Nữ ca sĩ Pháp gốc Việt Dorothée Hannequin: 'Với Việt Nam, tôi không phải là khách'
"Tôi thấy mình thật may mắn khi sở hữu vẻ ngoài với sự pha trộn giữa các nét của bố và mẹ. Tôi thừa hưởng ở bố nước da trắng, mắt xanh, cao lớn nhưng cũng thừa hưởng ở mẹ những nét riêng của người phụ nữ Việt Nam"- Dorothée chia sẻ. Nữ ca sĩ có bố người Pháp, mẹ người Việt này sẽ bắt đầu tour diễn tại Việt Nam từ ngày mai 16/6.
11:46 16/06/2023
Với Dorothée Hannequin, sự cá tính và thân thiện không chỉ thể hiện ở bề ngoài. Nó còn gắn với dòng nhạc mà cô theo đuổi bấy lâu nay -con đường của một nghệ sĩ độc lập (Indie) nhưng đã và đang được công chúng quốc tế đón nhận.
Tại Việt Nam, cô sẽ có chuyến lưu diễn cùng nhóm nhạc The Rodeo từ ngày 16 - 23/6 tại 5 tỉnh thành là TP.HCM, Đà Lạt, Hà Nội, Đà Nẵng và Huế để giới thiệu album mới nhất: Arlequine.
Mở đầu cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa, (TTXVN), Dorothée kể: "Bố là người đặt tên cho tôi, xuất phát từ tên con rùa mà ông nuôi từ bé. Dorothée là một cái tên cũng không phổ biến, thậm chí là hiếm ở Pháp, nhưng tôi nghĩ điều này sẽ giúp mọi người nhớ đến tôi hơn!
Khi sang các nước châu Á lưu diễn, không ai nói rằng tôi có nét của người bản xứ. Nhưng riêng người Việt Nam lại nhận xét ngay là tôi có vẻ đẹp của người Việt (cười). Tôi cũng nhận thấy, khi mình mặc quần áo như người Việt rồi đội mũ nón, đeo khẩu trang…mọi người còn nói tôi là người Việt Nam. Và tôi rất thích được hòa đồng cùng mọi người".
Biết ơn mẹ
* Vậy, chị hòa đồng với mọi người theo cách nào?
- Tôi nghĩ dù về Việt Nam biểu diễn nhưng mình không phải là khách. Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa các buổi diễn, tôi đã đi nhiều nơi để tìm hiểu cuộc sống ở đây. Và ngay lúc gặp những người Việt, tôi nhận ra mình có chút phong thái châu Á từ thái độ kín đáo của mọi người. Tôi tự ví mình như một con chuột chạy trên đường phố, khi có thể len lỏi vào những ngóc ngách để có thể tự do chụp bức ảnh, thu âm lại âm thanh của cuộc sống ở đây một cách tự nhiên, không bị chú ý.
* Và nhờ đó, chị đã khám phá được những cuộc sống ở đây?
- Rất thú vị! Tôi ấn tượng nhất chính là nhịp sống hối hả. Tôi thấy mọi người dậy từ rất sớm để làm việc và nghỉ ngơi cũng rất muộn. Ở đâu cũng rất đông đúc, nhộn nhịp.
Chỉ sau hơn 2 năm kể từ dịch Covid-19, Việt Nam đã trở lại nhịp sống rất nhanh và tiếp tục phát triển không ngừng từ kinh tế, kỹ thuật, công nghệ đến cuộc sống. Phụ nữ ở đây cũng rất độc lập.
Không chỉ vậy, tôi còn nhìn thấy những giá trị văn hóa trongcác gia đình Việt Nam, như việc con cái thường cố gắng làm việc kiếm tiền để giúp đỡ bố mẹ. Đây là các giá trị rất đáng quý.
*Vậy trong gia đình đa văn hóa của mình, chị chịu ảnh hưởng từ ai khi theo đuổi con đường âm nhạc?
- Bố mẹ tôi không phải là những người làm trong ngành nghệ thuật, nhưng cả hai lại tạo cho tôi một không gian nghệ thuật ngay trong gia đình, đồng thời luôn khuyến khích tôi làm những gì mình thích.
Bố mẹ tôi là những người mê âm nhạc. Mẹ tôi rất thích hát còn bố tôi thích chơi trống, piano. Họ dạy tôi khá nhiều. Mẹ tôi luôn khuyến khích tôi đi theo nghệ thuật nên khi còn nhỏ, bà cho tôi học múa cổ điển. Mẹ cũng hay đưa tôi đi casting vì gương mặt tôi khá thích hợp với quảng cáo. Khi ấy, tôi là một đứa trẻ nhút nhát, nên lúc đầu không thoải mái lắm. Nhưng sau này, chính âm nhạc đã giúp tôi trở nên tự tin, bạo dạn hơn.
* Chị còn nhận được những gì từ mẹ mình?
- Tôi học được ở mẹ sự điềm đạm, lòng kiên trì và còn nhiều chi tiết nhỏ nữa trong cuộc sống mà mình khó có thể nhận ra ngay được. Mẹ tôi có thời niên thiếu khó khăn và với các con, bà cũng hi sinh rất nhiều. Tôi cảm thấy mình cần biết ơn mẹ bằng chính sự nghiệp hay những thành công của mình.
Có lẽ đây cũng chính là tâm lý Á Đông mà tôi chịu ảnh hưởng từ văn hóa của mẹ.
*Nhưng không hẳn, cứ tự do được làm gì mình muốn hay bố mẹ yêu thích nghệ thuật là ta có thể thành công với nghệ thuật?
- Đúng vậy, ngoài sự yêu thích mình còn phải ham học hỏi nhiều lĩnh vực để mở mang kiến thức. Tôi không chỉ thích âm nhạc mà còn thích cả phim ảnh, đọc sách hay nghệ thuật thị giác. Vì thế, ngoài âm nhạc, tôi đầu tư thời gian để xem triển lãm, bảo tàng, du lịch.
Âm nhạc phi thời gian
* Vì sao chị lại chọn gắn bó âm nhạc của mình với một dòng nhạc khá tự sự, theo thiên hướng độc lập mà không đi theo xu thế thịnh hành?
- Vì tôi muốn âm nhạc của mình mang tính phi thời gian! Tôi muốn người nghe ở bất kì thời đại nào cũng nghe được nhạc của tôi mà không phải lo ngại rằng 10 năm sau nữa, đây lại là nhạc của những năm nào ấy và đã lỗi thời (cười).
Từ những nghệ sĩ gạo cội mà tôi học hỏi được của thế hệ trước như Françoise Hardy, Nino Ferrer, Henri Salvador, Brigitte Fontaine, Anne Sylvestre, Rita Mitsouko, Lio, François de Roubaix... tôi mong muốn âm nhạc của mình cũng có chiều sâu như vậy. Vì thế, âm nhạc của tôi có chất thơ, có sự tìm tòi ca từ, tone (giọng), các kỹ thuật phối khí.
Đó cũng là những thứ không còn được áp dụng trong cách làm nhạc hiện nay, khi nhiều người đã đánh mất đi kỹ năng viết nhạc, viết lời. Vì với công nghệ hiện nay, người ta có thể làm nhạc trong các phòng thu mà không cần thực sự biết nhạc.
Vậy cuộc sống của những nghệ sĩ độc lập như chị tại Pháp có khó khăn không?
- Thật ra,sau dịch bệnh, nhạc indie phát triển mạnh mẽ bởi mọi người muốn đến các nơi tổ chức festival để nghe nhạc sống từ các ban nhạc biểu diễn trên sân khấu với ghi ta, trống… chứ không chỉ cần nghe một nghệ sĩ nào đó biểu diễn sau chiếc máy tính. Và đó là xu hướng. Khán giả đang thích có được sự trải nghiệm thực cùng không khí sân khấu.
Ở Pháp, những nghệ sĩ như tôi hay cả các ban nhạc độc lập luôn được tạo điều kiện khá tốt từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, quỹ văn hóa tư nhân, các nhà tài trợ nên cuộc sống khá ổn định. Chúng tôi chỉ cần tập trung viết nhạc và biểu diễn.
Chị nói rằng cảm hứng sáng tác của mình đến từ những chi tiết đời thường.Vậy những trải nghiệm vừa qua tại Việt Nam có là gợi ý cho những sáng tác của chị trong tương lai?
- Có chứ. Trước hết, năng lượng của các thành phố ở Việt Nam đã mang lại cho tôi nhiều cảm hứng. Tôi đã đi một số nơi, đi thăm các chùa, đền, nghe thấy những tiếng cầu nguyện, những lời khấnvà tôi thấy có giai điệu ở trong đó. Rồi nữa, tôi rất ấn tượng và bị chú ý bởi tiếng chim tu hú ở Việt Nam.
Trước đây, tôi từng sáng tác ca khúc Le Loup (Con sói) và đã thành công ngoài mong đợi cũng từ những đề tài như vậy.
* Cuối cùng, chị có thể nói gì về "Arlequin" - album mới nhất sẽ được giới thiệu trong chuyến biểu diễn này?
- Trong album lần này, các bài hát của tôi có nhiều giai điệu đẹp, chứa đựng nhiều năng lượng. Và tôi nghĩ khán giả Việt Nam rất thích âm nhạc có giai điệu, họ sẽ đón nhận những sáng tác của tôi một cách tự nhiên.
Chưa gặp mặt, bạn trai Việt kiều vẫn hào phóng chi nửa tỷ để Cát Phượng mua ô tô
Cát Phượng bày tỏ hạnh phúc khi đón nhận tình yêu mới sau đổ vỡ. Chị mong bạn trai Việt kiều sẽ là người đàn ông cuối cùng của đời mình.