Cặp song sinh Việt bị chia cắt đoàn tụ 13 năm sau, một được đưa cho dì, một được gia đình ở Mỹ nhận nuôi: Giống mặt nhưng khác số phận

Khi Isabella Solimene nói với chị gái sinh đôi của mình về việc cô muốn trở thành một nhà ngoại giao ở Trung Đông, chị gái đã mong cô đừng đi. Đó không phải là sự ích kỷ, mà là tình cảm quyến luyến, bởi lẽ phải đến tận năm 13 tuổi, hai chị em mới được nhìn thấy nhau lần đầu tiên.

15:50 08/11/2022

Khi Isabella Solimene nói với chị gái sinh đôi của mình về việc cô muốn trở thành một nhà ngoại giao ở Trung Đông, chị gái đã mong cô đừng đi. Đó không phải là sự ích kỷ, mà là tình cảm quyến luyến, bởi lẽ phải đến tận năm 13 tuổi, hai chị em mới được nhìn thấy nhau lần đầu tiên.

Câu chuyện của cặp chị em sinh đôi bị chia cắt bắt đầu vào năm 1998, khi mẹ ruột hai cô gái nhận ra rằng bà không có đủ khả năng để nuôi các con và cũng không thể nhìn hai đứa con gái của mình ngày càng gầy rộc đi vì không có cái ăn.

Vì thế, bà đã đưa Solimene đến một trại trẻ mồ côi và đưa Hà Nguyễn cho cho vợ chồng chị gái mình, vì Hà lúc ấy bị ốm và cần phải được chăm sóc cẩn thận hơn. Cặp vợ chồng lớn tuổi đã nuôi cháu gái cho đến tận khi cô khôn lớn.

Ngược lại, Solimene phải đợi đến tận năm 4 tuổi mới được một đôi vợ chồng người da trắng giàu có đến từ Chicago (Mỹ) nhận làm con nuôi. Họ đã bay đến Việt Nam với mong muốn sẽ tìm thêm một thành viên cho gia đình mình, và từ đó, Solimene đã lớn lên cùng với 5 người anh chị em không cùng huyết thống khác.

Câu chuyện về cặp song sinh này được ghi lại trong cuốn sách có tên "Somewhere Sisters: A Story of Adoption, Identity, and the Meaning of Family", (tạm dịch: "Chị em nơi đâu: Một câu chuyện về Nhận nuôi, Danh tính, và Ý nghĩa của Gia đình") với những chi tiết được chia sẻ từ chính Hà Nguyễn, Solimene và gia đình của hai người.

Người mẹ da trắng luôn khao khát tìm lại người thân cho con gái nuôi của mình

Dù biết về sự tồn tại của người em gái sinh đôi, nhưng Hà lại chẳng thể làm gì: "Tôi rất tò mò về người em gái song sinh của mình, và tôi biết em ấy đang sống ở Mỹ. Tuy nhiên, tôi đã tự nhủ với bản thân rằng sẽ chẳng bao giờ có thể đến Mỹ được, và có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại em gái".

Không ngoại lệ, tuổi thơ Solimene cũng trải qua cùng với sự tò mò về người chị mà cô thậm chí còn không biết mặt: "Tôi biết rằng có một người giống mình tồn tại trên thế giới này, nhưng tôi lại không cảm thấy rằng mình bắt buộc phải gặp mặt người đó".

Cha mẹ nuôi của Hà nuôi cô khôn lớn tại một ngôi làng nhỏ ở vùng nông thôn Việt Nam, với những ánh đèn điện vẫn còn thưa thớt. Một người cha làm nghề trồng lúa, và một người mẹ làm công việc trông trẻ không có đủ nguồn lực kinh tế để giúp con mình được gặp lại em gái. Nhưng gia đình Solimene thì làm được điều đó.

Mẹ Solimene tin bà có trách nhiệm phải giúp hai chị em được gặp lại nhau, và chính vì thế bà đã đọc rất nhiều nghiên cứu về tâm lý của các cặp song sinh: "Tôi sẽ tìm được cô gái nhỏ ấy và đưa cháu đến Chicago, cháu sẽ là thành viên thứ 7 của gia đình này".

Từ đó, người mẹ da trắng đã quyết tâm tìm cho bằng được cô "con gái" mà mình chưa gặp bao giờ. Bà đã đến trại trẻ mồ côi nơi bà nhận nuôi Solimene để tìm kiếm manh mối. Nhưng tất cả dường như quá khó khăn, có quá nhiều nguyên tắc bảo mật và mọi chuyện còn thử thách hơn gấp bội khi bà không thể nói tiếng Việt.

Cuối cùng, bà đã tìm đến một người phụ nữ địa phương có nhiều mối quen biết để nhờ giúp đỡ, đồng thời báo lại cho bà nếu biết thông tin gì. Trong cuốn sách về hai chị em, tác giả Hayasaki đã viết lại rằng cuộc hành trình tìm kiếm bắt đầu với những lời đồn đại của người trong làng, lời đồn đại về người mẹ phải từ bỏ con gái mình vì không đủ tiền nuôi chúng.

Nhờ vào người phụ nữ địa phương, họ đã biết rằng cô chị đang được nuôi dưỡng bởi vợ chồng bác ruột, và mẹ Solimene đã đến thăm gia đình vào tháng 7/2008. Bà cho vợ chồng bác và Hà Nguyễn xem đoạn video quay lại Solimene.

Hà Nguyễn đã thực sự choáng ngợp khi biết được sự thật. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc ấy, Hà vẫn còn nhớ như in câu nói của mẹ Solimene: "Con có muốn cùng mẹ đến Mỹ không?".

Cuộc đoàn tụ sau 13 năm xa cách

Cuốn sách miêu tả rằng ngay khi nghe thấy lời đề nghị của mẹ Solimene, Hà đã đáp lại một cách chắc nịch bằng tiếng Việt: "Không".

Cô gái nhỏ lúc này vẫn còn rất băn khoăn không biết rằng liệu đó có phải là một trò lừa đảo, và có thật là em gái của mình đang ở Mỹ cùng với những người này hay không. Cô đã nói rằng mình chỉ muốn gặp trực tiếp Solimene.

Hà và Isabella sau khi gặp lại nhau năm 2011.

Người mẹ da trắng bắt đầu gửi những khoản tiền đến bố mẹ nuôi của Hà để giúp họ trang trải chi phí nuôi nấng cô gái nhỏ, đồng thời cũng bắt đầu băn khoăn về hành động của mình.

"Bạn biết đấy, tôi có cái quyền gì mà đòi đến và đưa cô bé đi, trong khi cô gái nhỏ đang sống rất hạnh phúc", mẹ Solimene nói với Hayasaki.

Đến năm 2011, người mẹ quyết định đưa Solimene đến Việt Nam. Cặp song sinh cuối cùng cũng đã được đoàn tụ.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong sự khó xử. Hai cô gái có khuôn mặt rất giống nhau, trừ kiểu tóc. Và vì sự khác biệt ngôn ngữ cũng như sự đông đúc ở sân bay, họ đã chẳng thể nói chuyện với nhau nhiều.

Ngay cả khi hai người là chị em ruột, thì 13 năm vẫn là quãng thời gian quá dài, mà hai chị em lại còn bị chia cắt từ khi chưa biết gì. Chính vì thế, Solimene đã cảm thấy vô cùng "chán ghét" khi Hà ôm mình, cô đã có quá nhiều anh chị em ở Mỹ và cô không cần thêm bất kỳ một người nào nữa. Trong khi đó, Hà lại quá xúc động.

Tình cảm giữa hai người bắt đầu một cách chậm chạp, nhưng ít nhất là nó đã có bước tiến triển. Hai chị em bắt đầu nói cho người kia nghe về tuổi thơ của mình. Họ cùng bật cười giòn giã khi Solimene kể lại chuyện mình bị một đứa nhóc bắt nạt khi đang chơi cầu trượt.

Hai chị em đã dành thời gian cho nhau tại công viên giải trí, cùng nhau chơi đu quay, trượt nước và cùng nhau chơi trò yêu thích của cả hai, đó là chơi bóng đá trên bãi biển. Chính bóng đá đã gắn kết hai chị em lại với nhau, xóa mờ đi những rào cản về ngôn ngữ và sự ngại ngùng ban đầu.

Cùng nhau đi tiếp chuyến hành trình

Mặc dù đã cùng chị gái trải qua khoảng thời gian vui vẻ, Solimene vẫn có một nỗi buồn, một nỗi buồn sâu sắc khi cô nhận ra rằng "Làm sao mà hai người giống nhau đến vậy lại có thể sống hai cuộc đời rất khác nhau?".

Đó là khi cô bé nhận ra ngôi nhà mà chị mình đang sống - một ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng với con đường đất hẹp, và chỗ nằm của Hà là một chiếc giường đơn sơ cùng với chiếc màn che để ngăn muỗi. Hoàn cảnh của bố mẹ nuôi khiến Hà mất đi những cơ hội để phát triển tốt so với bạn bè đồng trang lứa.

Chính vì thế, sau khi trở về Chicago, gia đình của Solimene đã chu cấp tiền để Hà theo học một trường tư thục tại Việt Nam. Họ còn thuê thêm một căn hộ để bố mẹ nuôi của cô có thể sống gần con gái của mình. Bố mẹ của Solimene đã cho cô những món đồ điện tử mới nhất, một chiếc máy tính xách tay và chiếc điện thoại Iphone đắt tiền để hai chị em có thể liên lạc với nhau dễ dàng hơn.

Vào năm 2016, Hà đã quyết định sẽ đến Chicago để học cấp 3 và dành nhiều thời gian hơn cho Solimene. Khi tạm biệt cha mẹ ở sân bay, cô gái nhỏ đã luôn tự nhủ với bản thân rằng: "Đây không phải là mãi mãi, chỉ là một lời tạm biệt bình thường thôi. Mình chắc chắn sẽ quay trở lại".

Và cặp song sinh đã gắn bó với nhau trong suốt quãng thời gian đó. Vào năm 2018, họ đã cùng nhau tốt nghiệp một trường trung học tại Mỹ rồi lại tiếp tục học cùng một trường đại học trong 4 năm tiếp theo. Mối quan hệ của cả hai giờ đây đã trở nên vô cùng thân thiết, và hai chị em luôn vô cùng biết ơn mẹ nuôi của Solimene, người đã giúp họ tìm thấy nhau.

Trong buổi phỏng vấn với tác giả Hayasaki, Solimene nói rằng Hà đã giúp cô rất nhiều trong cuộc sống: "Chị ấy giúp tôi được trưởng thành trong một không gian an toàn. Tôi cảm thấy rằng mình đã luôn được chị gái chống lưng".

Giờ đây, khi cả hai đã trưởng thành và tìm thấy những ước mơ của riêng mình, Solimene đã quyết tâm trở thành một nhà ngoại giao tài giỏi. Dù không nỡ nhưng Hà vẫn quyết định ủng hộ cho đam mê của em gái mình, ngay cả khi cô biết rằng họ sẽ phải sống xa nhau hàng nghìn dặm một lần nữa.

Nhưng tình thân là một điều vô cùng thiêng liêng, và cả hai đều biết rằng dù có xa cách như thế nào, thì họ vẫn sẽ quay lại với nhau, vào một ngày nào đó.

Tags:
Cách tạo ấn tượng đầu tiên tốt nhất đối với đồng nghiệp của bạn ở Úc

Cách tạo ấn tượng đầu tiên tốt nhất đối với đồng nghiệp của bạn ở Úc

Nếu bạn đã hoàn thành chương trình học của mình và bạn đang tìm việc làm hoặc mới nhận được một công việc mới, bạn có thể tự hỏi làm thế nào để tạo ấn tượng đầu tiên tốt nhất đối với đồng nghiệp của bạn ở Úc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất