Bi kịch ô sin Việt ở nước ngoài: Làm quần quật 18 tiếng/ngày, không có 1 bữa no
Làm việc quần quật từ sáng sớm đến quá nửa đêm, ăn không đủ no, thậm chí bị tịch thu giấy tờ... nhiều người sang làm giúp việc ở Ả Rập Saudi đã tan tành giấc mơ đổi đời khi chủ nhà quá cay nghiệt và đối xử tệ bạc.
23:31 18/10/2024
Mang theo ước mơ và mong muốn đổi đời, nhiều phụ nữ Việt Nam thông qua các công ty môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) để sang Trung Đông làm giúp việc gia đình. Đến với xứ nắng gió, văn hóa, tôn giáo khác biệt, cách ăn uống, ẩm thực, thói quen sinh hoạt không hề giống Việt Nam, nhiều người trở về mang theo những giấc mơ tan nát, để lại bi kịch trong lòng khó nguôi ngoai.
Từng có thời gian, Dubai nổi lên như một miền đất hứa mà nhiều lao động, trong đó có người Việt Nam, muốn tìm đến để kiếm tiền tỷ dù chỉ với công việc làm ô sin giúp việc nhà. Thế nhưng, đời không như là mơ, cuộc sống nơi đất khách quê người không hề dễ dàng, thậm chí có nhiều trường hợp "một đi không trở lại". Ấy vậy mà vì miếng cơm manh áo, nhiều người vẫn quyết định lên đường đi xuất khẩu lao động ở Trung Đông và điểm đến phổ biến hiện tại là Ả Rập Saudi.
Năm 2018, kênh truyền hình Al Jazeera đã có cuộc phỏng vấn với những người phụ nữ từng đi giúp việc ở Trung Đông. Họ kể về những ngày phải làm việc quá sức, bị lạm dụng nơi xứ người.
Những từ ngữ chị D. học trước khi đi xuất khẩu lao động.
Mỗi ngày ăn một bữa
Pham Thi D. sống trong một căn nhà tuềnh toàng cùng với đứa con gái 7 tuổi tên là H.A cách xa thị trấn ở Hòa Bình. Chị D. từng là người giúp việc gia đình ở Ả Rập Saudi trong 7 tháng. Tới tháng 4/2018, chị trở về Việt Nam sau thời gian lao động ở xứ người.
"Tôi làm việc từ 5h sáng đến 1h đêm và được phép ăn một lần lúc 1h chiều", chị D. kể với phóng viên về cuộc sống làm giúp việc gia đình ở Yanbu, Ả Rập Saudi.
Chị D. nhớ lại, ngày nào cũng vậy, đồ ăn chỉ có một lát thịt cừu và một đĩa cơm. "Sau gần 2 tháng, tôi như người điên loạn", chị D. nhớ lại những ngày cơ cực tại xứ sa mạc đầy nắng gió.
Số lượng người lao động làm việc tại Ả Rập Saudi chiếm tỷ lệ nhỏ so với người Philippines, Indonesia và Sri Lanka. Một số người cho biết họ bị ngược đãi và phải bỏ trốn.
"Tôi hiểu với vai trò là người giúp việc phải làm quen với điều kiện làm việc vất vả. Chúng tôi không đòi hỏi nhiều, không bị bỏ đói, không bị đánh đập và ăn 3 bữa/ngày. Nếu được vậy, chúng tôi không cầu xin giải cứu làm gì", chị D. chia sẻ.
Còn Trinh Thi L. (sống ở Hà Nam) sang Ả Rập Saudi làm việc cho một gia đình ở Riyadh. Trước khi nhận việc, cô chưa bao giờ ra nước ngoài và thông tin về Ả Rập Saudi mà L. có được là rất ít ỏi.
"Tôi được hứa trả mức lương 388 USD/tháng mà không phải trả bất cứ khoản phí nào cho quá trình tuyển dụng", chị L. chia sẻ qua điện thoại.
Nghe được trả mức lương như vậy, L. rất hào hứng. Gia đình L. khá nghèo, mức lương 388 USD/tháng làm giúp việc gia đình nơi xứ người nhiều hơn những gì gia đình kiếm được trong 2 vụ lúa.
L. từng tiếp xúc với những chị em phụ nữ khác làm việc ở Ả Rập Saudi. Người trẻ nhất 28 tuổi, người lớn tuổi nhất đã 47 tuổi. Họ hầu hết là nông dân sống ở nông thôn.
"Ngay khi tôi đặt chân đến sân bay Riyadh, họ (nhân viên công ty Ả Rập Saudi chuyên cung cấp ô sin) đưa tôi với hơn 100 người khác vào cùng một căn phòng. Sau đó, chủ nhà đến đón. Anh ta cầm hộ chiếu và hợp đồng lao động của tôi", chị L. nhớ lại giây phút mới đặt chân sang đất khách quê người.
Không có băng vệ sinh sử dụng
Cũng có hoàn cảnh như D., L. chỉ được ăn một bữa mỗi ngày và làm việc tới 18 tiếng. L. yêu cầu được chuyển đến một gia đình khác - đây là quyền của người lao động nhưng nhân viên công ty môi giới ở Việt Nam đã đe dọa.
Người phụ nữ này tuyệt thực trong 3 ngày cho đến khi chủ nhà đồng ý đưa cô trở lại chỗ của công ty cung cấp ô sin tại Ả Rập Saudi. "Người chủ của tôi nói đã chi khoảng 6100 USD (138,5 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) để đưa tôi về nên anh ta muốn tôi ở lại, nhưng không thể sống ở đó. Sau đó một tuần, họ trả tôi về cho bên môi giới", L. chia sẻ.
Tưởng rằng bi kịch chỉ dừng lại ở đó, vậy mà chủ thứ hai của L. còn đối xử tệ hơn rất nhiều. Ngay ngày đầu tiên đến nhà, một người phụ nữ trong nhà đã lục tung vali của L. mà không hề xin phép, sau đó tịch thu hộ chiếu của L. rồi nhốt cô trong phòng.
"Cô ta để tất cả vali của tôi vào kho có khóa, không cho dùng điện thoại. Tôi thậm chí không có băng vệ sinh, phải rửa chân, massage cho họ", L. nhớ lại những ngày cơ cực.
Chỉ sau 3 tháng, sống trong cảnh như vậy, L. sút từ 74kg xuống còn 53kg. "Tôi thất vọng, hoảng loạn, thường xuyên mất ngủ, điều duy nhất tôi có thể làm là khóc", L. kể lại.
Trong bài viết xuất bản năm 2018, phóng viên Al Jazeera còn trích dẫn câu chuyện của chị T. (vợ anh Bui Van S.). Lúc đó, chị T đang làm việc tại Riyadh, Ả Rập Saudi.
Thời điểm đó, anh S. kể vợ bị đánh đập, bỏ đói. Công ty môi giới XKLĐ yêu cầu anh phải hoàn trả 2.155 USD. Tuy nhiên, họ không cung cấp giấy tờ, văn bản. Thậm chí, chị T. còn bị tịch thu điện thoại. Vợ chồng anh S. chỉ có thể nói chuyện 2-3 tuần/lần khi chủ nhà cho phép.
Năm 2018, anh S. xoay xở được 2.155 USD. Tuy nhiên, phía môi giới yêu cầu số tiền gấp đôi. Anh S. phải lặn lội từ Tây Ninh ra Hà Nội để gặp phía môi giới nhưng bị từ chối.
"Tôi chỉ muốn cô ấy quay về. Chúng tôi không lường lại vất vả như thế này. Bạn cứ xem mức lương 388 USD cho 18-20 tiếng làm việc, ít hơn nhiều so với những gì cô ấy được trả khi làm giúp việc ở Việt Nam". anh S. chia sẻ hồi năm 2018.
Phóng viên đài Al Jazeera đã gửi câu hỏi phỏng vấn tới Bộ Lao Động Ả Rập Saudi lúc bài báo được xuất bản năm 2018 nhưng không có hồi âm. Trong khi đó, đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Hà Nội cho biết không thể đưa ra quan điểm nào về vấn đề này.
Về vấn đề này, trong bài báo xuất bản hồi năm 2018, bà Nguyễn Thị Mai Thủy điều phối viên dự án quốc gia cho chương trình Tam giác ASEAN tại Văn phòng của tổ Chức Lao động Quốc tế ở Việt Nam (ILO), cho biết, môi trường làm giúp việc gia đình hạn chế giao tiếp bên ngoài.
"Những gì xảy ra bên trong (nhà) vẫn là bên trong. Khó để người lao động chứng minh bị ngược đãi, làm việc quá sức, bị đánh đập, thậm chí bị tấn công tình dục", bà Thủy nói.
Người lao động giúp việc gia đình vào Ả Rập Saudi theo hệ thống bảo trợ hay kafala (một hệ thống được sử dụng để giám sát lao động nhập cư, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng và nội địa ở các quốc gia Bahrain, Kuwait, Lebanon, Qatar, Oman, Saudi Arabia và UAE) - cấm họ đổi công việc hoặc rời khỏi nước này mà không có sự chấp thuận của người bảo lãnh.
UAE, Oman, Kuwait, Qatar và Lebanon cũng ràng buộc tình trạng thị thực của người lao động với người sử dụng lao động, khiến họ dễ bị tổn thương và phụ thuộc vào gia đình bản xứ.
Ở những quốc gia này, người lao động cố gắng trốn khỏi chủ lao động ngược đãi sẽ bị trừng phạt vì tội “bỏ trốn”, với các hình phạt tù, phạt tiền và trục xuất.
Lao động giúp việc gia đình Việt Nam thường được tuyển dụng bởi một công ty môi giới Việt Nam. Công ty chuẩn bị cho những phụ nữ này về ngôn ngữ và nghiệp vụ trước khi giới thiệu họ với các công ty tuyển dụng của Ả Rập Xê Út.
Bà Thủy, điều phối viên ILO, cho biết: Hệ thống nhiều lớp này có nghĩa là người lao động dễ bị lạm dụng ở mọi thời điểm. Bỏ hợp đồng lao động sẽ bị phạt rất nặng, cộng với giá vé trở về Việt Nam, nếu người lao động không thể chứng minh được sự lạm dụng dưới tay người sử dụng lao động của họ.
Chuyến bay cắt đứt giấc mơ của những người nhập cư Mỹ
Những người nhập cư phạm tội ở Mỹ sẽ phải hồi hương trên chuyến bay do cơ quan di trú Mỹ thuê.