Quang Linh Vlogs - Chàng trai Việt mang những điều kỳ diệu đến đất nước Angola
Mua đất, xây nhà, khoan giếng nước, giúp người dân phát triển nông nghiệp... đó là một trong số nhiều công việc thiện nguyện mà Phạm Quang Linh đã và đang làm tại đất nước Angola xa xôi.
10:33 26/12/2022
Dù mới bước sang tuổi 24 nhưng những việc làm của Quang Linh mang đậm tinh thần con người Việt Nam khiến nhiều người dân châu Phi yêu mến và ngưỡng mộ.
Quang Linh Vlogs là ai?
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió, Phạm Quang Linh (SN 1997) sớm đã thấm thía cái nghèo khó khi còn là một cậu bé. Năm 2016, tốt nghiệp phổ thông, Linh quyết định đến Luanda, Thủ đô Angola tận châu Phi xa xôi để lập nghiệp.
Khi sang tới đất nước châu Phi, Linh may mắn có gặp được những người bạn bản địa hiền lành và yêu mến người Việt Nam. “Những người Angola mà mình có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc cùng thân thiện và tốt tính lắm.
Sang bên này rồi mới biết, người Việt rất được quý ở Angola chứ không hề bị kỳ thị chút nào. Nhiều khi mình còn có cảm giác, chỉ cần người Angola nói tiếng Việt nữa thôi thì mình với họ cũng chẳng khác gì những người Việt với nhau” Quang Linh nói về tình cảm của người dân châu Phi đối với người Việt. Ở đó, những người bạn như Manuel Arlindo (thường gọi là Lindo) dần trở thành người thân, đồng hành với Linh suốt hành trình sau này.
Sau một thời gian làm xây dựng, Linh tích cóp được chút vốn và quyết định mở xưởng làm đá lạnh ở một khu phố nhỏ bên bờ biển Luanda. Anh rủ Lindo về làm cùng với nhiều người khác. Làm quản lý xưởng đá, trong thời gian rảnh, Linh đã lên ý tưởng về việc lập một kênh Youtube ghi lại cuộc sống của mình và những người bạn tại Angola.
“Mục đích ban đầu mình muốn đăng tải các video lên mạng không phải vì kiếm tiền mà chỉ muốn có chỗ lưu lại những kỷ niệm của bản thân ở nơi xa xôi, khác biệt hoàn toàn về văn hóa này”, Linh kể.
Kênh Youtube của Linh ban đầu chỉ mang tính giải trí, giới thiệu văn hóa Việt Nam, những khoảnh khắc trêu đùa đồng nghiệp của mình. Sau một thời gian, khi nhiều lần trao đổi, tâm sự với những người đồng nghiệp châu Phi, Linh dần nhận thấy nhiều tâm tư trong mỗi người. Đều xuất thân từ gia đình nghèo khó nên những người bạn châu Phi của Linh đều có chung mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Linh bắt đầu sự giúp đỡ của mình bằng cách thêm tiền cho đồng nghiệp gửi về quê, mua cho họ một chiếc điện thoại, một bộ quần áo mới, về quê của từng đồng nghiệp để giúp cả xóm làng... Dần dà, Linh nghĩ đến việc phải tìm cách giúp đỡ thêm nhiều người nghèo ở Angola, bởi đi đến đâu Linh cũng nhìn thấy những hoàn cảnh cần giúp đỡ.
Khi bắt đầu hoạt động thiện nguyện, Linh cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về kinh tế: “Khi quyết định rẽ hướng từ kiếm tiền mưu sinh sang các hoạt động vì cộng đồng, cuộc sống ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, dần dần mình không đặt nặng vấn đề tiền bạc mà mục đích lớn hơn là muốn bản thân được thêm trải nghiệm. Đồng thời, khi giúp đỡ người khác, mình thấy vui hơn”.
Có thêm vốn từ xưởng đá, Linh mở cửa hàng bán giày trên mạng. Những hình ảnh trên hai kênh YouTube: Quang Linh Vlogs, Ẩm thực châu Phi dần thu hút lượng lớn người xem, được bật kiếm tiền. Từng đó thu nhập chưa nhiều nhưng đủ để chàng trai trẻ quyết định chọn một con đường đi hoàn toàn mới, lạ lẫm ở đất nước nghèo của châu Phi. Đó là hành trình vừa làm “YouTuber”, vừa kiếm tiền qua kinh doanh để thực hiện những điều có ích cho cộng đồng bản địa.
Hành trình giúp đỡ cộng đồng tiếp tục rộng mở
Khi đại dịch Covid-19 bùng xuất hiện ở Angola, Quang Linh khi đó chưa đủ kinh tế để về nước, thế nên anh đã chọn ở lại. Quang Linh đã quyết định dùng khoảng thời gian rảnh rỗi này thực hiện hành trình về thăm quê của những người bạn đồng hành. Nơi Linh đặt chân đến đầu tiên là quê của Lindo, ở làng miền núi xa xôi Sanzala (thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo - một trong những địa phương nghèo nhất của Angola).
Những ngày đầu mới quen Lindo, Quang Linh cùng đồng đội thường xuyên tổ chức nấu những món ăn thuần Việt như bún riêu cua, thịt gà xào xả ớt, nem rán... cho người dân và đặc biệt là trẻ em tại Bailundo. Đây là những trải nghiệm mà người dân ở đó chưa bao giờ có.
Không chỉ dừng lại ở làm đồ ăn, khi thấy vùng quê này không có nước sạch để sử dụng, “Team châu Phi” của Linh đã khoan giếng nước ngầm. Linh đã quyết định bỏ tiền, thuê thợ ở Luanda (cách làng Sanzala khoảng 200km) đến khoan tìm nước ngọt. Và chỉ sau ba giờ, giấc mơ có nước sạch lần đầu trong đời đã thành hiện thực trong sự ngỡ ngàng của những người dân.
Khi nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ nhưng người dân lại không biết canh tác nên rau xanh trở thành một mặt hàng vô cùng khan hiếm và đắt đỏ. Biết chuyện, Linh đã cùng team mua hạt giống và mang những kiến thức “con nhà nông” để tạo ra những mảnh vườn giúp người dân có thể tự trồng trọt và làm nông nghiệp.
Bằng kinh nghiệm làm nông trước đây ở Việt Nam, họ hướng dẫn người dân cách trồng rau đúng cách, thu hoạch như thế nào. Thậm chí, cả cách chế biến rau thành món ăn. Những lứa dưa chuột, rau cải... đầu tiên được đưa ra chợ bán, thu lại một khoản tiền để tái trồng trọt. Hiện, “Team châu Phi” cùng người dân bản địa đã đưa được nước suối về để tưới rau, hy vọng tiếp tục mở rộng mô hình trồng rau ra nhiều hộ dân, khu vực khác phù hợp trong vùng.
Biết chuyện Lindo đang dự định tổ chức đám cưới ở quê nhà nhưng hoàn cảnh rất khó khăn cho nên nhóm của Linh quyết định giúp. Và rồi một lễ đám hỏi đậm chất Việt Nam được diễn ra ngay giữa lòng đất nước Angola thật sự đáng ghi nhớ. Lindo chia sẻ: “Vô cùng hạnh phúc khi Linh tặng vợ chồng tôi từ trang phục cưới đến nhẫn cưới. Linh đã làm những việc quan trọng trong cuộc đời tôi thay chính bố mẹ tôi”.
Hiện tại, bằng thu nhập cá nhân lẫn các nguồn quyên góp, nhóm của Linh đang tiếp tục hỗ trợ xây thêm bốn ngôi nhà cho những “anh da đen” còn lại trong nhóm; tặng gạo cho người dân các xóm vùng núi Bailundo...
Sau khi giúp người dân làm nông nghiệp, nhóm của Linh bắt đầu thực hiện một dự án hướng đến tương lai: Trong năm 2021, hỗ trợ 5.000 học sinh miền núi ở đây có đủ điều kiện đi học. Nếu đủ kinh phí, sẽ giúp đỡ các em trong khoảng từ ba đến 5 năm, thậm chí lâu hơn nếu có thể.
Linh nói: “Nhà nước Angola miễn phí tiền học cho trẻ nhưng đồng phục, sách vở, tiền ăn thì gia đình phải tự lo. Mà đối với họ, tiền ăn phải kiếm hằng ngày, đâu dư dả để cho con đi học”. Thậm chí, trường học ở vùng này xây từ năm 1987, cũ kỹ, hư hỏng nặng. Nhà trường còn chẳng đủ kinh phí mua bàn ghế cho nên học sinh đến trường phải tự... vác ghế ở nhà đi. Hiện tại, đội ngũ của Linh đã tiến hành sửa sang lại ngôi trường học mà người Pháp để lại trên vùng núi Angola cho dự định hỗ trợ hàng nghìn học sinh ở đây tới trường.
Hình ảnh Quang Linh và những người bạn tại châu Phi đang giúp cộng đồng tràn đầy xúc cảm, tự hào vì những trái tim Việt Nam đang tỏa nắng, góp phần sưởi ấm cuộc sống đầy khó khăn ở châu Phi.
Với những hành trình thiện nguyện đáng quý của mình và nhóm bạn, Quang Linh vinh dự lọt tốp nhân vật truyền cảm hứng năm 2020 của chương trình Wechoice Awards. Anh cũng xuất hiện trong “Ngày trở về - Trái tim có nắng” của Đài Truyền hình Việt Nam dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua.
Có chồng Mỹ làm thợ lắp ráp, cô gái Việt giũa nail đổi đời nhờ Youtube: Nhận nút vàng, mở công ty
Không ngờ chỉ sau những clip đăng tải về cuộc sống cá nhân, cô gái Việt đã nhận được quá nhiều tình yêu thương, ủng hộ của người dùng mạng. Cũng nhờ công việc làm Youtube, cuộc sống vợ chồng chị Ngọc cải thiện rất nhiều.