Cây rau nhiều người nghĩ ăn để ngừa bệnh xương khớp
Đậu bắp còn có tên gọi khác là bắp còi hoặc bắp tây, được nhiều nước trên thế giới trồng làm rau ăn khi trái và lá còn non. Khi trái đậu bắp già, người ta dùng hạt ép lấy dầu.
Tại Việt Nam, đậu bắp là cây rau quen thuộc có giá rẻ, khoảng 20.000 - 40.000 đồng/kg nhưng có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều chất nhờn.
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), trái đậu bắp khi còn non ăn tốt cho đường tiêu hóa. Khi trái già, dùng hạt phơi khô, rang, pha uống như cà phê. Còn rễ và lá của cây này thái mỏng phơi khô, dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng…
Theo y học hiện đại, trong trái đậu bắp có nhiều dịch nhờn, carbohydrate (tinh bột, đường, palmatin, stearin), protein, flavonoid, scopoletin và các vitamin như A, B1, B2, B3, B9, vitamin C, E, K, các khoáng chất canxi, sắt, kẽm, kali, magie…
Cây đậu bắp được trồng ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: N.T.
2 năm trước, chồng chị Ngọc Hân (quận Bình Thạnh, TP HCM) phẫu thuật đứt dây chằng khớp gối chân phải vì gặp tai nạn khi đi đá bóng với các đồng nghiệp trong công ty. Sau phẫu thuật, trình trạng của chồng chị cải thiện tốt. Sau đó, được nhiều người mách và bản thân cũng đọc được thông tin về các thành phần tốt của đậu bắp, chị Hân thường xuyên mua về luộc, hấp, nấu canh chua với cá cho chồng ăn, với mong muốn giúp anh cải thiện xương khớp.
Chị Nguyễn Trinh (ở TP Thủ Đức) còn tận dụng mảnh đất trống cạnh nhà để trồng đậu bắp, giúp các thành viên trong gia đình có món ngon, bổ dưỡng để sử dụng thường xuyên. “So với những cây rau khác, đậu bắp khó trồng, khó chăm sóc, trái ít nhưng mình trồng ăn sẽ đảm bảo hơn”, chị Trinh chia sẻ.
Theo Ths.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng (TP.HCM), hiện nay rất nhiều người lớn tuổi bị bệnh xương khớp thường đi tìm những thực phẩm có nhiều chất nhờn, trong đó có đậu bắp về ăn để mong rằng chất nhờn trong loại quả này có thể cải thiện được căn bệnh mình đang mắc.
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cho biết điều này hoàn toàn không đúng, bởi chất nhờn trong đậu bắp là chất xơ hòa tan. “Chất nhờn này có ở hầu hết các loại rau như rau đay, mồng tơi, cà chua… Khi nạp chất này vào cơ thể, nó không giúp người ăn tạo chất nhầy trong khớp gối mà chỉ cải thiện đường tiêu hóa”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Trái đậu bắp có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: D.T.
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo bác sĩ Vũ, hiện không có thực phẩm nào giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp hay các bệnh về xương khớp. Xương khớp của chúng ta hoạt động trơn tru là nhờ cấu trúc lớp sụn khớp khỏe mạnh, trơn láng và lượng dịch khớp do màng hoạt dịch tiết ra đủ chất lượng, không phải do chất nhớt của đậu bắp hay bất cứ loại rau nào.
“Khi ăn đậu bắp, chất nhờn của loại trái này này không đi trực tiếp vào khớp, mà sẽ được hệ tiêu hóa chuyển thành những thành phần nhỏ đưa tới những bộ phận của cơ thể. Ăn đậu bắp, mồng tơi, cà chua,… có khả năng cải thiện tình trạng thoái hóa là nhờ các thực phẩm này có chứa hàm lượng lớn canxi, axit folic, chất xơ và các loại vitamin như vitamin A, C, K,… giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ, cải thiện tình trạng đau khớp hiệu quả”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Ăn nhiều đậu bắp dễ tăng nguy cơ sỏi thận
Bác sĩ Vũ cho biết việc ăn liên tục đậu bắp không tốt cho sức khỏe, vì loại trái này chứa lượng lớn oxalate, trong khi dùng nhiều thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận dạng canxi oxalat. Hơn nữa, đậu bắp chứa nhiều chất xơ, ăn nhiều dễ bị tiêu chảy.
Theo các bác sĩ, ăn quá nhiều hoặc ăn liên tục đậu bắp sẽ không tốt. Ảnh: D.T.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, người dân không nên ăn quá nhiều đậu bắp, thay vào đó nên ăn đa dạng thực phẩm để cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động. Ngoài ra, cần ăn nhiều thực phẩm có chứa đa dạng vitamin như các loại cá và các loại hạt, ăn các thực phẩm chứa nhiều omega-3 và khoáng chất, đặc biệt là canxi có trong sữa, phô mai, rau trái xanh đậm màu… để hỗ trợ xương chắc khỏe, góp phần tự sửa chữa tổn thương trong khớp.
Cần duy trì chế độ tập luyện thường xuyên nhưng phù hợp với sức khỏe, tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt hàng ngày như nằm võng, ngồi xổm, leo cầu thang, mang vác nặng, đứng lâu, ngồi lâu… Tốt nhất nên duy trì đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội… hàng ngày để rèn luyện sức khỏe.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo mọi người khi có bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh, từ đó được điều trị sớm và có những lời khuyên về đường ăn uống, cách bổ sung các chế phẩm tốt cho cơ thể.