Đau đớn: Nữ Việt kiều tan nát gia đình sau 30 năm bươn chải ở xứ người, quyết trở về quê hương dù không ai ngóng đợi
Bố mẹ già đã khuất bóng. Chồng đã có vợ mới. Con cái cũng đi Tây. Họ hàng nhìn tôi như một bà già lạc hậu 30 năm về trước. Tiền cũng không có nhiều sau những biến cố nơi xứ người.
15:35 22/06/2023
Tôi - một phụ nữ Việt kiều 65 tuổi đang sống ở Canada – vừa đưa ra quyết định quan trọng đối với cuộc đời mình: Tết Nguyên đán năm nay sẽ trở về quê hương, chấm dứt 30 năm lưu lạc xứ người.
Đây là một quyết định khó khăn với tôi, sau nhiều lần trì hoãn. Nhưng lần này tôi biết mình cần phải trở về, bởi vì ba mươi năm qua, tôi đã đánh đổi và mất mát quá nhiều.
Có người nhà sống “ở bển” là niềm tự hào của rất nhiều người Việt. Chính suy nghĩ ấy đã đẩy nhiều thanh niên rời quê hương sang làm “cu li” trời Tây. Để rồi những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngạo nghễ giữa quê nghèo, những bức hình selfie lung linh nơi đất khách không che giấu nổi những giọt nước mắt nhọc nhằn, những gia đình ly tán, thậm chí là mất nhau mãi mãi…
Năm 1989, khi 35 tuổi, tôi có một gia đình nhỏ với người chồng hiền lành ít nói, 2 đứa con 9 tuổi và 6 tuổi. Cuộc sống bấp bênh với đồng lương công nhân may èo uột, nhưng gia đình luôn rộn tiếng cười.
Vậy mà, sau khi nghe một cậu em họ là Việt kiều Canada mới về nước, tôi thuyết phục chồng và chạy vạy vay mượn được chục cây vàng để xuất ngoại, với hi vọng sau vài năm sẽ trở về gây dựng kinh tế gia đình cho chồng con đỡ khổ. Nhưng cuộc sống vốn không giống cuộc đời.
Khác hoàn toàn với viễn cảnh mà nhiều người Việt mộng tưởng về cuộc sống của Việt kiều, thực tế sần sượng hơn rất nhiều. Bằng thứ giấy tờ bảo lãnh ngắn hạn và sau nhiều lần chuyển nơi ở, làm nhiều công việc như làm nail, bồi bàn, chăm sóc người già ở bệnh viện…, cuối cùng tôi trở thành một người làm vườn trong một trang trại trồng nho ở thị trấn nhỏ High Prairie thuộc tỉnh Alberta, cách thành phố Edmonton (Canada) khoảng 400 km.
Nơi tôi sống thuộc miền bắc Canada, thời tiết khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ thấp nhất xuống tới âm 40 độ C, tôi đã phát ốm trong thời gian đầu mới sang. Thời tiết khắc nghiệt, công việc vất vả như một cu li đồn điền, không thạo tiếng, làm việc thời vụ không hợp đồng lao động, không biết đường sá gì… nên cuộc sống của tôi chỉ thu nhỏ trong vòng luẩn quẩn ăn – ngủ - làm việc tại trang trại đó.
Đêm xuống, tôi thương nhớ chồng con khôn nguôi. Thèm được ngủ trong căn nhà ấm cúng của mình ở Hà Nội mà không được nữa. Khoản vay hàng chục cây vàng treo lơ lửng trên đầu khiến tôi không có đường lui.
Thời gian đầu tạm êm ấm khi tôi gửi những món tiền đầu tiên về nhà. Chồng tôi chi tiêu cho con cái một phần, phần còn lại gửi tiết kiệm, hi vọng sau 5 năm gia đình sẽ được đoàn tụ.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau đó 3 năm. Giấy tờ cư trú của tôi không thể gia hạn được nữa, tôi buộc phải thuyết phục chồng làm giấy ly hôn để kết hôn giả với một thanh niên người Canada. Thương vụ kết hôn giả khiến tôi tiêu tán phần lớn số tiền tích trữ trong 3 năm cho gã thanh niên giả làm chồng tôi, và cho đường dây môi giới. Thế là tôi lại nai lưng tích cóp từ đầu.
Gã “chồng” Canada của tôi là một thanh niên lêu lổng, nghiện rượu, đáng tiếc là sau khi “kết hôn” xong tôi mới biết. Hắn biết chỗ tôi làm việc nên cứ thỉnh thoảng lại đến xin tiền, nếu tôi không cho thì hắn đòi “làm chồng” thật sự của tôi, thậm chí làm vỡ lở thương vụ kết hôn giả này. Tôi đành ngậm đắng nuốt cay cung phụng cho gã, giấu gia đình và chỉ còn cách là làm ngày làm đêm, hi vọng rút ngắn quãng thời gian khốn khổ này.
Ở Việt Nam, chồng tôi bắt đầu tuyệt vọng vì cú sốc ly hôn và những hẹn lần hẹn lữa về chuyện đoàn tụ của tôi. Anh ấy sa vào rượu chè, bắt đầu có phụ nữ khác, bỏ bê 2 đứa con đang tuổi ăn học. Ở bên này, trong vô vàn đau đớn tuyệt vọng và cô đơn, tôi cũng bắt đầu ngã vào vòng tay đàn ông khác, có khi là một ông chồng Việt Nam xa vợ con và đi làm như tôi, có khi là một gã trai Tây bất kỳ nào đó. Đường về quê hương càng lúc càng mông lung.
Nỗi nhớ chồng con của tôi cũng nguôi dần vì sau đó tôi tìm cách bảo lãnh hai con sang cùng. Chúng lẽ ra đang học đại học ở quê hương thì cũng lại sang đây làm nail, bồi bàn, những công việc tay chân mà người Canada không làm.
Các con tôi lần lượt lấy vợ lấy chồng ở Canada. Con gái tôi thậm chí kết hôn 2 lần và chồng sau của nó là một gã Tây vũ phu, không coi trọng cả vợ lẫn mẹ vợ. Sau đó mẹ con tôi cũng chuyển chỗ ở, không còn gần nhau.
Đến năm thứ 15 thì cú sốc lớn nhất xảy đến. Gã “chồng” Canada lêu lổng của tôi bị vỡ nợ và Toà án triệu tập tôi đến để chịu trách nhiệm cùng. Tôi mất trắng toàn bộ tài sản vào vụ đền bù đó. Sau đó tôi ly hôn gã chồng giả và về nước nhiều hơn, bắt đầu nghĩ đến ngày về Việt Nam sống hẳn.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi về nước sau nhiều năm. Tôi gói ghém những củ sâm, những mảnh vải đỏ để biếu họ hàng. Khi tôi đưa ra, chị gái và các cháu tôi cười ồ. Họ bảo: “Dì ơi, bây giờ ở Việt Nam không thiếu gì sâm và không ai còn mặc những tấm vải này cả.
Hoá ra đất nước đã phát triển, đã thay đổi đến chóng mặt mà một tên cu li trang trại như tôi không hề biết.
Đến giờ, không còn ai chờ tôi ở quê hương. Bố mẹ già đã khuất bóng. Chồng đã có vợ mới. Con cái cũng đi Tây. Họ hàng nhìn tôi như một bà già lạc hậu 30 năm về trước. Tiền cũng không có nhiều sau những biến cố nơi xứ người.
Nếu được quay lại 30 năm về trước, tôi chắc chắn không chọn con đường này.
*Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư [email protected] để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.Cuộc sống hải ngoại của Bằng Kiều: Không giàu như mọi người nghĩ, miệt mài chạy show ở Việt Nam kiếm tiền
Bằng Kiều sang Mỹ đã nhiều năm nhưng hiện tại cuộc sống ở hải ngoại thì ít mà chạy show trong nước thì nhiều.