Cố NS Phạm Bằng: Cuộc đời không giống vai diễn, góc khuất cuộc sống đầy day dứt đến tận cuối đời

Phạm Bằng (1931-2016) là một nghệ sĩ sân khấu, hài kịch và truyền hình của Việt Nam.

21:28 31/12/2022

 Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Ông nổi tiếng qua nhiều vai hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3.

Ông qua đời vào 20 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2016 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư gan, hưởng thọ 85 tuổi.

 

Cố NS Phạm Bằng: Cuộc đời không giống vai diễn, góc khuất cuộc sống đầy day dứt đến tận cuối đời - Hình 1

Tiểu sử sự nghiệp của cố nghệ sĩ Phạm Bằng

Bố nghệ sĩ Phạm Bằng mất sớm, một mình mẹ ông bươn chải nuôi 3 người con nên cuộc sống khá vất vả. Khi biết ông muốn theo nghiệp diễn, mẹ ông một mực phản đối bởi bà cho đó là nghề “xướng ca vô loài”.

Nhưng đối với NSƯT Phạm Bằng, quan niệm đó chỉ đúng ở thời xưa, diễn viên khi ấy không phải một nghề, “cứ vật vờ được chăng hay chớ, chứ sau năm 1954 thì không còn đúng như vậy”.

Năm 1955, nghệ sĩ Phạm Bằng trở thành sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính. Trong quá trình học ở trường, theo lời lôi kéo, rủ rê của bạn bè, ông cũng tham gia đóng vài vở kịch “lăng nhăng cho vui”.

Cố NS Phạm Bằng: Cuộc đời không giống vai diễn, góc khuất cuộc sống đầy day dứt đến tận cuối đời - Hình 2

Năm 1956, khi đang học năm thứ hai trường Cao đẳng Giao thông công chính thì ông phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình.

Năm 1959, nghệ sĩ Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. Phạm Bằng được tuyển cả hai nơi nhưng cuối cùng, ông lựa chọn con đường vào đoàn văn công Hà Nội, bởi theo ông: “Vào văn công vừa được học, vừa được diễn, lại vừa có thêm tiền phụ giúp gia đình trong khi vào trường Sân khấu phải trả tiền học phí. Tôi không còn lựa chọn nào khác hơn. Thời kì ấy, gia đình tôi quá nghèo khó, mặt khác tôi lấy vợ trong khi chưa có việc làm”.

Cố NS Phạm Bằng: Cuộc đời không giống vai diễn, góc khuất cuộc sống đầy day dứt đến tận cuối đời - Hình 3

Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu đời sống riêng của mình. Tại đoàn kịch Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời Phạm Bằng tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Sau đó, đạo diễn Trần Hoạt bắt đầu làm một vài tác phẩm kịch hài cùng với sự góp mặt của nghệ sĩ Phạm Bằng.

Cuối năm 1974, đầu 1975, nghệ sĩ Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương.

Giai đoạn đầu vào nghề, cuộc sống của NSƯT Phạm Bằng vẫn chưa hết khổ. Lương không đủ sống, chi tiêu tiết kiệm lắm cũng chỉ được 10 ngày, 20 ngày còn lại của tháng thì “xiêu vẹo”. Và cuộc sống khốn khó ấy kéo dài hơn chục năm.

Cố NS Phạm Bằng: Cuộc đời không giống vai diễn, góc khuất cuộc sống đầy day dứt đến tận cuối đời - Hình 4

Những năm 90: Sau nhiều năm đứng vững trên sân khấu, cuộc sống của nghệ sĩ Phạm Bằng đã dần ổn định. Ngoài việc diễn, ông còn dạy dỗ một số anh em cùng đoàn và đào tạo thêm cho lớp đàn em mới vào nghề.

Từ năm 2000 đến năm 2007, chương trình Gặp nhau cuối tuần được VTV sản xuất và phát sóng cũng là nơi đưa tên tuổi của nghệ sĩ Phạm Bằng cũng như nhiều nghệ sĩ khác đến gần hơn với công chúng.

Song song với đó, nghệ sĩ Phạm Bằng vẫn tham gia đóng các DVD hài Tết, phim truyền hình. Một năm trở lại đây, do sức khỏe không đảm bảo nên ông không nhận lời đi phim.

Cố NS Phạm Bằng: Cuộc đời không giống vai diễn, góc khuất cuộc sống đầy day dứt đến tận cuối đời - Hình 6

Cách đây 4 tháng, nghệ sĩ Phạm Bằng được phát sĩ chẩn đoán bị tắc túi mật dẫn đến viêm gan. Dù đã trải qua 2 lần phẫu thuật và sức khỏe những ngày gần đây có dấu hiệu tiến triển tốt. Tuy nhiên, vào hồi 20h00 ngày 31/10, NSƯT Phạm Bằng đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hồng Ngọc, Hà Nội.

Góc khuất cuộc đời cố nghệ sĩ Phạm Bằng

Tưởng chừng cuộc sống với những diễn viên hài sẽ đầy ắp những tiếng cười lạc quan, nhưng vui vẻ, hài hước, nhưng trong đời sống thực, NSƯT Phạm Bằng lại thường phải đối diện với không ít nỗi buồn, nỗi cô đơn mỗi lần trở về nhà sau những vai diễn hài mua vui cho thiên hạ. Bố ông sớm mất đi, để lại người vợ góa trẻ 24 tuổi và 3 người con. Mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn, một tay cụ chèo lái con thuyền gia đình. Chính điều đó khiến cụ thành một người phụ nữ phong kiến, gia trưởng, độc đoán và khắc nghiệt.

Phạm Bằng ít khi cảm nhận được tình yêu thương của mẹ mình ngay từ hồi còn là một đứa trẻ. Cụ cho con sung sướng, đủ đầy đến dư thừa nhưng lại không cho con một tình yêu thương của một người mẹ theo đúng nghĩa của nó. Cụ từng muốn con trai mình sẽ làm nghề thầy giáo như người cha quá cố, nên khi Phạm Bằng rẽ sang hướng khác thì cụ đã luôn mỉa mai cái nghiệp diễn mà Phạm Bằng theo đuổi với những câu nói chua chát, đay đả mỗi khi ai có vô tình hỏi đến: “Nó là con hát mua vui cho thiên hạ”, “Nó là loại xướng ca vô loài”, “Thằng hề”…

Phạm Bằng chưa bao giờ thấy mẹ vui, chưa bao giờ thấy mẹ ngợi khen, bà cũng chưa bao giờ đến xem ông diễn, cho dù thời kỳ ấy ông đã được coi là một diễn viên kịch có tiếng ở đất Hà Thành.

NSƯT Phạm Bằng kể: “Khi tôi chuẩn bị lập gia đình, tôi để ý tới 5 người con gái. Vợ tôi không phải là người con gái giỏi nhất, xinh đẹp nhất nhưng tôi chọn cô ấy vì tôi biết chắc rằng, chỉ có cô ấy mới có thể chịu được tính mẹ tôi. Mẹ tôi sống cuộc đời góa phụ ngót 70 năm, trong cách nhìn của bà, con dâu chỉ là một người hầu, một người để sai bảo, đay nghiến, chì chiết. Bởi vì, bản thân mẹ tôi, khi còn làm dâu cụ cũng đã phải chịu đựng sự khắc nghiệt của mẹ chồng. May mà vợ tôi là con nhà lễ giáo nên cắn răng một lòng một dạ chịu đựng sự dò xét của bà mà không một lời than vãn. Tôi biết hết sự chịu đựng của vợ mình nhưng không thể mở lời ra bênh vợ”.

“Có những hôm, chủ nhật ngày nghỉ, hai vợ chồng muốn về thăm nhà ngoại, thì phải đứng trước mặt bà vòng tay lại xin phép: “Thưa mẹ, chúng con xin về thăm bà ngoại ạ!”. Nếu bà nói “Vâng, xin mời anh chị!” thì được đi nhưng trong lòng bất an lắm. Nếu bà im lặng không nói gì thì vợ chồng tôi không dám bước ra khỏi cửa…”.

Nhắc lại chuyện cũ, ông nghẹn ngào, thương người vợ đầu gối tay ấp đã ra đi hơn 15 năm nay. Đây là quãng thời gian chông chênh nhất, ông sống như một cái bóng trong ngôi nhà của chính mình, ngôi nhà đầy dấu ấn của mẹ, của vợ.

Ông và các con của ông đã phụ thuộc quá nhiều vào bàn tay chăm sóc của người phụ nữ đảm đang trong gia đình, bởi vậy mà chẳng may bà chuyển bệnh mất sớm, bố con ông bơ vơ vì thiếu một điểm tựa. Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Ông không có một bữa cơm ấm cúng gia đình. Mỗi lần đi diễn về, bỏ lại tiếng cười phía sau cánh cửa nhà, ông đối diện với một nỗi trống trải vô bờ.

Bốn người con của ông thì hai người đang ở nước ngoài, ông ở cùng hai người con còn lại, một trai một gái, họ đều đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có gia đình. Về trong căn nhà chỉ biết nhìn nhau, toàn những người ít nói, ngại giao tiếp và cuộc sống cứ đạm bạc qua ngày.

Tags:
Hậu xôn xao với chiếc mũi 'lỗi', Lynk Lee tóc dài nữ tính, khoe lưng trần chuẩn 'gái xịn'

Hậu xôn xao với chiếc mũi "lỗi", Lynk Lee tóc dài nữ tính, khoe lưng trần chuẩn "gái xịn"

Là người tạo nên những bản nhạc vườn trường đầy mộng mơ, Lynk Lee là cái tên gắn liền với thanh xuân của nhiều thế hệ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất