Bộ phận được coi là "trái tim thứ hai" của cơ thể, biết chăm theo cách này thì mùa lạnh khỏi lo ốm

Việc bảo vệ cơ thể trong mùa lạnh rất quan trọng, ngoài giữ ấm cổ, ngực thì chân cũng là bộ phận cần được chú ý.

05:00 06/12/2023

 Đôi bàn chân được ví như trái tim thứ hai của cơ thể nên bảo vệ bàn chân sẽ giúp nhiều cơ quan khác được khỏe hơn.

Trong y học cổ truyền, bàn chân có mối liên hệ trực tiếp, chặt chẽ với những tạng phủ quan trọng trong cơ thể như thận, tỳ, can, vị, bàng quang... thông qua các đường kinh, đường lạc phân bố dày đặc ở bàn chân.

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Văn Tâm (nguyên Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ, BV Châm cứu Trung ương) cho biết ở đôi bàn chân có nhiều dây thần kinh và mạch máu kết nối đến tim, não, gan, thận, dạ dày… Nếu không giữ ấm đôi chân, để chân bị nhiễm lạnh thì hơi lạnh đó sẽ đi đến các cơ quan trong cơ thể, từ đó gây nên nhiều tác hại. Biểu hiện rõ rệt nhất là nếu đêm đi ngủ để chân lạnh, sáng dậy có thể bị đau bụng, tiêu chảy.

Bàn chân là trái tim thứ hai của cơ thể, liên quan mật thiết tới bộ phận khác nên bảo vệ bàn chân là bảo vệ toàn cơ thể. Ảnh minh họa.

Còn theo hệ thống lý luận phản xạ học (Reflexology), bàn chân được xem như một bản đồ cơ thể thu nhỏ, trong đó mỗi vùng hay cơ quan nội tạng có những điểm phản xạ riêng, thông qua xoa bóp, mát xa các điểm này có thể điều chỉnh các rối loạn khắp cơ thể. Do vậy, việc bảo vệ và chăm sóc bàn chân đúng cách, nhất là trong mùa lạnh có ý nghĩa rất quan trọng.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hoàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 cho biết, một trong những cách chăm sóc bàn chân tốt nhất là mát xa, bấm huyệt và ngâm chân trị liệu. Việc làm này đặc biệt có lợi với những người phải đứng nhiều, đi giày cao gót, mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giãn mạch mãn tính, xơ vữa mạch máu, mắc bệnh xương khớp…

Theo bác sĩ Hoàng, bằng những cách đơn giản nhất như mát xa chân với tinh dầu, ngâm chân với thảo dược sẽ giúp cải thiện lưu thông tuần hoàn tại chỗ, có tác dụng rõ rệt đến các bệnh thoái hóa khớp bàn chân và ngón chân, viêm cân gan chân, bệnh thần kinh ngoại biên...

Đặc biệt, một số nghiên cứu cho thấy mát xa chân giúp cải thiện giấc ngủ, đặc biệt là ở người bệnh nặng, parkinson, giảm đáng kể tình trạng lo âu…

Mát xa chân mùa lạnh là việc nên làm để bảo vệ sức khỏe toàn thần. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Hoàng hướng dẫn các bước mát xa chân như sau:

+ Vuốt xuôi từ bắp chân đến các ngón để tăng cường máu động mạch đến.

+ Vuốt ngược từ các ngón về mắt cá, bụng chân để tăng cường hồi lưu máu tĩnh mạch.

+ Mát xa theo vòng tròn tại lòng bàn chân, bụng chân để cải thiện vi tuần hoàn tại chỗ, giãn gân cơ.

+ Nếu muốn tự bấm huyệt trị bệnh, cần được hướng dẫn cụ thể từ nhân viên y tế để chọn huyệt phù hợp với cơ địa và bệnh lý.

Dù mát xa chân mang lại nhiều tác dụng với cơ thể, nhưng để đạt được hiệu quả cũng cần chăm sóc bàn chân khoa học và đúng cách. Bác sĩ Trần Hoàng hướng dẫn như sau:

- Vệ sinh chân hằng ngày: Cắt móng chân gọn gàng, không lấy khóe móng, giữ khô ráo bàn chân, đặc biệt là kẽ ngón. Nếu da khô, nứt nẻ cần bôi kem dưỡng ẩm.

- Đi giày vừa chân, bít tất thoáng khí; hạn chế mang giày cao gót.

Ngâm chân cũng phải thực hiện đúng nguyên tắc để không ảnh hưởng đến sức khỏe và đạt hiệu quả cao. Ảnh minh họa.

- Nếu muốn ngâm chân, cần được hướng dẫn kĩ bởi nhân viên y tế, đặc biệt là người có bệnh đái tháo đường. Các nguyên tắc cơ bản bao gồm:

+ Không ngâm nước quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu được cần chọn bồn ngâm có báo nhiệt độ nước;

+ Không ngâm với quá nhiều gừng, tỏi, muối... do có thể làm khô da hoặc bỏng;

+ Không ngâm quá lâu, trung bình 10-15phút/ngày hoặc cách ngày.

+ Chống chỉ định với người đang bị viêm nhiễm, lở loét vùng bàn chân, phù nề bàn chân.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất