Tết đừng vì "Sĩ diện mà bày vẽ nhiều" gia đình quây quần nghỉ ngơi là chính

Tết Việt được hiểu là Tết cổ truyền của người Việt, hay còn gọi là Tết Nguyên đán, là Tết mở đầu cho năm mới. Người Việt xưa gọi là Tết Cả.

19:34 12/01/2024

Trong những ngày bận rộn sát Tết, ngoài thời gian cấp tập chuẩn bị mua sắm, dọn dẹp, người ta lại rất cần khoảng lặng để ngẫm về một cái Tết vui, giữ được nếp xưa mà không quá câu nệ, gây tốn sức và tốn kém.

Tết vui, đừng câu nệ hình thức và vật chất - Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín và những hoạt động truyền thống dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, trưởng bộ môn Việt Nam học, Trường đại học Tôn Đức Thắng, người có nhiều nghiên cứu văn hóa Việt Nam chia sẻ về giá trị của ngày Tết - nhất là một cái Tết vui, không nệ hình thức và vật chất như sau:

 

Có lẽ, chỉ có tên gọi như thế mới thấy hết tầm vóc và chiều sâu tâm hồn của nếp nghĩ, nếp sống truyền thống.

Cũng vào dịp này, đạo lý làm người được nhắc lại, để in sâu trong mối quan hệ xã hội nhiều, trọn vẹn. Đó là quan hệ cháu con và ông bà, cha mẹ, thầy và trò - "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy" - từ đó thắt chặt mối quan hệ giữa họ hàng thân quyến, đồng nghiệp, bạn bè, trẻ, già...

Đây thật là một lối sống tràn đầy nhân ái, chu đáo, một lối ứng xử văn minh. 

Do vậy, Tết đã trở thành một mỹ tục của người Việt, nó không chỉ đơn thuần là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới hay đơn giản là sự chuyển mùa. 

Hơn thế, Tết mang ý nghĩa tâm linh và nguồn cội, khiến ta sống trong lễ thức tôn nghiêm cùng đạo đức cộng đồng.

Tết vui, đừng câu nệ hình thức và vật chất - Ảnh 2.

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín: "Đón Tết vui, Tết khỏe là sự an lạc trong mỗi người" - Ảnh Nhân vật cung cấp

Đón Tết... mà sợ Tết

* Những năm gần đây người ta nói nhiều đến… nỗi sợ Tết, trong khi đó là mong ước của nhiều người khác. Vì sao lại có sự mâu thuẫn này?

- Không ít người nói: "Tết giờ sao nhạt quá, không như Tết xưa", hay "Tết giờ cảm giác không Thiêng như trước"… Thậm chí có rất nhiều người "sợ" Tết. 

Cảm giác sợ Tết, thiết nghĩ cũng là một chỉ báo cho sự vận động, chuyển mình của đời sống xã hội, phát triển từ một không gian văn hóa nông thôn, làng xã sang không gian văn hóa đô thị, công nghiệp. 

Ở không gian văn hóa mới này, yếu tố kinh tế đang ngày càng là một góc tiếp cận, một cái nhìn có ý nghĩa chi phối trong các lựa chọn về giá trị, sự lựa chọn của các cá nhân mang tính rộng mở hơn và đang có một sự đảo chiều giữa mối quan hệ cộng đồng và cá nhân. 

Cùng với quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, khiến cho việc phát triển kinh tế, hàng hóa không phụ thuộc vào ngày Tết của mỗi nước, từ đó tạo nên vô số áp lực từ những doanh nghiệp lớn, buộc phải gia tăng năng suất, làm việc nhiều hơn so với những ngày thường, dẫn đến việc tất bật, vội vả, "đua deadline", để kịp thời gian Tết.

Cũng không ít người, Tết còn là nỗi lo của cơm áo gạo tiền, tiêu xài Tết sắm Tết, quà biếu với vật giá khá cao, áp lực về tài chính đè nặng... Do đó, với một số ít trường hợp có cảm giác "sợ" Tết. Và ngược lại, phần đông người khác, lại mong đến Tết để được thụ hưởng thoải mái sau một thời gian lao động nhọc nhằn.

* Vậy theo anh, chúng ta có thể làm gì để phát huy các giá trị tích cực và truyền thống của Tết Việt thay vì sợ Tết?

- Tết là một thời điểm đặc biệt, nó như cái bản lề, khép lại một năm này và mở ra một năm khác. Nó như là một chu trình vận hành khép kín, có khóa, có mở. Đã là vận hành thì phải có ngừng nghỉ, dù ở hình thức nào để điều chỉnh, để tái vận động, vận hành được bình thường và tốt hơn. 

Và Tết chính là dịp, là cái cớ để thực hiện sự điều chỉnh này. 

Do vậy, rất cần khoảng lặng, khoảng không gian yên tĩnh của ngày Tết, để giúp ta lắng đọng, suy tư, giúp ta hoài niệm về quá khứ, suy tưởng, gửi gắm niềm tin, hoài vọng đến tương lai và cảm nhận những gì đang hiện hữu, nạp thêm năng lượng để tiếp tục thực hiện công việc một cách hiệu quả.

Tết vui thay vì phải vùi đầu

* Thực tế, có những sinh hoạt, cúng kính trong dịp Tết xưa khá rườm rà và khiến phụ nữ phải mệt mỏi vì vùi đầu trong bếp, dọn dẹp, rửa chén. Anh thấy ngày nay, cần tinh giản những gì để giải phóng phụ nữ khỏi áp lực trong những ngày Tết và sinh hoạt truyền thống này văn minh hơn?

- Tết tuy là một sản phẩm của lịch sử, dù có nhiều phong tục, nhưng Tết nay cũng mang lại nhiều nhược điểm của thời đại cũ, khó hòa nhập với thời hiện đại. 

Cũng cần suy nghĩ lại để làm sao cho Tết vẫn mang đầy đủ ý nghĩa tinh thần, đủ nghi thức cần thiết, song không câu nệ về hình thức và vật chất. 

Đặc biệt, cần tinh giảm những cuộc thụ hưởng quá chén, xem là cuộc chơi hết mình, mà ý nghĩa thật sự của ngày Tết là ngày đầy kỷ niệm, nhắc nhở bổn phận và trách nhiệm của từng người đối với gia đình và xã hội.

Được như vậy, có thể giúp cho người phụ nữ đỡ áp lực, gánh nặng vào những ngày Tết. 

* Ngày Tết anh thường làm gì? Và anh có gợi ý nào cho việc kiến tạo Tết vui, Tết khỏe cho mọi người?

- Ngày Tết tôi thường có thói quen thưởng trà, đọc sách, viết thư pháp, thăm hỏi, chúc Tết người thân và thầy cô. Và có chút tĩnh lặng để tự suy xét, kiểm điểm về mình trong một năm lao động, học tập... để cải thiện và khắc phục.

Trong Phật giáo có câu "Nhất thiết duy tâm tạo", mọi thứ đều do tâm mà có, nếu tâm ta có mùa xuân thì lo gì cảnh vật thiên nhiên chẳng xuân. "Tâm xuân thế giới đều xuân", "Tâm an vạn sự an" là vậy.

Đón Tết vui, Tết khỏe là sự an lạc trong mỗi người, sự khai mở trí tuệ, sự thắt chặt mối quan hệ, cộng đồng từ gia đình đến xã hội, cùng hướng đến sự hoàn chỉnh, toàn vẹn trong lối sống.

Tags:
Mách mẹ cách phân biệt quýt Việt Nam và quýt Trung Quốc ngậm hóa chất đơn giản nhất

Mách mẹ cách phân biệt quýt Việt Nam và quýt Trung Quốc ngậm hóa chất đơn giản nhất

Đang mùa quýt, các mẹ khi đi chợ nhớ cẩn thận kẻo mua phải quýt Trung Quốc ngậm hóa chất nhé!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất