Phải học luật trước khi đi câu cá ở Mỹ

Đừng nghĩ rằng cứ thích là vác cần câu ra bất cứ bờ sông, con suối hay bãi biển nào mà câu nhé, bạn sẽ nhận biên bản phạt nặng nề vì không biết luật câu đấy.

12:23 15/12/2024

Muốn đi câu cá, câu cua ở Mỹ trước tiên bạn phải mua giấy phép đi câu. Mỗi tiểu bang có quy định riêng về giá cả nhưng luật chung là bạn phải có giấy phép đi câu. Giấy phép có nhiều loại thường là thời gian sử dụng trong một mùa câu (tức một năm) như giấy phép về câu cá nước mặn, câu cá nước ngọt hay câu ở cả nước mặn và ngọt, giấy phép về câu cua. Tất cả đều là riêng biệt, bạn thích câu loại nào thì mua loại đó. Giá một giấy phép câu cá khoảng vài chục đô và một giấy phép chỉ dành cho một người mà thôi.

 

 

Khi có giấy phép rồi thì a lê hấp ta đi câu thôi. Tất nhiên, bạn phải biết nơi nào có cá, có cua và phải lên Internet xem khúc sông nào, bờ biển nào chính phủ bắt đầu cho câu từ ngày mấy đến ngày mấy. Một điều rất quan trọng là tuy bạn câu với hình thức giải trí nhưng bạn phải hiểu rõ luật câu ở tiểu bang bạn sống. Khi bạn mua giấy phép câu, họ sẽ cho bạn một quyển sách về luật câu và bạn phải đọc để thực hiện các luật đó.

Tôi xin đưa ra một số luật câu căn bản mà bạn bắt buộc phải biết. Có những khúc sông họ không cho phép bạn câu những lưỡi câu có ngạnh sâu. Bạn phải biết luật một con cá dài khoảng bao nhiêu thì được lấy, vì nếu bạn nhỡ câu được cá nhỏ (dưới tiêu chuẩn cho phép) thì bạn phải thả vì cá chưa đủ lớn để bắt. Thường thì một con cá hồi ở Mỹ dài hơn nửa thước, nặng ít nhất là 4kg, nếu nhỏ hơn thì bạn phải thả. Quan trọng hơn hết là bạn phải nắm rõ mỗi loại cá bạn được câu bao nhiêu con trong một lần câu và một năm bạn được câu tất cả bao nhiêu con cá. Ví dụ như cá salmon (cá hồi) loại thường bạn được câu 4 con một lần nhưng King Salmon bạn chỉ được phép câu hai con một lần.

 

 

Trong một năm bạn chỉ câu và được phép câu không quá 60 con cá. Vì vậy, mỗi lần câu được cá bạn phải lấy giấy phép ra đánh dấu số lượng cá mà hôm đó bạn đã câu. Thông thường nếu ai câu quá số lượng của một ngày thì tự nhiên họ sẽ thả con cá đó ra.

Nơi tôi ở có một nhà máy chuyên ép cá sinh nở rồi thả lại về biển, gọi là duy trì nòi giống của cá. Nhà máy này nằm ngay ở thượng nguồn nơi cá bắt đầu từ biển đổ vào sông. Đầu mùa, họ bắt cả triệu con, làm dấu (cắt ngắn bớt một cái mang nhỏ của cá) và nuôi cho cá sinh con, sau đó nuôi cá con đến một lúc nào đó lại thả về biển. Đến khoảng hai, ba năm sau tự nhiên những con cá này sẽ bơi về lại nhà máy và họ tiếp tục cho cá sinh. Tất nhiên số lượng cá quay trở về lúc nào cũng ít hơn số lượng cá ban đầu. Khi tôi câu ở gần nhà máy này, theo luật tôi chỉ được phép câu và lấy những con cá trước đây họ nuôi và thả (nhìn vào ký hiệu của mang cá), không được phép lấy những con cá hoang.

Tôi không đi câu cua nên tôi không biết nhiều về luật câu cua, chỉ nghe nói là mỗi lần đi câu bạn chỉ được phép lấy 4 con và nếu lấy cua cái thì bạn phạm trọng tội đó.

Người Mỹ tôn trọng sự thành thật và mỗi người đều phải có ý thức. Nếu như bạn không mua giấy phép câu cá hay bạn lấy quá số lượng hoặc cá, cua chưa đủ kích thước và nghĩ rằng sẽ chẳng ai thấy thì đó là một sai lầm. Cảnh sát thường đi kiểm tra giấy phép của người đang câu hoặc khi bạn câu được cá, họ sẽ kiểm tra xem bạn có ghi chép số lượng hay không. Rất nhiều lần tôi chứng kiến cảnh sát kiểm tra và đọc vanh vách số lượng cá mà bạn đã câu và thả trong những lần trước là bao nhiêu con. Có lẽ họ đặt máy quay đâu đó mà bạn không biết. Nếu may mắn, bạn có thể thoát được một lần nhưng chưa chắc đã thoát được lần sau.

 

 

Nếu bạn phạm các luật trên thì bạn sẽ bị tịch thu cần câu, xe, bị ra tòa, nộp phạt ít nhất là cả nghìn đô còn lý lịch thì bị một “vết dơ”. Ở Mỹ, biển và suối có rất nhiều cá. Bạn sẽ thấy từng đàn, từng đàn cá bơi, nhảy trên nước rất thích mắt nhưng nhớ là đừng nổi lòng tham mà phạm luật, bạn sẽ bị phạt rất nặng.

Rất nhiều người đã bị phạt vì lấy quá số lượng quy định. Việc đem bán cá, cua câu được cũng được xem là một tội, vì giấy phép bạn mua chỉ cho phép câu dưới hình thức giải trí chứ không phải để mua bán. Bạn bán cá, cua câu được với giá rẻ hơn ở chợ thì đó là một sự không công bằng, cả người mua lẫn người câu đều có tội. Cảnh sát cũng hay bắt được những trường hợp mua bán trái phép này, nhất là những người câu cua.

Thế mới biết “nhập gia tùy tục”. Đi câu giải trí thôi mà cũng phải biết luật nữa đó. Sống trên nước Mỹ này cái gì cũng phải học. Có lẽ tôi không cần giải thích tại sao người Mỹ ra những điều luật như trên, chắc ai trong chúng ta cũng hiểu là “phải luôn nuôi dưỡng và duy trì nguồn động vật thiên nhiên”. Đừng bao giờ trả lời là tôi không biết, cái biên bản phạt lúc nào nó cũng biết bạn khi bạn phạm luật.

Tags:
Sống ở Mỹ dễ hay khó? – Phần 2: Sau “tuần trăng mật” tất cả trở về số 0

Sống ở Mỹ dễ hay khó? – Phần 2: Sau “tuần trăng mật” tất cả trở về số 0

Sau khi đặt chân lên đất Mỹ, hầu như ai cũng có một “tuần trăng mật”. Khoảng thời gian này dài hay ngắn cũng tùy vào hoàn cảnh từng người. Thường nếu người mới đến có thân nhân, sẽ có vài màn đón tiếp vui vẻ, chở đi chơi chỗ này chỗ kia, ăn món này món nọ, mua sắm thứ này thứ khác…

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất