Người việt nghèo ở châu Âu cùng nỗi niềm tâm sự: chuỗi ngày gian khổ và đầy nước mắt, không người thân, không tiền, không giấy tờ hợp pháp
Tôi đặt chân đến châu Âu trong trạng thái không nơi đi, nơi đến. Tôi lang thang một mình giữa đất trời bao la và xung quanh là những con người xa lạ, bất đồng ngôn ngữ.
06:41 05/11/2022
Thời gian bắt đầu cuộc đời mới của tôi tại châu Âu là những chuỗi ngày gian khổ và đầy nước mắt, không người thân, không tiền, không giấy tờ hợp pháp, tôi đã sống chui lủi trong một năm trời và cuối cùng may mắn đạt được nguyện vọng là được nhận định cư hợp pháp ở một nước châu Âu.
Sau khi có giấy tờ hợp pháp, tôi nghĩ là cuộc sống và tương lai của tôi từ này sẽ tốt đẹp hơn, nhưng điều đó chỉ là hoang tưởng và là giấc mơ không có thật, sẽ không bao giờ thành sự thực với những người sống ở châu Âu như tôi – không bằng cấp và học vấn theo tiêu chuẩn ở đây.
Đồng lương ít ỏi mà những người như tôi kiếm được hằng tháng chỉ đủ trả tiền nhà, bảo hiểm và tất cả những khoản chi phí tối thiểu nhất trong cuộc sống hằng ngày.
Tôi cũng đã gặp biết bao người Việt Nam ở đây, đã đến từ 10 hay 20 năm trước. Công việc của họ thường là dọn dẹp, lau chùi trong các nhà hàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà ga và những nơi công cộng. Nhiều người trong chúng tôi sau 8 đến 10 giờ làm việc trong ngày, còn phải tranh thủ làm thêm cho nhà dân bản xứ đến 4 hay 5 giờ mỗi tuần với giá 5 euro một giờ, để mong dành dụm thêm chút tiền.
Nỗi ám ảnh trong cuộc sống của chúng tôi là phải làm sao lo được cuộc sống của bản thân, con cái mình tại đây, rồi một mối lo lớn nhất nữa là gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Tôi từng chứng kiến những đêm mất ngủ, những thảm kịch đau lòng, thấy những người mắc bệnh nan y ở những người quanh tôi.
Tôi giờ đã 40 tuổi, cũng làm việc vất vả lam lũ để vươn lên trong cuộc sống khó khăn ở đây, dành dụm những đồng tiền cuối cùng để giúp đỡ gia đình ở quê nhà.
Tôi chỉ mong sao một phần ít ỏi trong các bạn đọc đọc được bài này của tôi, nhất là các bạn đang có người thân sinh sống ở hải ngoại hãy tìm hiểu một chút thêm về cuộc sống của thân nhân mình ở xứ người. Như thế bạn sẽ phần nào thông cảm và với họ, bớt đi cho họ những căng thẳng lo toan, đỡ phải nghĩ rằng bằng mọi cách phải có tiền cho cả gia đình ở đây lẫn ở nhà.
Người Việt ở nước ngoài cũng có nhiều nỗi khổ, nhưng họ thường chỉ được nhắc đến bằng hai chữ Việt kiều mà thôi. Tôi không thích cái mác đó, chỉ mong cố gắng dành dụm tiền để sớm có ngày trở về quê nhà sinh sống.
“Hợp đồng sống chung” ở Pháp – phương án cho cặp đôi không muốn kết hôn nhưng vẫn có danh phận
Tại Pháp, Chính phủ đã ban bố chính sách Hợp đồng sống chung (Pacte Civil de Solidarité, gọi tắt là PACS) vào năm 1999. Mục đích của chính sách này là trao quyền cho nhóm người đồng tính.