Việt kiều về quê, những lưu ý về mang tiền, USD với khách bay
Chuyện mang tiền, USD xuất, nhập cảnh, lên máy bay đi các nước được nhiều người quan tâm trong những ngày cận Tết. Thực tế đã có không ít trường họp bị xử phạt vì mang quá số tiền quy định.
13:11 27/01/2023
Chị Minh Trang (38 tuổi), có nhà ở Ba Lan nhưng một nửa thời gian trong năm chị sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Sau nhiều chuyến bay đi, về giữa hai nước, kinh nghiệm của chị là dùng thẻ tín dụng (Credit Card).
“Tỷ giá đổi còn rẻ hơn "chợ đen", vừa an toàn lại không sợ bị móc túi. Ngoài tiền để trong thẻ, tôi chỉ mang theo 1.000 USD tiền mặt tiêu vặt cho cả hành trình bay”, chị Minh Trang nói.
Tuy nhiên, chị Minh Trang cũng thừa nhận bản thân chuyển sang dùng thẻ tín dụng sau lần lỡ vi phạm quy định về mang quá số tiền mặt lên máy bay về nước.
Kiều bào về quê đón Tết cần lưu ý số tiền mặt được theo lên máy bay. Ảnh: Anh Hùng
Chị Minh Trang chia sẻ: “Thường ở châu Âu hành khách sẽ qua máy soi rồi mới đến hải quan sân bay. Qua máy soi họ sẽ biết mình mang nhiều hay ít tiền và bằng cách nào đó họ thông tin cho lực lượng hải quan bên trong giữ lại ở khâu này hoặc trước cửa lên máy bay.
Lần ấy từ Ba Lan về Việt Nam, lúc đi qua máy soi tôi giấu bớt tiền vào giày và chia ra nhiều chỗ như túi áo, quần, vali xách tay. Khi phải tháo dây lưng qua cửa an ninh, tôi bất ngờ làm rơi ra 5 tờ 100 USD. Tôi bị thu hết số tiền đó, dù không quá nhiều nhưng nó là bài học với tôi”.
Chị Minh Trang kể thêm trường hợp chị gái cùng con từ Đức về Việt Nam, ngoài số tiền quy định còn mang thừa 10.000 USD. Chị gái của cô đưa cho con cầm tiền mặt, qua được máy soi, qua cửa hải quan nhưng lên máy bay vẫn bị phát hiện.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Quân, một người Việt sinh sống tại Đức hơn 20 năm, cho biết, cũng từng mang quá số tiền so với quy định trong lần về Việt Nam.
Ông Quân thường mang tiền mặt dưới mức quy định của nước nhập cảnh. Ví dụ, ở châu Âu cho phép được mang đi/vào dưới 10.000 USD, nhưng mức này khi nhập cảnh vào Việt Nam lại vượt quá 5.000 USD.
“Có lần tôi mang quá số tiền quy định hơn 2.000 USD. Nhân viên hải quan yêu cầu kê khai và hỏi lý do mang tiền. Sau một khoảng thời gian trao đổi cộng với kê khai, ký cam kết, hải quan cũng đồng ý cho tôi qua.
Từ trường hợp cá nhân, tôi nghĩ, Việt kiều về nước thăm người thân nên nhớ kỹ quy định để tránh mất thời gian”, ông Quân chia sẻ.
Ở chiều xuất cảnh, nếu hành khách không biết quy định về mang tiền mặt lên máy bay thì cũng gặp phiền toái. Điển hình như tình huống của chị Tâm có con du học ở Úc.
Chị Tâm gửi 6.000 USD tiền mặt qua người quen sang Úc cho con. Khi thực hiện thủ tục xuất cảnh tại sân bay, người quen của chị Tâm bị hải quan chặn lại, lập biên bản, tạm giữ số tiền này.
Sau đó, chị Tâm phải mất thời gian xuất trình giấy rút tiền, đổi tiền tại ngân hàng để chứng minh nhưng vẫn bị xử phạt.
Luật sư Đặng Văn Cường
Chia sẻ với VietNamNet, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Điều 2 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước quy định, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam, nếu mang theo trên 5.000 USD Mỹ hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương, hoặc trên 15 triệu đồng Việt Nam, phải khai báo tại hải quan cửa khẩu.
Trường hợp mang tiền, ngoại tệ vào Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài qua cửa khẩu hàng không, đường bộ mà không khai báo hải quan, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, tại Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, nêu rõ, người xuất nhập cảnh qua biên giới mà không khai hoặc khai sai số ngoại tệ, tiền Việt Nam vượt mức quy định thì bị xử phạt lên đến 50 triệu đồng với trường hợp xuất cảnh; bị xử phạt lên đến 25 triệu đồng đối với trường hợp nhập cảnh.
Luật sư Đặng Văn Cường thông tin thêm, theo Luật hình sự năm 2017, trường hợp vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới không khai báo hải quan mà giá trị tiền tệ từ 100 triệu đồng trở lên, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt có thể tới 10 năm tù.
“Như vậy, tùy theo giá trị hàng hóa, tiền tệ vận chuyển qua biên giới mà người vi phạm có thể bị phạt lên đến 10 năm tù. Bởi vậy công dân Việt Nam và Việt kiều về nước cần phải tuân thủ quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.
Nếu mang số tiền, ngoại tệ vượt quá mức quy định, cần phải khai báo hải quan, nếu cố tình không khai báo, có thể bị thu giữ, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường lưu ý.
Trần Bảo Sơn hiếm hoi khoe con gái út, dung mạo làm nhiều người xuýt xoa, khác hẳn chị gái
Có sự nghiệp diễn xuất thành công, tuy nhiên Trần Bảo Sơn lại có hôn nhân không trọn vẹn bên Trương Ngọc Ánh khi cả hai sớm ly hôn.