Nàng Việt qua Ấn Độ làm dâu: Mẹ chồng không ăn thịt cá, con dâu mua về nấu là bỏ vô phòng
Những cú sốc khi lần đầu làm dâu Ấn này có lẽ cả đời chị Hương cũng không bao giờ quên...
09:29 10/01/2023
Câu chuyện kết hôn của chị Lại Ngọc Lan Hương (quê Hải Phòng) và chồng là anh Suraj (người Ấn Độ) bắt nguồn từ sự yêu thương, thấu hiểu và tin tưởng nhau. Minh chứng cho ngọn lửa tình ấy là quyết định đi tới hôn nhân chỉ sau 3 tháng hẹn hò.
Kết quả câu chuyện tình yêu "khá liền tay" của chị Hương và anh Suraj là một đám cưới trang trọng và linh đình theo phong tục của người Ấn Độ
Đám cưới của hai anh chị được diễn ra sau đó ít ngày tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ. Theo phong tục, đám cưới của cặp đôi kéo dài suốt 5 ngày và bắt đầu từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Sau hôn lễ, chị Hương theo chồng về sống ở vùng ngoại ô Kolkata. Nơi này theo chị đánh giá là xa trung tâm, người dân còn tồn tại những tư tưởng lạc hậu. Trong đó có chuyện hôn nhân sắp đặt và con gái về làm dâu phải mang theo của hồi môn.
“Theo truyền thống của người Ấn Độ, những cô gái càng có nhiều của hồi môn thì càng có cơ hội lấy được chồng đẹp trai, học vị cao, công việc tốt, lương nhiều, gia đình khá giả, tầng lớp cao. Của hồi môn là nhà cửa, xe cộ, tiền… Khi về nhà chồng, cô dâu mang càng nhiều của hồi môn thì giá trị ở nhà chồng càng cao. Ngày nay, hồi môn chỉ là còn là tượng trưng, nhưng vì nhà chồng của mình ở khu vực chưa phát triển, tư tưởng còn cũ nên nhiều người vẫn coi trọng vấn đề này”, chị Lan Hương chia sẻ.
Khu vực gia đình chị Lan Hương đang sinh sống
Về nhà chồng được ít ngày, chị Hương còn "ngỡ ngàng" hơn khi biết được, trước khi lấy mình thì anh Suraj đã được mai mối với con gái của một tỷ phú ở bang Bihar và ai nấy trong họ hàng cũng đều nghĩ, đây là một cơ hội tốt và gia đình Suraj có thể sẽ khá lên nhờ cuộc hôn nhân. Vậy mà đâu ai ngờ, anh lại kiên quyết từ chối chuyện hôn nhân sắp đặt.
“Bọn mình lấy nhau vì tình yêu nên bên gia đình nhà trai kiên quyết không nhận hồi môn hay bất cứ món tiền nào từ nhà gái”, Lan Hương cho biết. Tuy nhiên, điều này lại là cái cớ để nhiều người địa phương châm chọc, bàn tán về gia đình Suraj. Dẫu vậy, gia đình chồng vẫn lên tiếng bênh vực chị dù đôi lúc chị cũng không tránh khỏi được sự tủi thân.
Đối với chị Hương, khó khăn nhất ở thời điểm làm dâu hiện tại là những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ của hai nước khiến đôi lúc chị thấy mình không thể hòa nhập được với gia đình chồng, dẫu ai nấy cũng đều hết mực yêu thương, chiều chuộng chị. Nàng dâu Việt kể, mẹ của Suraj là một người ăn chay trường. Trước kia, trong gia đình, không ai được mang thịt, cá, tôm về nhà. Thế nhưng, kể từ khi có vợ, Suraj thỉnh thoảng lại mua đồ ăn mặn.
“Có lần mình nấu món thịt kho tàu, mùi thịt bốc lên, mẹ chồng mình chạy lên sân thượng nôn thốc nôn tháo rồi về phòng khóc. Nhiều lần khác, chỉ cần thấy chồng mình mua gà mua thịt về là bà vào phòng khóc. Chồng mình lại phải dỗ”, chị kể.
Yêu vợ, anh Suraj yêu luôn sở thích nuôi mèo của vợ. Mẹ chồng trước đó đã không thích và yêu cầu con dâu đem mèo đi cho nhưng cả nhà thuyết phục giữ lại.
Về những rào cản ngôn ngữ, chị Hương cũng nhiều lần khổ sở "khóc không ra tiếng" nhưng không phải với mẹ chồng hay em chồng mà lại đến từ những người họ hàng khó tính.
“Thực ra tính mình ít nói, mọi người thấy mình có vẻ khó gần. Nhưng nếu có gì tâm sự thì mình vẫn nói chuyện với em chồng. Dù trông lạnh lùng nhưng mình vẫn để ý, quan tâm những gì đang xảy ra ở nhà. Chồng mình hiểu điều đó nên anh dành rất nhiều thời gian để nói cho mẹ hiểu về khác biệt giữa hai bên. Ngược lại anh cũng nói để mình hiểu những gì mình nên làm để lấy lòng và cảm hóa, xoa dịu nhà chồng. Vì vậy, cuộc sống của mình ở nhà chồng ngày càng hòa hợp hơn”. - Chị tâm sự.
Vừa cưới về đã đủ "sốc", sau khi sinh con chị Hương lại còn "sốc" hơn khi ở đây có những phong tục rất lạ lẫm. Có những thứ chị thấy không khoa học thì liền nói chuyện với chồng để chồng góp ý với mẹ. Đến hiện tại, mọi thứ đã ổn. Chị còn kể khi con chị được 4 tháng tuổi, vì là bé trai nên có một nhóm người đến đòi quà: "Lúc đầu họ đòi 51 nghìn rupee, sau khi yêu cầu giảm, họ đòi 11 nghìn rupee (3,3 triệu đồng) và gạo, khoai, đậu đỗ, dầu ăn… Mình rất bức xúc nhưng khi biết đó là tục lệ ở địa phương, công an cho phép họ làm như vậy, mình đành chịu”.
Gia đình nhỏ của chị Lan Hương
Tuy nhiều trở ngại là thế nhưng với chị Hương, đấy đều là những trải nghiệm mới mẻ và đầy thú vị khi lần đầu làm dâu ngoại quốc. Quan trọng hơn, chị thấy rất hài lòng về cuộc sống hiện tại bên chồng và con trai vừa tròn 1 tuổi của mình. Nhìn lại một chút về cuộc sống của chị Hương mà ngẫm, đâu phải ai lấy chồng ngoại cũng là vì tiền, là "bán thân" như suy nghĩ của một số người hiện nay.
Ở đây, đơn thuần chỉ là tình yêu, là hai con người đến với nhau khi hai trái tim hòa chung nhịp đập, dẫu có chút trở ngại về ngôn ngữ, về văn hóa, tôn giáo nhưng những điều ấy chỉ là lúc ban đầu, "ở đâu quen đó" rồi cũng sẽ thân quen như khi ở chính nơi mình sinh ra mà thôi. Cũng may mắn cho chị Hương khi gặp được một người chồng ngoại quốc quá tốt tính, yêu chiều vợ hết cỡ, luôn lắng nghe ý kiến của vợ để dung hòa mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong nhà. Và mẹ chồng của chị cũng là một người phụ nữ đức hạnh khi không ham vật chất, ủng hộ con trai đến với tình yêu đích thực. Ở bà có sự bao dung, nhường nhịn đối với cô con dâu trẻ tuổi vì yêu mà chấp nhận về sống nơi xa lạ.
Chị Kim Ngọc nữ thợ nail gốc Việt “bị u.ng th.ư”có ba con đứng top đầu đại học danh tiếng nhất nước Mỹ
Chị Kim Ngọc làm nail và đóng gói sách, anh Thành Lễ làm kỹ thuật viên ở hai công ty để nuôi ba con vào Cornell – đại học danh tiếng khối Ivy League.