Ông bà một đời gánh vác hai lần làm cha mẹ: Lần đầu cho con lần thứ 2 cho cháu
Mỗi ngày ngoài lo công việc nhà, bà còn dạy cho các cháu học hành.
14:30 06/11/2023
Về già, nhiều người cao tuổi (NCT) vẫn tiếp tục tham gia vào các công việc trong gia đình cũng như ngoài xã hội và là nguồn lực hỗ trợ quan trọng đối với con cháu.
Điểm tựa cho con cháu
Vì mưu sinh, nhiều bậc cha mẹ đặc biệt là ở vùng nông thôn buộc phải đi làm ăn xa, để con cái lại nhà, thực tế này hiện đang diễn ra ở rất nhiều gia đình. Do đi làm thuê, nhiều cặp vợ chồng phải ở trọ với không gian chật chội cùng với thời gian eo hẹp, khiến cho việc chăm sóc con rất khó khăn, nên phải gửi con nhờ cha mẹ mình chăm hộ. Cũng từ đây, nhiều ông bà nội, ngoại một lần nữa lại kiêm luôn… vai trò là cha mẹ của những đứa cháu non nớt.
Đang nhanh tay bắt nồi cơm để kịp làm bữa cơm chiều cho mấy đứa cháu, bà Bùi Kim Bảy, ở ấp 3, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, tâm sự: “Thấy con mình đi làm, mà cháu mình không ai chăm sóc, vợ chồng già cũng xót xa lắm. Bởi vậy, 3 đứa cháu ngoại, đứa nào cũng ở với vợ chồng già này từ đứa lớn tới đứa nhỏ, ở lâu riết rồi mến tay, mến chân lắm”. Vợ chồng bà Bảy có 2 người con gái, tất cả đều đã lập gia đình. Hiện ngoài chăm sóc thằng con trai cho con gái lớn đang làm công nhân ở thành phố Cần Thơ, vợ chồng bà Bảy còn trông luôn 2 đứa cháu của đứa con gái thứ hai. Trong đó, bé nhỏ nhất mới 13 tháng tuổi và bé lớn được 5 tuổi.
Hàng ngày, ngoài việc đồng áng, chăm sóc vườn tược thì giờ đây, vợ chồng bà lại lo thêm việc cho các cháu ăn uống, tắm giặt, đưa đi học... những việc làm không tên cứ kéo đến không dứt. “Dù lớn tuổi, không còn nhanh nhẹn hay khỏe mạnh như trước, nhưng cũng ráng giúp được gì cho con thì mình làm thôi. Ở đây, không chỉ có vợ chồng tôi đâu, mà giờ cả xóm này, cũng có gần vài chục hộ ông bà là NCT giữ cháu cho con đi làm giống vợ chồng tôi”, bà Bảy chia sẻ thêm.
Đối với nhiều ông bà có cuộc sống khá giả thì việc chăm nuôi cháu thay con là chuyện dễ dàng, nhưng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đây là việc không hề nhỏ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng gần 11 năm nay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ánh, ở khu vực 3, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, vẫn cố gắng chăm bẵm cho đứa cháu nhỏ để vợ chồng đứa con gái út đi làm công nhân. Bà Ánh bộc bạch: “Vợ chồng tôi cũng khó khăn, nên có rau ăn rau, có mắm ăn mắm, hai vợ chồng già cùng cháu sống nương tựa vào nhau hơn chục năm rồi. Do cháu còn nhỏ, vì vậy tôi thì chỉ ở nhà lo cơm nước, dạy cho cháu học hành thôi, chứ cũng không đi làm được gì. Con cái nó nghèo, mình lớn tuổi rồi không giúp đỡ được gì thì giữ con cho nó yên tâm mà làm việc, chứ con cháu mình biết bỏ đâu bây giờ”.
Vợ chồng bà Ánh có 4 người con gái, tất cả đều đã lập gia đình, thu nhập chính của vợ chồng bà chỉ phụ thuộc vào công việc làm thuê, làm mướn của chồng bà. Riêng người con gái út vì hoàn cảnh khó khăn, nên khi sinh con được vài tháng tuổi, vợ chồng đã quyết định đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Sông Hậu. Làm công nhân trong các khu công nghiệp với đặc thù công việc nghiêm ngặt về thời gian, lại thường xuyên tăng ca và điều kiện nhà ở khó khăn, nên đến nay khi con gái đã 11 tuổi vẫn phải gửi ông bà chăm sóc giúp. Với thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng của cả hai vợ chồng, phải chia cho rất nhiều khoản như tiền nhà, tiền điện nước, chi phí sinh hoạt, bạn bè... một tháng, con gái bà Ánh gửi về cho vợ chồng bà khoản tiền hơn 1 triệu đồng để lo cho đứa con gái.
Ở đâu khó, có… ông bà
Không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho những đứa cháu phải sống xa cha mẹ, mà ngày nay, mỗi dịp hè về thì nhà nhiều ông bà nội, ngoại lại trở thành nơi nghỉ hè an toàn, ý nghĩa được nhiều phụ huynh lựa chọn. Do vợ chồng đều công tác ở cơ quan nhà nước, nên mỗi dịp hè về vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Trân, ở phường I, thành phố Vị Thanh, lại đau đầu với chuyện gửi con ở đâu. Nhưng rồi, khó khăn đó được giải quyết nhanh chóng khi có sự hỗ trợ của ông bà. Chị Trân cho biết: “Hè này, dịch nên vợ chồng tôi không thể gửi trẻ đi học ở các lớp năng khiếu hay nhà trẻ, chúng tôi phải cho hai bé ở nhà để đứa lớn chăm đứa nhỏ. Nghe vậy, ông bà nội của các cháu cũng từ quê lên giúp vợ chồng tôi giữ cháu trong những tháng hè này, nhờ ông bà giúp chăm cháu, chúng tôi rất yên tâm để đi làm”.
Đối với bà Trần Thị Ba, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, hè năm nào bà cũng giúp mấy đứa con bằng cách giữ cháu trong suốt thời gian hè. Bà Ba bộc bạch: “Hè năm nào, mấy đứa cháu của tôi cũng được cha mẹ gửi về ở với bà. Do từ nhỏ chúng đã được sống ở thành phố, nên mỗi khi về ở với bà, tôi đều dạy chúng cách đi chợ, trồng rau hay tự chăm sóc bản thân, chứ không dạy bài tập, vì chương trình của mấy đứa nhỏ giờ người già đâu có theo kịp mà dạy”. Mỗi dịp hè về, khi các trường học đóng cửa, đứa con gái út của bà Ba ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng gửi 2 đứa con gái về quê nhờ bà giữ hộ trong suốt 3 tháng hè. Theo bà Ba, lớn tuổi nên giữ cháu tuy có vất vả, nhưng khoảng thời gian này, giúp bà phần nào thấy được niềm vui của tuổi già.
Dù tuổi cao nhưng NCT luôn là điểm tựa của mỗi gia đình. Các cụ không chỉ truyền đạt những kinh nghiệm quý giá trong sản xuất, kinh doanh, dạy con cháu cách sống phù hợp với đạo lý, truyền thống mà NCT còn là “hậu phương” vững chắc cho con cháu, cứ gì khó là có… ông bà!
Kẻ đạo đức giả mở miệng thường nói 5 câu: Câu số 3 dễ gặp nhất
Từ xưa tới nay, để hiểu được bản chất, nội tâm, suy nghĩ hay con người thật của người khác là điều vô cùng khó đoán.