Việt kiều Mỹ nhớ về 'huyền thoại' lược dày chải chấy và cục than đánh răng

Tôi đi Mỹ năm 2000, cuộc sống đổi thay nhiều, không khó trần ai như những năm đầu thập niên 80 nhưng vẫn nhớ ngày rách áo, đói lòng, mỗi sáng đứng trước hàng xôi, bánh mì, cứ mơ mua mấy chục ổ bánh về ăn cho đã.

10:03 03/01/2023

Gia đình tác giả chụp ở Dốc Lết vào mùa hè 1985 /// NVCC

Thiếu ăn thiếu mặc, cục than cũng thành kem đánh răng

Tôi sinh năm 1981, nên đã đi qua (một cách vô thức) những năm tháng tem phiếu. Hầu như nhà nào ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) cũng thiếu ăn thiếu mặc, cơm độn bo bo, khoai lang, khoai mì, ăn kèm với mắm.

ó giai đoạn ba đi buôn mủ cao su về chất đống trong nhà chờ đem bán. Trời ơi, nó hôi khủng khiếp, nghĩ lại còn sợ tới giờ. Ba kể những năm tháng đó khốn khó. Thỉnh thoảng, ba má lén nuôi một hai con heo lấy thịt. Ở quê mà, bà con hàng xóm tối lửa tắt đèn đều hú hí gọi nhau, nên chẳng ai đi thưa báo làm gì cho mệt. Tranh thủ canh thừa cá cặn, nước cơm dư gì cũng để dành ngay ang nước, mỗi chiều xách xô qua xin về, trộn với rau và cám cho heo ăn. Tới lúc lớn, mổ thịt, chia hàng xóm ăn lấy thảo.

Kem đánh răng là mặt hàng hiếm hoi không kém. Quê mà, hàng hóa đâu có nhiều, với lại chẳng có rủng rỉnh tiền để mua. Thế là xài mấy tuýp kem màu vàng vẽ bùa vằn vện, đắng kinh hồn. Khi nhỏ cứ ngậm nước, lấy tay chà chà vài lần cho sạch rồi… thôi. Còn không thì nghe lời ba má, mỗi sáng, lấy cục than cà vô thành giếng, cầm bàn chải mòn tới cán, quẹt một cái để đánh răng cho sạch. Nhe ra, đen thui như mấy bà già nhuộm răng đều như hột bắp thường thấy trên tivi đen trắng. Lớn lên răng cỏ gì cũng hư hết trơn, phải đi trám tùm lum. Ơn trời, bọn tôi không mắc chứng miệng hôi hay sún răng, chỉ có điều răng không trắng bóng.

Nhớ nhất những lần vào Hòn Chồng thăm nội trên chiếc xe đề nôn chạy bằng than nóng hầm hập. Ba tôi thích ngồi trước để ngắm cảnh mây trời và ít bị ói. Nhưng cao xanh ơi, nó cứ như cái hầm sauna (phòng xông hơi khô) bây giờ. Mỗi lần lên cao đèo dốc, xe chạy không nổi, thở phì phò phun khói đen đầy trời như con trâu cày hết sức.

Thế là cả đám thanh niên trai tráng phải nhảy xuống hò dô ta lấy sức đẩy lên, trong khi anh phụ xe cầm cây sắt chọt vô lò cho than nó đượm để xe có... sức mà chạy. Chặng đường còn ngắn, xe không chịu chạy, bà con phải đi xe ngựa phi nước đại. Không thì ngồi lên mấy chiếc xe lam tanh rình mùi cá, hôi heo, đông đen người lẫn sọt giỏ mà từ trong ra ngoài, từ mui xuống gầm chỗ nào cũng đầy hàng hóa.

Việt kiều Mỹ nhớ về 'huyền thoại' lược dày chải chấy và cục than đánh răng - ảnh 3

Làng tôi có nhà máy xay lúa, gọi là hợp tác xã xay xát, đông vui như hội, giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn người trẻ tuổi và kiêm luôn việc mối mai, dựng vợ gả chồng. Tới mùa, mọi người thu hoạch lúa, phơi ngoài sân cho khô, rồi bỏ bao, chất lên xe cải tiến, ngùn ngụt chở tới, xay ra gạo, trấu phun thành núi. Bà con nhào tới hốt vô bao đem về chụm thay củi.

Có thể nói cái lò trấu là phát minh vĩ đại của người Việt. Nó cao nửa thước, trên là ba ông lò, dưới có lỗ để thoát hơi. Lèn đầy trấu vô, mồi lửa, lấy ống kê mỏ thổi phù phù cho bén. Nhiều khi lửa hừng không thấy, mà toàn khói túa ra, hụt hơi, ho sù sụ. Hết lò trấu tới bếp củi, rồi chuyển qua than, rồi than tổ ong. Tiến bộ nhất là cái lò xô đốt bằng dầu lửa với tim đèn, khi cháy khói không, mùi hôi thì thôi rồi, người ngợm gì cũng thấm đẫm.

Tags:
Lý Nhã Kỳ: Tôi không thích lấy chồng Tây, sống chết phải lấy chồng Việt

Lý Nhã Kỳ: Tôi không thích lấy chồng Tây, sống chết phải lấy chồng Việt

"Tôi băn khoăn không biết yêu người ngoại quốc thì nói chuyện kiểu gì, ăn uống ra sao" – Lý Nhã Kỳ nói.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất