Cảm giác ngại ngùng sau một chuyến về Việt Nam du lịch
Tôi mong những chuyện này được giải quyết một cách triệt để, căn cơ.
14:17 21/11/2024
Báo chí gần đây lên tiếng về câu chuyện kích cầu du lịch, rồi mục tiêu 8 triệu lượt du khách quốc tế, hay tại sao đa số khách nước ngoài một đi không trở lại? Tôi cũng có thể xem là một người trong cuộc, vì anh, chị, em và cháu ruột của tôi định cư ở nước ngoài, xem như là người nước ngoài, muốn về Việt Nam du lịch, ngay cả về thăm người thân trong gia đình cũng cảm thấy ngại. Dưới đây là những nỗi niềm của họ, tôi xin được chia sẻ với các bạn độc giả của VnExpress.
Khổ từ chuyện xin visa
Là công dân của cùng một nước châu Âu, người thân của tôi đi hầu như khắp nơi trên thế giới mà không cần xin visa, nhưng muốn về Việt Nam thăm người thân hay du lịch là buộc phải có visa. Đây là câu chuyện vô cùng mệt mỏi, phiền toái nhưng suốt nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa giải quyết được.
Nơi anh, chị, em tôi đến xin visa gần như không có thời gian làm việc rõ ràng (từ thứ hai cho tới thứ sáu): Ai có nhu cầu xin visa, phải chịu khó chầu chực, đi hai, ba trăm km đến nơi vào buổi sáng mà thấy đóng cửa thì một là phải ngồi trên xe chờ đợi hoặc thuê khách sạn gần đấy, đến buổi chiều ghé lại thử xem có mở cửa làm việc không. Nếu vẫn không thấy làm việc thì hôm sau bạn sẽ lại phải bắt đầu một vòng lặp mới. Nếu ai đó nói sao không điện thoại trước khi đến, thì sự thực là rất ít khi đầu dây bên kia bắt máy nên có muốn hỏi trước cũng chẳng được.
Vấn đề bất cập khác là không có niêm yết giá làm visa: cha tôi bệnh nặng, anh em rủ nhau về gấp. Dù ở cùng một quốc gia, chỉ khác thành phố, nhưng anh tôi đóng phí làm visa là 85 euro, trong khi em tôi phải đóng tới 500 euro - sự chênh lệch quá lớn. Khi người em hỏi nhân viên lãnh sự sao giá quá cao như vậy, thì chỉ nhận được câu trả lời nửa vời.
Thiếu thiện cảm với các sân bay
Ngồi máy bay cả 20 tiếng đồng hồ, vừa mệt mỏi, vừa say, ấy vậy mà khi tới làm thủ tục nhập cảnh, thứ khiến em tôi không thể nào quên là gương mặt lạnh tanh, có phần cau có của nhân viên hải quan. Nhiều người từng hỏi tôi rằng tại sao nhân viên kiểm soát xuất nhập cảnh ở Việt Nam không thể vui vẻ, thân thiện như ở Thái Lan hay Singapore? Có thể một phần vì họ bị quá tải do các sân bay ở ta luôn trong tình trạng quá tải, nhưng thực những biểu cảm đó phần nào làm giảm đi thiện cảm từ bạn bè quốc tế mỗi khi tới Việt Nam.
Ra đường như ra trận
Những người cháu ruột của tôi được cha mẹ chúng cho về Việt Nam thăm bà con, cũng như đi du lịch, chúng phát hoảng ngay lần đầu đặt chân xuống quê hương. Chúng không tưởng tượng được rằng ở Việt Nam, khi đi dạo (khu vực quanh nhà) lại phải đi bộ xuống lòng đường vì vỉa hè, lề đường đã bị các quán ăn, cửa hàng chiếm dụng hết. Nơi không có CSGT thì giao thông càng hỗn loạn, đèn xanh cũng như đèn đỏ, người ta cứ đua nhau chạy tốc độ cao, lấn làn, bấm còi inh ỏi, chẳng bao giờ chịu nhường đường cho người đi bộ.
Cá nhân tôi không trách những đứa cháu của mình. Vì trong những ngày ở Việt Nam, chúng đã tận mắt chứng kiến cảnh người ta tranh giành khách, đánh nhau thô bạo ngay tại các khu du lịch, kết hợp với việc xe cộ chạy bát nhau, bất chấp pháp luật, phải đi bộ dưới lòng đường...
Du lịch 'ăn xổi'
Nói về cách làm du lịch ở Việt Nam, tôi có thể kể ra ngay các vấn đề nhức nhối sau đây:
Nhiều đường phố, bãi biển đầy rác, nhiều nhà vệ sinh công cộng còn mất vệ sinh.
Đeo bám du khách: người bán dạo sẵn sàng bám dính lấy gia đình tôi khi đi du lịch, thậm chí họ thẳng tay nhét đồ vào túi áo, túi quần để ép chúng tôi mua đồ cho họ một cách trắng trợn.
Đỏ mắt tìm nhà vệ sinh: Ngay cả những thành phố du lịch lớn như Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng... cũng không dễ để bạn tìm được một nhà vệ sinh công cộng.
Trước khi định cư ở nước ngoài, anh chị em của tôi đi du lịch khá nhiều nơi như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu Đà Lạt, Huế, Phú Quốc, Phan Thiết, các tỉnh miền Tây vào những năm 1990. Khi tôi dẫn họ đi quay lại các nơi này thì họ thất vọng vì nhiều nơi đã bê tông hóa hết rồi.
Chẳng hạn, lên thành phố Đà Lạt mà người thân tôi nói: "Sao giống như Sài Gòn vậy, toàn nhà với nhà, ở Sài Gòn bật máy lạnh lên cũng vậy thôi". Hay như đến Phan Thiết, chẳng còn những rừng cây nằm ngả ra phía bờ biển dài thơ mộng nữa, vì resort che hết cảnh quan biển rồi còn đâu.
Nạn chặt chém, ăn nói thô tục tại các địa điểm buôn bán đồ lưu niệm ở các khu du lịch: chuyện này như một bộ phim dài tập, nhiều người đã nói quá rồi nên tôi cũng không muốn nhắc lại nữa. Bao năm qua dường như chúng ta chưa làm được gì để thay đổi thực trạng đáng buồn này.
Nạn móc túi, cướp giật: đây cũng là nỗi nhức nhối năm này qua năm khác ở nước ta, thế nhưng nếu hỏi tình hình có cải thiện hơn không thì có lẽ tôi chẳng tìm được lý do, dẫn chứng gì để nói "có".
Lời cuối, tôi chỉ muốn gởi đến nhưng người làm du lịch nước nhà một điều rằng, nếu muốn thu hút khách du lịch, coi đây như là một mũi nhọn về kinh tế, thì trước hết chúng ta thay đổi toàn diện một cách căn cơ. Hãy bắt đầu từ những bất cập tồn tại khiến người ta bức xúc suốt bao năm qua để tìm cách giải quyết triệt để, cải thiện cho tốt dần lên mỗi ngày.
Phát triển du lịch không chỉ là tổ chức các cuộc hội họp, hội thảo, bàn kế hoạch trên giấy, mà phải bắt tay hành động thật dứt khoát và tức thì. Hãy nhìn thẳng vào sự thật nền du lịch của nước nhà, thà một lần đau còn hơn để cơn đau dai dẳng. Tạo hóa đã ban cho Việt Nam cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, nên đừng chỉ ào ào chạy đua bê tông hóa các khu du lịch rồi khoác lên nó những mỹ từ như hội nhập, đổi mới.
Đình
Từng bị tố kết hôn vì thẻ xanh, Hoàng Anh ly dị vợ Việt Kiều : Tôi phải thức đêm để bán hàng online, cô ta không tốt đẹp gì
Nam diễn viên phim "Gạo nếp gạo tẻ" chính thức lên tiếng sau những tranh cãi, đấu tố hậu ly hôn bà xã Việt kiều. Anh khẳng định mình không kết hôn vì mục đích có "thẻ xanh" để định cư ở Mỹ.