Chị em tôi có cuộc sống đủ đầy vì được cha mẹ cho đất thừa kế
Nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ, hai chị em tôi có cuộc sống dễ thở, trong khi bạn tôi sống vất vả vì cha mẹ nhất quyết giữ đất.
14:41 06/01/2025
Về việc chia tài sản cho con cái, mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau. Ở góc độ của mình, ai cũng có những điểm hợp lý riêng. Việc chia tài sản cho con cần phải được cha mẹ thực hiện đúng thời điểm, nếu cho con quá sớm khi chúng còn trẻ và non nớt, thì khối tài sản ấy dễ bị tiêu xài hoang phí, lười làm thiếu chí, ăn chơi sa đọa. Còn nếu cho con quá muộn khi chúng đã già, thì sẽ làm cho con phải cơ cực vất vả, thiếu mất nền tảng bệ phóng.
Việc chia tài sản như thế nào là đúng thời điểm còn tùy thuộc vào từng cá nhân và từng gia đình. Nếu đặt trong bối cảnh thông thường, những người con không thuộc hàng phá gia chi tử (cờ bạc, rượu chè) thì thời điểm chia tài sản cho con hợp lý là khi con bắt đầu lập gia đình hoặc khoảng 27-30 tuổi. Như vậy sẽ giúp cho gia đình mới của con bớt vất vả, hoặc nếu còn độc thân thì nền tảng kinh tế tốt sẽ giúp thuận lợi hơn trong tìm vợ, chồng.
Đối với gia đình tôi, cha mẹ tôi khi lấy nhau cũng được ông bà ngoại cho rất nhiều đất đai. Sau này, cha mẹ bán một phần đất được ông bà chia cho để mua cho chị em chúng tôi một căn nhà tại Hà Nội để học đại học. Chúng tôi đã không phải chịu cảnh thuê nhà khổ sở chật chội, dù cũng tiếc vì mảnh đất rộng rãi ở quê đã phải bán đi rất nhiều.
Khi tôi 28 tuổi, có ý định mua nhà riêng, cha mẹ đã hỗ trợ tôi một nửa giá trị căn nhà. Nhờ đó mà gia đình con cái của tôi được sống trong một khu đô thị bậc nhất với điều kiện sống rất tốt. Khi em trai tôi 28 tuổi, lấy vợ và sinh con, cha mẹ cũng đồng ý cho em bán đi căn nhà cũ của cha mẹ tại Hà Nội và em đã bù thêm để mua một căn hộ cao cấp tại khu đô thị tôi đang sống.
Vậy là nhờ có sự hỗ trợ đúng thời điểm của cha mẹ, hai chị em tôi đều có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp, con cái chúng tôi cũng được hưởng lây. Ngoài ra, cha mẹ cũng hỗ trợ chúng tôi một phần vốn kinh doanh, nên giờ hai chị em tôi đều có 4-5 bất động sản giá trị khác. Nhờ kinh tế tốt, nên chúng tôi có điều kiện báo hiếu được cha mẹ tốt hơn: chăm sóc sức khỏe và dẫn cha mẹ cùng các cháu đi nghỉ dưỡng, du lịch một năm vài lần.
Trong khi đó, gia đình người bạn của tôi có vài trăm m2 đất mặt đường ở huyện, giá chục tỷ đồng, nhưng cha mẹ nhất quyết giữ đất, con trai năm nay 43 tuổi vẫn phải sống nhờ nhà vợ, cuộc sống rất vất vả, còn con gái thì đi ở thu. Bản thân cha mẹ cũng sống trong căn nhà tồi tàn, có bệnh mà không dám đi khám vì không có tiền dù sống trên khối tài sản chục tỷ.
Năm nay 37 tuổi, tôi vừa mua thêm một căn hộ chung cư hai phòng ngủ để làm của hồi môn cho con trai. Theo truyền thông gia đình, nếu cháu ngoan ngoãn thì tôi sẽ trao cho con tài sản khi con lập gia đình hoặc khi con 27 tuổi.
Lương hưu 25 triệu, nhưng về quê, con trai dặn tôi chỉ nên nói 10 triệu: Làm theo và tránh được rất nhiều phiền phức!
Người ta thường có câu "áo gấm về làng", ý chỉ sau những năm bôn ba, chúng ta nên mang thành công của mình trở về quê hương để gia đình có thể nở mày nở mặt, để chúng ta được người người ngưỡng mộ. Nhưng có thể chính điều đó cũng sẽ làm xáo trộn cuộc đời của bạn theo hướng tiêu cực.