Làm cả năm vẫn không đủ tiền về quê ăn Tết?

Năm nay, có những người con xa quê không thể trở về nhà để đón Tết đoàn viên vì tình hình tài chính khó khăn. Làm cả năm, cũng không đủ tiền về quê ăn Tết!

09:53 09/01/2023

Có lẽ, không người con nào làm ăn xa quê mà không muốn trở về nhà để ăn Tết. Dù chỉ là bữa cơm đoàn viên đơn giản, hay chỉ cần được gặp lại gia đình, người thân thôi cũng đủ. Nhưng với nhiều người, để về quê ăn 1 cái Tết đơn giản như thế lại rất tốn kém, có khi còn vượt qua cả khả năng tài chính hiện tại.

Muốn về quê ăn Tết nhưng tình hình tài chính khó khăn

"Mình chưa từng nghĩ bản thân sẽ ở một nơi đất khách quê người để đón Tết. Nhưng năm nay, mình buộc phải ở lại TP.HCM, không về miền Trung ăn Tết cùng bố mẹ nữa, do chi phí về quê đắt hơn dự tính của mình", Lan Anh (22 tuổi, Thanh Hóa) sau 1 năm đi làm, cảm thấy tình hình tài chính của mình vẫn chưa cáng đáng nổi khoản tiền hơn cả chục triệu chỉ để mua vé máy bay.

Làm cả năm vẫn không đủ tiền về quê ăn Tết? - Ảnh 1.

Còn Mai Linh (24 tuổi, Hòa Bình) thì năm qua, gần như chưa tích lũy được gì nhiều. Không phải do chi tiêu hoang phí, mà do thu nhập cả năm qua của Linh cứ bấp bênh, lúc cao lúc thấp. Cô nàng cũng vừa đầu tư mua chiếc xe tay ga, coi như cũng tiêu tốn hết số tiền tiết kiệm. Mai Linh chia sẻ về kế hoạch ăn Tết năm nay: "Mình vẫn chưa quyết định xem năm nay có nên về quê ăn Tết hay không, vì còn nhiều phân vân về chuyện tài chính. Nếu về quê, thì tiêu tốn 1 số tiền khá lớn. Nhưng nếu không về, thì bố mẹ chắc sẽ buồn lắm, bản thân mình cũng vậy. Đi làm cả năm mà cũng không tích lũy được nhiều tiền, mỗi chuyện về quê ăn Tết cũng khiến mình suy nghĩ gần cả tháng trời!"

Khác với Lan Anh và Mai Linh, những người có gia đình sống ở xa quê lại có nhiều trăn trở hơn. Minh Lãm (30 tuổi, Vũng Tàu) đã 2 năm nay không trở về quê ăn Tết. "2 năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên những chuyến bay về quê rất khó mua, hạn chế đi lại, nên gia đình mình đành ở lại thành phố ăn Tết. Năm nay đã qua dịch, nhưng tình hình tài chính lại không cho phép. Gia đình mình có 3 người, riêng tiền vé máy bay khứ hồi cũng đã gần 30 triệu. Chưa kể tiền quà cáp, góp Tết, lì xì,... cộng dồn vào cái Tết ở quê cũng phải lên tới 50 triệu. Một con số khá lớn với gia đình mình ở thời điểm này. Nếu mạnh tay chi tiền ăn Tết, có lẽ ra năm 2 vợ chồng lại vất vả."

Làm cả năm vẫn không đủ tiền về quê ăn Tết? - Ảnh 2.

Ăn Tết xa quê thì chi tiêu cho những khoản nào?

Không về quê ăn Tết, nhưng những người con xa quê vẫn có những khoản chi phí nhất định cần tiêu cho Tết. Lan Anh tiết kiệm được tiền vé máy bay, nhưng cô nàng cũng dành số tiền này để biếu Tết bố mẹ, chứ không giữ lại cho bản thân:

"Bình thường, mình sẽ sắp xếp để về sớm hơn khoảng 1-2 tuần trước Tết. Mấy năm trước, mình tranh thủ săn vé máy bay rẻ của các hãng hàng không và mua trước 1-2 tháng. Như mọi năm, khi còn đang đi học thì bố mẹ hỗ trợ tiền vé máy bay. Những khoản tiền còn lại như quà Tết, sắm sửa cho gia đình,... cũng chưa cần lo. Không có gánh nặng tài chính gì nên cứ mong đến Tết. Một cái Tết cũng chỉ tiêu tốn vài triệu bạc. Nhưng bây giờ, khi mới đi làm, mình phải tự lo tiền mua vé, bản thân cũng muốn biếu bố mẹ chút quà.

Công ty mình có lịch làm đến 29 Tết âm. Giá vé máy bay khi này rất mắc, lên tới cả 10 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi. Mình nghĩ, số tiền này đem biếu bố mẹ ăn Tết, rồi qua Tết thu xếp 1 khoảng thời gian về nhà chơi thì hợp lý hơn. Vé máy bay qua Tết cũng chỉ 4-5 triệu đồng.

Tuy không được về nhà sum họp vào Tết nguyên đán, nhưng may mắn mình cũng có gia đình nhà ngoại ở TPHCM, cũng không cần phải ăn Tết 1 mình. Có buồn, có nhớ nhà, nhưng mình cũng nghĩ tích cực hơn, coi như thử ăn Tết xa nhà để trân trọng hơn những khoảnh khắc được ở bên bố mẹ."

Đối với Mai Linh, vì chưa quyết định có về quê ăn Tết hay không, nên Linh đã lập 1 bảng ngân sách nho nhỏ để so sánh, xem ở lại hay về quê thì tiết kiệm hơn. Linh tính toán:

"Nếu lựa chọn về quê ăn Tết, mình sẽ cần tiêu cho những khoản như: Tiền vé máy bay 7-8 triệu đồng; tiền biếu quà Tết bố mẹ 3 triệu đồng; tiền mua quần áo để đi chúc Tết họ hàng khoảng 2 triệu; tiền lì xì cho trẻ con cũng khoảng 1 triệu đồng nữa; thêm những khoản tiền gặp mặt bạn bè, thăm thầy cô,... Tính cả cái Tết cũng khoảng 15 triệu đồng. Đấy là còn chưa tính những khoản tiền chi tiêu cơ bản trong tháng Tết.

Còn nếu mình lựa chọn ăn Tết xa quê, mình sẽ chi tiêu cho tiền quà Tết bố mẹ là chính. Và chi tiền cho 1 vài hôm gặp mặt bạn bè 3 ngày Tết. Số tiền này tính ra sẽ nhẹ nhàng hơn so với thu nhập của mình lúc này.

Có lẽ, việc xa nhà ăn Tết trong mắt nhiều người là vô trách nhiệm, nhưng với những người có thu nhập không được tốt trong năm nay, lại là sự thở phào nhẹ nhõm. Nếu không về đúng dịp Tết âm, chắc chắn mình sẽ thu xếp vài ngày sau Tết để về thăm bố mẹ."

Còn với khoản ngân sách về quê ăn Tết lên tới 50 triệu đồng, Minh Lãm cũng có những tính toán riêng của mình. “"Nếu ai từng ăn Tết xa quê chắc cũng sẽ hiểu 3 ngày Tết cần chi tiêu cho những gì. Chỉ là những mâm cỗ cúng đơn giản, vài chậu hoa nhỏ trang trí để nhà cửa có không khí Tết. Ăn chơi 3 ngày Tết cũng đơn giản, gói gọn trong vài hoạt động vui chơi cùng con cái. Đấy là cái Tết mà 2 năm vừa qua gia đình mình đón.

Còn Tết ở quê, là mâm cao cỗ đầy, là đào quất xum xuê, là sự vui nhộn rất hiếm gặp ở những thành phố lớn này. Nhưng chi phí để về quê ăn Tết rất cao, vượt qua ngân sách năm nay của vợ chồng mình. Vậy nên, mình chỉ gửi 1 chút tiền về quê để góp Tết, thêm tiền mừng tuổi cho gia đình nội ngoại 2 bên. Gửi thêm tiền để lì xì các cháu. Tổng số tiền này chưa đến 10 triệu đồng. Mình nghĩ, đôi khi cũng phải chấp nhận đánh đổi điều gì đó. Và năm nay, vợ chồng mình thống nhất sẽ không về quê ăn Tết nữa, mà hẹn gia đình vào năm sau.”

Tạm gác lại chuyến xe về quê ăn Tết, chúc cho những người con xa quê đón Tết thật bình an, vui vẻ, và lấy lại tinh thần chuẩn bị cho tài chính tốt hơn vào năm tới!

 

 

Tags:
Gặp gỡ Trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ: 'Ước mơ là miễn phí nhưng nó phải dựa vào thực lực từng cá nhân'

Gặp gỡ Trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ: "Ước mơ là miễn phí nhưng nó phải dựa vào thực lực từng cá nhân"

Trung tướng Phạm Tuân cho rằng giấc mơ chinh phục vũ trụ sẽ không là gì quá cao siêu nếu như chúng ta dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất