Ngôi miếu Việt Nam độc đáo ở Paris từ 100 năm trước

Ngày 9.6.1920, tại Vườn Thuộc địa (Jardin C olonial de Nogent-sur-Marne) ở ngoại ô Paris nước Pháp, đã diễn ra buổi lễ long trọng: khánh thành Hoài Nam nghĩa sĩ miếu – nơi thờ những người lính Việt tử trận trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918).

10:24 31/01/2023

Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, nước Việt Nam đang bị Pháp đô hộ (Nam kỳ là thuộc địa, Bắc kỳ và Trung kỳ thuộc chế độ bảo hộ). Nước Pháp giao chiến với nước Đức và đang rất cần nguồn nhân lực để bổ sung vào quân đội, ngoài lệnh động viên các thanh niên Pháp, chính phủ Pháp còn chiêu mộ lính ở các nước thuộc địa (trong đó có Liên bang Đông Dương: Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ, Cam Bốt và Lào - Bác Tôn Đức Thắng cũng đã từng sang Pháp làm lính thợ vào năm 1913). Khi cuộc chiến này kết thúc, đã có hơn 1.500 người lính gốc Việt trong quân đội Pháp bỏ mình.

Chính phủ Pháp lúc đó muốn xây dựng một đài tưởng niệm các binh sĩ Việt Nam trận vong tại Vườn Thuộc địa. Sau khi bàn bạc, họ thống nhất lấy ngôi nhà gỗ rất đẹp đã dựng sẵn ở Vườn Thuộc địa làm ngôi đền (miếu) tưởng niệm. Họ giao việc xây dựng miếu cho Thống sứ Bắc Kỳ với Khâm sứ Trung kỳ để cùng Bộ Lễ của triều đình Huế thu xếp đồ vật thờ cúng và các hạng biển ngạch, liễn đối để trần thiết. Lại bàn với Cơ mật viện dâng tờ tâu lên vua Khải Định ban cho một đạo sắc văn để an ủi các vong hồn...

Cùng lúc, ban tổ chức cho chạm khắc bàn thờ và các vật dụng trang trí được thực hiện bởi các nghệ nhân người Việt trong Nam ngoài Bắc: gốm Cây Mai trong Nam, những tấm biển sơn mài ngoài Bắc, một chiếc lư đồng như phiên bản của cửu đỉnh tại cung thành Huế. Các lễ vật cúng bái như nhang đèn, pháo, trống, chiêng… cũng được chuyên chở gấp rút từ Việt Nam qua (trong miếu, còn có bàn thờ phụ, ghi danh các binh lính gốc Cam Bốt và Lào). Sự chuẩn bị cho Lễ khánh thành hết sức chu đáo.

Lai lịch ngôi nhà gỗ (có sẵn) như sau: Năm 1905, vị chủ tỉnh Thủ Dầu Một là Ernest Outrey ra lệnh làm cấp tốc một ngôi nhà gỗ, lấy nguyên mẫu là Đình Bà Lụa (đến nay vẫn còn tại phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) để chở bằng tàu thủy qua Pháp tham dự Hội chợ Colonial Exhibition Marseille tổ chức vào năm 1906. Đến năm 1907, ngôi nhà gỗ được chuyển đến Vườn Thuộc địa để tham dự một triển lãm khác, rồi trở thành Hoài Nam nghĩa sĩ miếu suốt gần 100 năm...

Ngày 9.6.1920 long trọng diễn ra Lễ khánh thành Hoài Nam nghĩa sĩ miếu (còn gọi là Nghĩa sĩ miếu). Đến tham dự có nhiều nhân vật quan trọng Pháp-Việt như: Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Albert Sarraut, Thống chế Joffre, Đại tướng Berdoulat và nhiều yếu nhân khác. Ngoài ra còn có các cựu chiến binh Việt, Pháp đang sinh sống tại Pháp.

Đại biểu Nam Kỳ là Lê Quang Liêm (người phát ngôn cho những người lính thợ Đông Dương) đọc diễn văn khai mạc. Quan Tuần phủ Quảng Ngãi Đặng Ngọc Oánh được Vua Khải Định cử làm Khâm mệnh (thay vua) đọc sắc dụ, nguyên văn như sau: “Đại Nam hoàng đế sắc ban cho lính chiến, lính thợ qua Tây: Ngày trước vâng lời dụ của trẫm ứng mộ qua quý quốc, có người làm việc lập công không nề lao khổ, có người cầm gươm khoác giáp dũng cảm xông lên, nhiệt thành với lân bang, hết lòng trong nghĩa vụ, không may mà chết. Người đời từ trước ai không chết, chết vì việc nước chết cương thường là chết được đúng chỗ, chết có tiếc gì. Nhưng hồn côi đất lạ, thân quyến ngóng trông, nhắc tới việc ấy, trẫm rất thương xót. Nay võ công cáo thành, lập đền kỷ niệm ở quý quốc để thờ cúng, linh sảng ngàn thu nhờ đó được cúng tế tiếc thương. Anh hùng muôn thuở ngang qua nơi ấy ngẫm nghĩ nhớ nhung, nếu có thiêng thì nơi chín suối cũng được an ủi. Kính thay!”. Rồi ông Henri Gourdon (Hội chủ Hội Tưởng niệm) kể về lịch trình xây dựng miếu. Đến ông Bộ trưởng Albert Sarraut đọc điếu văn. Tiếp đến là nghi thức rước đạo sắc vua ban vào an vị trong Nghĩa sĩ miếu. Cuối cùng là nghi thức tế lễ cổ truyền Việt Nam.

Từ đó, theo thông lệ cứ đến ngày 1 tháng 11 (dương lịch) hằng năm, Chính phủ Pháp phái đại diện đến đặt vòng hoa, đọc điếu văn truy điệu. Vào dịp tết Nguyên đán thì du học sinh Việt Nam và những binh lính, thợ thuyền gốc Việt đều tới thắp hương lễ bái.

Ngày 26.6.1922, nhân chuyến sang Pháp dự Đấu xảo Marseille, Vua Khải Định cùng Hoàng tử Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại sau này) đã đến viếng miếu. Vua cũng đã tặng cho Nghĩa sĩ miếu tấm biển ngạch bằng bạc khắc năm chữ thếp vàng: “Việt nghĩa hách Âu thiên” (Nghĩa Việt sáng trời Âu).

Ngày 21.4.1984, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi Nghĩa sĩ miếu. Trên nền cũ, chỉ còn lại lối đi tam cấp có tạc hình rồng bằng đá. Năm 1992 người ta cho dựng ngay trung tâm nền ấy một kiến trúc mới đơn sơ và nhỏ hơn trước (giống ngôi đền Nhật Bản hơn là của Việt Nam). Phương đình này tiếp tục làm nhiệm vụ là Đài Tưởng niệm các tử sĩ gốc Đông Dương.

Tags:
Bên nhau lúc nghèo, sao Việt giờ con cái đuề huề, không biệt thự cũng đi thuê nhà 50 tỷ

Bên nhau lúc nghèo, sao Việt giờ con cái đuề huề, không biệt thự cũng đi thuê nhà 50 tỷ

Hiện tại 3 cặp đôi này đều đã sở hữu những căn nhà giá trị ít ai bì kịp.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất