Các bạn có hiểu thế nào là cuộc sống của một Việt kiều?
Chúng ta luôn mặc nhiên rằng Việt Kiều là những người có nhiều tiền, dư giả của cải và tài chính. Mỗi khi Việt Kiều về nước là phải quà cáp đầy đủ, cuộc chơi nào cũng là người chủ chi, nếu không sẽ bị mang tiếng ki bo, kẹt xỉ. Nhưng thực sự, có phải Việt Kiều nào cũng giàu có, sung túc? Câu chuyện của một công dân Việt trên đất Úc sau đây sẽ đem đến cho bạn cái nhìn khác về hai chữ “Việt Kiều”.
13:23 13/10/2024
Tôi tên là C., 30 tuổi. Tôi đã sống xa nhà đến nay là tròn mười một năm. Để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, trong suốt mười một năm đó, tôi đã trải qua những những thăng trầm nhất định để có thể kiếm được đồng tiền chân chính cho bản thân và gia đình.
Những ngày đầu tiên trên nước Úc
Tôi đến Úc theo diện vừa học vừa làm: một tuần bốn ngày đi học, ba ngày đi làm. Những ngày tháng đầu tiên nơi xứ người vô cùng lạ lẫm với tôi. Tôi sống ở một thành phố nhỏ nơi mà người ta mải miết đi làm và trở về nhà vào lúc 6h tối, sau đó đóng chặt cửa và lặng thinh. Vì tài chính không có nhiều, tôi chọn mì gói Mi-Goreng, ngon, và rẻ, cứ như thế trong suốt ba tháng trời. Cuối tuần, tôi mới dám mua một ly frozen coke cỡ lớn với giá $5.5 để tự thưởng cho mình.
Công việc đầu tiên trên nước Úc
Nếu bạn từng xem phim “Cổng mặt trời” – nói về cuộc sống của các bạn sinh viên nghèo từ quê lên phố học, phải làm thêm đủ các nghề như phục vụ nhà hàng, quán cơm để trang trải phí sinh hoạt, thì bạn có thể hình dung được công việc của tôi khi ấy. Tôi phụ bán hàng cho một cửa hiệu. Một ngày làm việc bắt đầu từ 9h sáng đến 6h tối, nhưng tất nhiên là bạn phải ra khỏi nhà từ sớm và khi về thì cũng đã tối mịt.
Ngoài bán hàng, tôi còn kiêm luôn cả bốc xếp hàng hóa, ít nhất hai lần một tuần. Mỗi lần bốc hàng từ xe 4 tấn xuống kho, gói hàng nào nhẹ thì 5- 10 kg, nặng thì 20-30Kg. Có những lúc hàng về là 200 thùng nước ngọt, mỗi thùng 12 chai 600ml, tôi với bạn – hai đứa con gái cứ thế “hì hục” làm. Một ngày như thế chúng tôi được trả $80 tiền mặt. Làm ba ngày thì tôi sẽ có đủ một khoản để trả phí đi lại và chi tiêu lặt vặt. Công việc thì nhiều mà chúng tôi chỉ nghỉ trưa 20 phút, có lúc mệt và ốm, tôi cũng không dám nghỉ vì như thế sẽ không có lương.
Tôi khi ấy cũng chẳng nghĩ đến việc tìm một việc làm nào khác tốt hơn, sợ không quen với sự thay đổi. Cứ miệt mài làm như vậy, sau năm năm, lương tôi cũng chỉ tăng lên $100.
Cơ hội mới, cuộc sống mới
Năm năm làm việc cũng mang lại cho tôi một chút kinh nghiệm, tôi tự tin đi tìm một công việc mới với mong muốn gia tăng thu nhập và đảm bảo sức khỏe hơn. Tôi xin việc vào một vị trí bán hàng, cạnh tranh với hơn 20 hồ sơ đầy triển vọng khác. Họ đều có bằng đại học, cao đẳng trong khi tôi chỉ có bằng nghề, mà chuyên môn nghề lại không liên quan lắm đến vị trí tuyển dụng. Tuy lo sợ nhưng tôi luôn tự trấn an rằng mình có kinh nghiệm dày dặn trong mảng bán hàng. Tôi cũng nghiên cứu thêm kiến thức về nhận diện và quản lý thương hiệu. May mắn đã mỉm cười khi tôi vượt qua cả ba vòng phỏng vấn để gặp quản lý cao cấp của nhà hàng. Tôi đã nhận được công việc mới như thế.
Rồi tôi cũng gặp được người đàn ông của đời mình, chúng tôi cùng xây dựng gia đình trên đất Úc. Trước đây, thu nhập kiếm được tôi dùng để mua sắm quần áo, giày dép,… cho cá nhân, thì bây giờ dùng cho trang trải sinh hoạt phí như mọi gia đình khác: từ tiền nhà, hóa đơn điện nước cho đến học phí, thức ăn…Ngoài ra, chúng tôi cũng cần trích tiền dự phòng để sửa chữa nhà ở, đồ đạc và trả lãi vay ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi khá cân nhắc mỗi khi đưa ra quyết định tài chính: Chi phí cho con học đàn, học bơi,.. cũng cần suy nghĩ. Nếu đưa con đi chơi, tôi sẽ đưa cháu đến các công viên lớn để được chơi nhiều trò miễn phí hơn.
Tuy thế, chúng tôi vẫn cố gắng đi ăn cải thiện ở nhà hàng một lần một tuần, coi như phần thưởng cho bản thân sau một tuần làm việc tích cực. Cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng chúng tôi luôn bảo nhau cố gắng.
Lời nhắn nhủ
Có thể thấy, là “Việt Kiều”, nhưng chúng tôi cũng chỉ kiếm đủ chi phí để trang trải cho cuộc sống mỗi ngày, cũng có những lo lắng cơm áo gạo tiền. Vì thế, nếu bạn có gặp “Việt Kiều”, thì hãy cứ đối xử với chúng tôi như những người bình thường khác, một cách công bằng và thấu hiểu!
Nước mắt của người Việt kiều khi xin việc có chủ là đồng hương, không nên hỏi lương trước khi làm
Trong vai một du học sinh Việt Nam đi xin việc, nhà báo mang theo trên mình một camera bí mật tác nghiệp.