Thịt bò đắt gấp đôi nhưng liệu có tốt hơn thịt lợn: Hóa ra bao năm nay mọi người vẫn nhầm to
Thịt bò và thịt lợn đều là những thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.
12:43 23/10/2023
Đây cũng là hai loại thịt hay được sử dụng hàng ngày. Thậm chí có nhiều người, nhiều gia đình bữa cơm nào cũng phải có thịt, không thịt thì không vui. Có những gia đình thì hay dùng thịt lợn nhưng cũng có những nhà thì thịt bò trở thành thứ không thể thiếu.
Như bao gia đình khác, nhà mình cũng hay mua thịt lợn với thịt bò về để ăn nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Đồng thời, nhà mình cũng hay dùng xen kẽ thịt bò với thịt lợn để thay đổi bữa ăn, giúp mọi người trong nhà không bị chán. Nhưng có một điều mà mình cứ thắc mắc mãi rằng là không biết giữa hai loại thịt này, loại nào thì tốt cho sức khỏe hơn nhỉ.
Hồi trước, mình cứ nghĩ là thịt bò xịn hơn, tốt hơn vì nó đắt hơn mà. Các cụ cũng bảo rồi ‘đắt xắt ra miếng’. Tuy nhiên, sự thật có phải thế không thì mình không rõ vì dạo này hay đọc được mấy bài nói về thực phẩm giá rẻ nhưng giá trị dinh dưỡng cao. Với lại, bản thân thịt lợn cũng có giá trị riêng mà.
Mình thắc mắc về điều này lâu lắm luôn rồi ấy, mà không biết phải hỏi ai. Nay đọc báo thấy có bài chia sẻ về vấn đề này rồi các mẹ. Mình chia sẻ toàn bộ nội dung tìm hiểu được ở bên dưới nha các mẹ. Không biết có ai tò mò không chứ mình thì tò mò về vấn đề này lắm luôn.
Thịt bò thường có giá thành cao hơn thịt lợn. Ảnh minh họa, nguồn: Eva
So sánh giá trị dinh dưỡng của thịt lợn và thịt bò
Một bài viết được đăng tải trên báo Mỹ SFGate.com (báo San Francisco Gate) đã chia sẻ về vấn đề thịt lợn hay thịt bò dinh dưỡng hơn. Để đưa ra kết luận thịt nào tốt, người ta đi sâu vào từng nhóm chất. Cụ thể:
+ Calo:
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt lợn có chứa nhiều calo hơn thịt bò. Một khẩu phần thịt lợn 85gr cung cấp khoảng 215 – 250 calo. Trong khi đó, cùng khẩu phần này thì ở thịt bò chỉ có khoảng 175 calo mà thôi.
Do vậy, nếu bạn đang trong quá trình ăn kiêng, hạn chế calo thì thịt bò nạc là lựa chọn thích hợp.
+ Protein:
Cũng như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật khác, thịt bò và thịt lợn đều là những thứ rất giàu protein.
Cụ thể, trong 28g thịt bò có chứa 7,5-9g protein, còn với thịt lợn thì con số này là 8g/28g protein. Một người bình thường cần 20 – 30g protein là đủ. Vì thế, bạn có thể dễ dàng đáp ứng được nhu cầu protein hàng ngày khi ăn ít nhất 85g thịt lợn hoặc thịt bò.
Việc nạp đủ protein giúp chúng ta ít cảm thấy đói hơn. Đồng thời, nó còn có tác dụng cải thiện quá trình trao đổi chất. Hơn nữa, protein từ động vật còn có tác dụng cung cấp tấp cả các axit amin cần thiết cho cơ thể. Nhờ vậy mà sức khỏe được cải thiện, quá trình tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng… của cơ thể được kiện toàn.
Vì lượng protein không chênh nhau là bao nên nếu bạn cần chế độ ăn nhiều protein thì lựa chọn thịt bò hay thịt lợn đều không có quá nhiều sự khác biệt.
+ Chất béo:
Trong 85g thịt bò nạc xay thì có tới 9g chất béo. Mỗi miếng bò bít tết khoảng 8g thì chứa chất béo trong khẩu phần ăn tương tự. Với thịt bò xay không thường (không phải nạc) thì lượng chất béo còn nhiều hơn.
Đối với thịt lợn, đây là loại thịt có lượng chất béo vượt trội hơn hẳn. Trong 85g sườn lợn đã chứa 13g chất béo, còn lượng chất béo trong thịt lợn xay là 17g với cùng khẩu phần.
Vì vậy, nếu bạn đang cần ăn theo chế độ ít chất béo, hãy dùng thịt bò nạc.
Thịt lợn và thịt bò có những ưu điểm riêng. Ảnh minh họa, nguồn: Báo Thanh Tra
+ Sắt và kẽm:
Đây là hai khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Sắt tham gia trực tiếp vào quá trình tạo máu và duy trì hệ miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, nó cũng đảm bảo sự phát triển toàn vẹn của cơ bắp và tế bào. Trong khi đó, kẽm có tác dụng thúc đẩy sự tăng trường chiều cao và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Với một người trưởng thành khỏe mạnh thì cần từ 8 – 18miligam sắt và 8 – 11miligam kẽm/ngày.
Trong thịt bò và thịt lợn đều có chứa những khoáng chất này. Tuy nhiên, hàm lượng của mỗi loại thì lại khác nhau. Ở cùng khẩu phần là 85g, thịt bò có chứa 16 – 2,3miligam sắt và 4,6 – 5,4 miligam kẽm. Con số này ở trong thịt lợn lần lượt là 0,7 – 1,1 miligam sắt và 2,6 – 2,7 miligam kẽm.
Do đó, nếu bạn đang cần chế độ ăn bổ sung sắt và kẽm thì nên ưu tiên lựa chọn thịt bò.
Tùy vào mục đích sử dụng mà chúng ta có sự lựa chọn thích hợp. Tuy nhiên, đâu là những phần thịt bò, thịt lợn được các chuyên gia dinh dưỡng ưu ái?
Theo đó, có 6 loại thịt bò được các chuyên gia khuyên nên dùng là: gân bò, bắp chân sau, gân chân sau, bắp chân trước, gân chân trước và thăn bò. Lý do những phần này được lựa chọn là vì chúng có chỉ số về năng lượng và lượng mỡ tốt nhất. Đồng thời, đây cũng là những phần có khả năng bổ sung lượng sắt số 1 cho sức khỏe.
Trong khi đó, chỉ có một loại thịt lợn được xếp trong danh sách này là thịt lợn nạc. Phần thịt này có hàm lượng mỡ dưới 10%, nghĩa là nhìn về mặt cảm quan bên ngoài chúng ta hầu như không thấy mỡ. Chẳng hạn như thịt thăn đáp ứng được yêu cầu này.
Các chuyên gia dinh dưỡng nói rằng, phần thịt lợn nạc cũng có chứa protein và sắt tương tự như 6 loại thịt bò trên. Trong khi đó, hàm lượng vitamin B1 lại gấp 9 – 18 lần. Nếu ăn 50g thịt lợn nạc/ngày là có thể đáp ứng 22,5% nhu cầu vitamin B1 hàng ngày của con người.
Thịt lợn có hàm lượng vitamin B1 cao. Ảnh minh họa, nguồn: TN
Vậy những phần nào không nên ăn nhiều?
Các chuyên gia dinh dưỡng nói rằng: Phần thịt ức, vai, sườn của bò và phần thịt sườn, chân giò sau, bụng (thịt ba chỉ), thịt lưng của lợn không nên ăn nhiều.
Lý do là vì những phần này có chứa nhiều năng lượng và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Việc hấp thụ quá nhiều axit bão hòa không tốt cho sức khỏe tim mạch. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo: Mọi người nên hạn chế ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa.
Thịt bò và thịt lợn đều có những ưu điểm riêng nhưng không phải thích hợp với tất cả mọi người. Vậy ai không nên ăn?
+ Đối với thịt bò:
Người bị bệnh da liễu không nên ăn vì cơ thể sẽ sản sinh ra những phản ứng bất lợi. Nguyên nhân là vì thịt bò thuộc dạng nóng nên nó sẽ khiến bệnh nhân da liễu bị ngứa ngáy, nóng ran. Đặc biệt, người bị thủy đậu mà ăn thì còn nguy hiểm hơn nữa.
Người mới cắt ruột thừa cũng không nên ăn vì lúc này hệ tiêu hóa đang rất yếu. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng những thực phẩm mềm, lỏng và dễ tiêu như cháo loãng, súp, súp loãng. Còn thịt bò, tuy là giàu sắt nhưng lại cần rất nhiều thời gian để tiêu hóa. Do đó, nếu bạn ăn vào lúc này có thể phải đối mặt với nguy cơ hại hệ tiêu hóa.
Người bị viêm khớp cũng không nên ăn thịt bò. Bởi, trong quá trình tiêu hóa, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều axit. Các axit này cần canxi để trung hòa lại. Nếu cơ thể không có đủ canxi cần thiết, nó sẽ rút bớt canxi có sẵn trong hệ thống xương để thực hiện quá trình này. Trong khi đó, những người bị viêm khớp thì xương vốn đã yếu, canxi cũng chẳng phải dư thừa. Do đó, nó ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cơ xương.
Người bị sỏi thận cũng nên tránh xa. Bởi, thịt bò có nhiều protein khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên. Từ đó, dễ hình thành các loại sỏi.
Người bị cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cũng không thích hợp dùng thịt bò. Bởi, thực phẩm này có chứa nhiều đạm và chất béo bão hòa nên có thể khiến bệnh tình ngày một nặng hơn.
Không phải ai cũng thích hợp ăn thịt bò. Ảnh minh họa, nguồn: VNN
Còn với thịt lợn thì sao? Thịt lợn là loại thực phẩm thông dụng có mặt trong bữa cơm của hầu hết gia đình Việt hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng nó hàng ngày. Cụ thể:
Người bị thừa cân, béo phì không nên ăn thịt lợn vì đây là nhóm người cần tuân thủ đúng chế độ dinh dưỡng, kiểm soát cân nặng của cơ thể. Có như vậy thì mới đảm bảo sức khỏe được. Trong khi đó, thịt lợn có chứa nhiều chất béo nên nếu ăn sẽ khiến tình trạng thêm nghiêm trọng.
Người bị sỏi thận cũng nên hạn chế. Bởi, tương tự như thịt bò, thịt lợn cũng là thực phẩm có hàm lượng protein cao. Việc nạp nhiều protein vào cơ thể sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên. Điều này vô cùng bất lợi với những người đang điều trị sỏi thận.
Người bị bệnh gout cũng cần hạn chế thịt lợn. Theo TS. BS Nguyễn văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho hay: Người bị bệnh gout cần giảm tổng hợp axit uric, đồng thời tăng quá trình đào thải chất này qua thận. Do đó, chế độ ăn hạn chế thịt lợn rất tốt cho khả năng hồi phục. Mỗi tuần, người bệnh chỉ nên ăn 2 – 3 lần và không quá 100g/lần.
Người bị cao huyết áp, tim mạch cũng không thích hợp với thịt lợn. Vì nó rất nhiều protein và chất béo. Khi đi vào cơ thể sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa, làm tăng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, co mạch máu. Cuối cùng là làm tăng huyết áp.
Người bị mỡ máu: Đây là căn bệnh nguy hiểm mà rất nhiều người hiện nay mắc phải. Để kiểm soát tình trạng này, mọi người cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng. Trong đó, thịt lợn có chứa nhiều chất béo, dễ làm tăng cholesterol trong cơ thể, nhất là những loại được chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích…
Trên đây là những lưu ý mà mình tổng hợp được trên báo ấy các mẹ. Nói chung là chọn thịt bò hay thịt lợn cho bữa ăn hàng ngày thì còn tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân bạn. Không phải cứ thịt bò thì xịn hơn, tốt hơn thịt lợn. Bởi, thịt lợn vẫn có những giá trị dinh dưỡng riêng.
Tuy nhiên, khi ăn thì bạn cũng cần phải lưu ý. Vì thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt bò, thịt lợn không thích hợp để ăn nhiều. Với lại, nó có thể gây hại cho một số đối tượng cụ thể. Vì thế, trước khi ăn, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để có sự lựa chọn thích hợp nhé.
Chỉ cần cho một cuộn giấy vào tủ lạnh, chị em đỡ tốn sức lẫn thời gian dọn dẹp
Từ khi có tủ lạnh, mọi người thỏa thích mua thực phẩm về và cho vào bảo quản nhiều ngày, chẳng lo tình trạng hư hỏng.