Kiều bào kể chuyện đón Tết ở trời Tây
Với Quỳnh Anh, kiều bào sinh sống tại Pháp, không khí đón Tết "không khác ở quê nhà là bao", khi đại gia đình sum vầy đầm ấm.
21:22 21/01/2023
"Gia đình tôi sắm sửa hoa đào, mua bánh chưng làm mâm cúng ông Công ông Táo. Dịp Tết, cả nhà dự định đi lễ chùa và xem múa lân", Quỳnh Anh, 23 tuổi, sinh ra tại Việt Nam, sống tại Paris hơn 6 năm, nói với VnExpress.
Quỳnh Anh cho biết đại gia đình của cô có 30 thành viên sinh sống ở Pháp, nên không khí đón Tết cổ truyền không khác nhiều so với Việt Nam. "Mỗi dịp Tết lại là cả nhà lại cùng nhau sắm sửa, sum vầy, rất đầm ấm", cô nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, không khí Tết thường được cảm nhận rõ nhất tại khu phố người Hoa ở quận 13 của Paris, nơi mọi người thường đốt pháo và mặc trang phục truyền thống châu Á diễu hành trên phố.
Tại các quốc gia khác nơi trời Âu, nhiều kiều bào Việt cũng bắt đầu sửa soạn đón Tết Quý Mão.
Ở Berlin, Đức, ông Văn Minh, 50 tuổi, đang phụ vợ chuẩn bị một cái Tết xa xứ thật chu toàn. Ông cho biết các gia đình Việt tại đây thường sắm sửa tại các siêu thị châu Á, nơi có cả bánh chưng và nhiều món truyền thống dịp Tết.
Ông Minh cho hay nhà ông và một số gia đình khác vẫn tự mua lá dong về gói bánh chưng. Lá dong ở Berlin đắt, lại có kích thước nhỏ, thường phải gói cùng giấy bạc, nên bánh không có màu xanh đẹp mắt như ở Việt Nam.
"Chúng tôi lên kế hoạch gói bánh để tụi nhỏ có thể ghi nhớ và gìn giữ truyền thống, cội nguồn dân tộc", bà Nga, vợ ông Minh, chia sẻ.
Nhưng với nhiều kiều bào trẻ sống xa quê, mỗi dịp xuân về là lúc nỗi nhớ nhà thêm phần da diết.
Hải Lâm, 23 tuổi, sinh viên học tập tại Hàn Quốc hơn 5 năm, cho biết cộng đồng người Việt ở đây đông đảo và có hầu như mọi thứ cho dịp Tết, từ đồ trang trí đến các món ăn cổ truyền như bánh chưng hay giò, song "không thể so sánh với không khí và niềm hạnh phúc khi đón Tết ở đất mẹ".
"Tết năm ngoái, tôi và một số bạn bè người Việt tại Seoul tụ tập vào đêm 30, cùng nhau làm nem rán. Không khí đầm ấm khiến nỗi nhớ nhà phần nào nguôi ngoai", cô kể. Do lệch múi giờ, tất cả đều thức đến 2 giờ sáng chờ thời khắc giao thừa ở quê nhà. Khi đồng hồ điểm chuông, ai nấy "ra một góc và gọi về cho gia đình".
"Sau đó, mọi người trong buổi tiệc chúc nhau năm mới an khang và lập tức đi ngủ, bởi phải đi làm vào sáng mai. Nhưng tất cả đều ngầm hiểu rằng mọi người đang bị nỗi nhớ nhà giằng xé", Lâm nhớ lại.
Chuyện đón Tết xa nhà cũng không mấy dễ dàng với Hoàng Trang, 24 tuổi, sinh sống và học tập ở Anh được 7 năm. Cô cho hay Tết nơi xa xứ luôn để lại "nỗi cô đơn lạnh lẽo", đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.
"Năm ngoái còn bận rộn công việc. Các năm trước, tôi hầu như ở nhà cả tháng vì Covid-19, chỉ ra ngoài để đổ rác", Trang nhớ lại thời điểm loay hoay tìm việc trong đại dịch. "Nhớ nhà khủng khiếp, chỉ thèm món bún cá mẹ làm thuở bé".
Tết Quý Mão năm nay đánh dấu lần trở về nước của Hải Lâm, sinh viên tại Hàn Quốc, sau 4 năm xa cách. Khi cùng cha mẹ đi lễ chùa, cô bật khóc khi nhận ra mùi nhang thơm, mùi hương gắn liền với phong vị Tết, điều khiến những lần đón xuân ở nước ngoài "thiếu tròn trịa".
Năm nay cũng là lần đầu tiên Hoàng Trang về nước ăn Tết sau 7 năm và sẽ cố gắng dành thời gian bên gia đình nhiều nhất có thể. "Bố mẹ tôi đã lớn tuổi, chẳng biết còn mấy thời gian được ở trong vòng tay thiêng liêng đó", cô nói.
"Sau chuyến bay dài như bất tận, tôi nghe rõ tiếng tim đập thình thịch khi nhìn máy bay xuyên làn mây, chuẩn bị hạ cánh xuống Nội Bài", Trang nhớ lại. "Đến khi Hà Nội hiện ra qua cửa sổ, thì đôi mắt đã đỏ hoe tự lúc nào".
Nghiên cứu sinh Việt Nam xúng xính áo dài đón Tết ở Thái Lan
Người đưa ra ý tưởng mặc áo dài lên lớp học trước thềm năm mới này là Ths Lê Trường An, nghiên cứu sinh của Đại học Suranaree, Thái Lan.