Người Việt ở Mỹ kể chuyện đi máy bay: Hành lý dư... 3 lạng phải lấy ra

Việc đi lại bằng máy bay ở Mỹ là chuyện thường ngày ở huyện nên khi gặp những trục trặc hay sự cố, thậm chí là phải chờ đợi mòn mỏi thì người ta cũng chẳng mảy may xem đó là điều gì quá lớn lao.

10:09 06/12/2024

Ở Mỹ, việc mua vé máy bay rất dễ dàng, chỉ cần nhập thông tin cá nhân của hành khách sau khi chọn ngày giờ bay và thanh toán qua tài khoản là xong.

Nếu muốn đi bất cứ ngày nào có giá rẻ nhất thì có thể đăng ký bản tin của hãng hàng không để khi có giá rẻ là họ sẽ gửi mail thông báo về cho mình có thể mua ngay trong vòng “một nốt nhạc”.

Việc đi lại bằng máy bay ở Mỹ là chuyện thường ngày ở huyện

Sau khi nhận email xác nhận đến trước một ngày khởi hành thì hành khách có thể làm thủ tục trực tuyến. Tùy hãng hàng không sẽ có chính sách, nếu không bay được thì khi hành khách hủy trước giờ bay sẽ được trả lại số tiền vào tài khoản bay (gọi là credit) để mua vé cho lần tiếp theo trong thời hạn 1 năm.

Ngoài ra nếu thấy cùng ngày giờ bay mà hãng khác có giá rẻ hơn thì có thể được hoàn tiền chênh lệch đó vào tài khoản bay hoặc đã lỡ mua rồi mà hôm khác thấy có giá rẻ hơn thì vẫn có thể... kiện để “thu hồi vốn”.

Chờ đợi là điều không ai mong muốn nhưng đã đi máy bay ở Mỹ thì du khách phải chuẩn bị tinh thần chờ đợi càng kỹ càng hơn

Tuy vậy, cho dù đã làm thủ tục bay từ rất sớm nhưng không có nghĩa là bạn được ngồi chỗ đẹp hay được sắp vào những hàng đầu tiên. Bởi rất nhiều lần tôi làm thủ tục đầu tiên thì số ghế của mình cũng vẫn là hàng phía cuối cùng. Bởi những hàng đầu, chỗ đẹp thì hầu hết các hãng đều dành cho việc bán thêm dịch vụ, khách muốn thì vào mua thêm ngoài số tiền mua vé.

Ngoài ra, đó còn là chỗ được giữ dành cho các thành viên lâu năm, bay nhiều nên tích điểm cao hoặc mở thẻ ngân hàng có liên kết với hãng hàng không.

Có lần khi đăng ký ở nhà thì gia đình tôi đã bị “tan đàn xẻ nghé” (không được ngồi gần nhau) nên đến sân bay phải hủy thẻ lên máy bay để nhờ nhân viên thủ tục hỗ trợ tìm lại cụm ghế gần nhau.

Chọn chỗ đẹp trả tiền trước trên chuyến bay giá rẻ Frontier Airlines

Một phiền phức khác nữa mà hành khách có thể phải đối mặt đó là bị hủy chỗ trên chuyến bay đã mua vé trước đó và bị chuyển sang chuyến bay kế tiếp, có thể được “đền bù thiện chí (flight reimbursement) do máy bay bị “vượt quá khả năng chuyên chở”.

Thậm chí ngay cả khi bạn đã làm thủ tục và có thẻ lên máy bay nhưng được đại diện hãng “mời nói chuyện riêng” là nguy cơ bị hủy chỗ có thể hiện hữu trước mặt. Đây là cách thức kinh doanh của các hãng hàng không nội địa không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nước trên thế giới, luôn bán vé vượt quá số ghế hiện hữu trên máy bay (gọi là chính sách “overbook”).

Nhập gia tùy... thủ tục

Khi qua Mỹ, tôi gặp rất nhiều sự cố ngoài dự kiến như vậy nhưng với nhiều người, họ vẫn “bình chân như vại”, coi việc trục trặc đó như là “sự tất yếu của cuộc sống”.

Nhớ lần di chuyển từ sân bay Dallas (Texas), máy bay lăn ra đường băng lúc nửa đêm chuẩn bị cất cánh cũng là lúc tôi thiếp đi cùng với những tiếng ù ù lộp độp vui tai.

Một tiếng sau thì tiếng động cơ rung lắc lớn hơn, tôi thức dậy sửa soạn chuẩn bị cho việc máy bay đáp xuống để bắt taxi trở về nhà thì cô hành khách ngồi bên cạnh mỉm cười khúc khích. Tôi nhíu mày thì cô thỏ thẻ “Anh ngủ ngon không?” rồi giải thích rằng máy bay khi ra đường bay thì gặp mưa rất lớn, cơ trưởng quyết định chờ ngớt mưa rồi mới bay. Giờ thì máy bay mới bắt đầu... cất cánh.

Ở những sân bay quốc tế lớn thì tỉ lệ hành khách phải chờ đợi lâu khi làm thủ tục càng cao

Nhiều hãng hàng không giá rẻ như Frontier, Spirit Airlines bán vé rẻ như cho với giá chỉ từ 20 - 29 USD tùy chặng. Tuy nhiên kèm theo điều kiện là hành khách chỉ được phép mang một túi ba lô đeo (backpack) và để gọn được phía dưới ghế ngồi.

Có không ít hành khách Việt không lưu ý hoặc quen với việc “năn nỉ” như ở nhà nên cứ mang theo vali kéo xách tay và bị ách lại ngay trước khi vào ống lồng, phải trả thêm tiền phạt hành lý hoặc là xin mời ở lại sân bay và mất luôn vé.

Hay có những lần hành lý của tôi đóng khi cân là 50.6 pound (vượt quá 0.6 pound tương đương khoảng 3 lạng) nhưng nhân viên thủ tục vẫn kiên quyết bắt tôi lấy ra số ký vượt ít ỏi đó cho dù tôi đã hết sức năn nỉ. Cuối cùng thì tôi cũng phải thực hiện theo và không phàn nàn gì thêm nữa bởi mình đã “break the rule” (phá rào) của nhà người ta.

Trước khi máy bay cất cánh, tiếp viên trưởng luôn đến khu vực dãy ghế thoát hiểm để xác nhận việc mọi người đồng ý ngồi vị trí quan trọng này hay không, cũng như có lúc yêu cầu hành khách đưa chân, đưa tay lên để bảo đảm rằng họ là đối tượng có thể “tẩu tán” nhanh nhất nếu máy bay gặp sự cố.

Đối với người lớn tuổi từ Việt Nam sang Mỹ tham quan thì trái với quan niệm “kiêng cữ” cho việc ngồi gần toilet, tôi lại khuyến khích nên làm điều ngược lại.

Khi đặt chỗ nên ưu tiên ghế ngồi cạnh đường đi và gần với các khu vực vệ sinh. Bởi nếu ngồi giữa các hành khách hơi quá cỡ thì việc xin đi ra đi vào nhiều lần, nhất là khi người ta đang ngủ cũng là việc cần tránh. Ngồi ngoài thì việc phục vụ sẽ dễ dàng hơn tránh việc “tay run mắt kém” làm rơi rớt đồ vào người kế bên.

Cũng như nhà vệ sinh nhiều khi luôn ở tình trạng “kín cổng cao tường” do đông khách nên nếu ngồi càng xa thì tầm quan sát để chờ cơ hội “Toilet ơi, mở cửa ra!” càng thấp đi. Chưa kể khả năng bị... giành mất cơ hội cũng cao hơn do phải di chuyển khoảng cách xa đến đó.

Chờ là chuyện bình thường

Chờ đợi là điều không ai mong muốn nhưng đã đi máy bay ở Mỹ thì du khách phải chuẩn bị tinh thần chờ đợi càng kỹ càng hơn.

Tôi đã từng mất... 6 tiếng ở trên xa lộ từ trung tâm đến sân bay Kansas (Missouri) trong thời gian Giáng sinh cao điểm thay vì chỉ có 1 tiếng, đứng mất gần 1.5 tiếng ở sân bay Los Angeles (California) để sắp hàng vào kiểm tra an ninh, mất 7 tiếng ngồi chờ tổ bay này bị ốm đột xuất, tổ bay được điều ở chuyến bay khác về rồi họ phải nghỉ ngơi cho đúng quy định hàng không sau đó mới thực hiện chuyến bay của mình.

Hay cho dù một số hãng không có sắp xếp khách theo số ghế, ai đến sắp hàng sớm thì được chọn chỗ trước thì bạn cũng phải chờ đợi bởi trong vé luôn có số nhóm chờ (Group) được đánh theo số thứ tự hay chữ cái. Bởi nếu dù cố tình chen ngang thì khi quét thẻ lên máy bay vào máy, bạn cũng bị “đá” ra và sẽ được nhận “khuyến mãi” thêm những ánh mắt khó chịu từ người khác.

Từ San Francisco đến Los Angeles cứ mỗi tiếng có một chuyến bay như “chuồn chuồn đạp nước” nên nghe nói có nhiều người thuê nhà ở nơi này nhưng đi làm ở nơi kia và đi lại hằng ngày bằng... máy bay. Tính ra cũng chẳng sai vì tiền tiết kiệm thuê nhà có được sẽ nhiều hơn số tiền bỏ ra đi máy bay mỗi ngày mà không lo kẹt xe, xe cộ trục trặc dọc đường.

Thế nên chặng bay này có “hắt hơi sổ mũi” thì bạn cũng nên vui vẻ chờ đợi đến chuyến tiếp theo bởi cũng rất nhiều người có việc quan trọng hơn mình!

Đồng thời khi đến các khách sạn, cho dù đã được đăng ký cùng đi du lịch theo đoàn và có quầy thủ tục “check-in” riêng nhưng việc chờ đợi là không tránh khỏi vào mùa du lịch.

Hay đến nhà hàng nổi tiếng dù đã có đặt bàn cũng sẽ diễn ra cảnh chờ đợi tương tự do việc nhân viên làm việc quá tải hay khả năng đáp ứng cũng có giới hạn khi phải phục vụ cùng một lúc. Tôi cũng đã từng phải đặt bàn trước 6 tuần tại một nhà hàng Việt nổi tiếng ở San Francisco cho dịp Valentine thì cũng không quá lạ lẫm với việc chờ đợi này.

Mùa hè sắp đến cũng là dịp du khách Việt Nam “quẩy ba lô” khám phá xứ sở cờ hoa. Đối với du khách Việt thì cũng nên thử học thuộc câu thần chú vui “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn tới chọn lui là... hết một ngày”.

Nên mọi lúc phải dặn mình “dằn lòng” để tận hưởng những gì đang có được trên đất nước cờ hoa xa xôi này, đừng để các sự cố đáng tiếc khiến bản thân bực dọc mà mất đi một ngày vui.

Tags:
Về già hãy học cách thiện đãi bản thân, đời người thoáng chốc trăm năm đừng để mình hối tiếc

Về già hãy học cách thiện đãi bản thân, đời người thoáng chốc trăm năm đừng để mình hối tiếc

Chúng ta cứ già đi từng chút từng chút một. Nếp nhăn đã sâu, tóc bạc đã nhiều, chân bước đã chậm, thân tâm đã mệt. Năm lại qua năm, nỗ lực vì mưu sinh, ngày lại qua ngày, dốc sức vì cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất