Qua rồi cái thời Việt kiều phải nhờ người thân đứng tên mua đất

Tôi còn nhớ vụ kiện năm 2022 khi vợ chồng người Việt Nam đã định cư lâu năm ở Đức gửi tiền về để người em ở trong nước đứng "hộ" tên mua thửa đất gần nhà. Anh chị tâm sự, mặc dù ở nước ngoài từ lâu nhưng anh chị muốn đến khi về hưu sẽ trở về nước sinh sống để gần với người thân bên nội, ngoại.

01:40 19/12/2024

Tuy nhiên, mọi việc đã không như ý muốn khi người em trai đứng tên "hộ" thấy giá bất động sản lên cao đã nổi lòng tham tự ý rao bán thửa đất trên. Biết tin, người anh ở Đức vội vã trở về. Sau khi không hòa giải được, vụ việc được đệ trình ra Tòa án giải quyết. Đến giờ vụ án vẫn chưa giải quyết xong vì có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, tình cảm gia đình, tình anh em mất mát, sứt mẻ là những thứ có thể thấy được từ việc đứng "hộ" tên khi mua đất trong trường hợp trên.

Một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài (thường được gọi là Việt kiều) "nhờ" người thân trong nước đứng tên để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một thực tế đã được báo chí phản ánh thời gian vừa qua. Ngoài thuận tiện cho giao dịch, việc nhờ người thân trong nước đứng tên còn xuất phát từ quy định của Luật Đất đai 2013 khi có một số quy định hạn chế Việt kiều nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp từ các cá nhân trong nước.

viet kieu mua nha o vn

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: Hữu Nghị).

Luật Đất đai 2013 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sử dụng đất trên cơ sở nhà nước giao đất, cho thuê đất. Đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được nhận chuyển nhượng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực dân cư từ cá nhân trong nước.

Để "lách" quy định hạn chế trên, phương án một số Việt kiều lựa chọn là nhờ người thân đứng tên; không ít hệ lụy như kiện cáo, tranh chấp vì pháp lý cũng vì thế đã phát sinh.

Luật Đất đai sửa đổi 2024 đã có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến cách tiếp cận đất đai của Việt kiều. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (còn quốc tịch Việt Nam ) thì có quyền tiếp cận đất đai, quyền với đất đai như các cá nhân trong nước. Đối với những người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không phải là công dân Việt Nam (không có quốc tịch Việt Nam) thì việc tiếp cận đất đai (hạn chế) về cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành tại Luật Đất đai 2013.

Như vậy, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, những Việt kiều vẫn giữ quốc tịch Việt Nam như vợ chồng người doanh nhân đầu câu chuyện sẽ có quyền bình đẳng như các cá nhân trong  nước, được nhận chuyển nhượng và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng  đất mà không phải "nhờ" người khác đứng tên.  

Theo thống kê hiện có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt kiều ngày càng gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Một số ít người tôi tiếp xúc đã từng băn khoăn sợ rằng khi Việt kiều, những người thường có thu nhập cao, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất như cá nhân trong nước sẽ làm giá bất động sản bị tăng cao, qua đó lo ngại việc tiếp cận đất đai của người dân trong nước bị hạn chế.

Tôi cho rằng điều này hoàn toàn không đáng lo ngại, bởi giá bất động sản sẽ do cung cầu thị trường tự điều tiết phù hợp. Thực tế cho thấy giá bất động sản ở Việt Nam bị chi phối bởi nhiều yếu tố trong đó có 3 nhân tố quan trọng gồm: cơ chế chính sách, lãi suất cũng như việc tiếp cận vốn của người mua bất động sản với ngân hàng có dễ hay không và một nhân tố rất quan trọng là tâm lý kỳ vọng của người mua. Như vậy, việc mở rộng quyền của Việt kiều tiếp cận đất đai sẽ khó có thể gây ra tác động lớn đến giá cả và xu hướng của thị trường bất động sản thời gian tới.

Trước đây, vào năm 2008, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng có nhiều lo ngại giá nhà trong nước sẽ tăng cao. Tuy nhiên, thực tế thị trường bất động sản không bị biến động nhiều sau tác động của chính sách đó.

Điều kiện "cần" là Luật đã đầy đủ và rõ ràng. Điều kiện "đủ" thời gian tới là các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục để người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam tiếp cận và sử dụng đất đai một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.

Tags:
Lý do trượt phỏng vấn visa Mỹ và những điều bạn cần biết

Lý do trượt phỏng vấn visa Mỹ và những điều bạn cần biết

Trượt phỏng vấn visa Mỹ từ lâu đã trở thành nỗi sợ hãi của nhiều người Việt. Tuy nhiên việc bị từ chối visa không phải là con đường cuối cùng và bạn sẽ biết cách chuẩn bị cho những lần sau được tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất