã nhận ra chính mình khi theo dõi câu chuyện của gia đình Tiểu Hải, ảnh: dSd
Dù vậy, sau này người con trai vẫn không hồi đáp.
Câu chuyện tìm con của gia đình giáo sư Hoàng đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người dùng mạng. Nhiều người cho rằng, Tiểu Hải quá nhẫn tâm khi đoạn tuyệt với đấng sinh thành, khi họ đã tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại đồng cảm với người con trai.
Nhà nào cũng có muối, đó là điều chắc chắn bởi đây là nguyên liệu nấu ăn rất quan trọng.
Nhà nào cũng có muối , đó là điều chắc chắn bởi đây là nguyên liệu nấu ăn rất quan trọng.