Tâm sự của người Việt sống ở Mỹ: Sống ở Mỹ phải biết tiết kiệm, khôn ngoan và triệt để kìm chế những ham muốn
Sang Mỹ từ năm 8 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, tôi đã lấy chồng và có bốn con cùng một đống nợ nần.
02:39 28/11/2024
Dưới đây là tâm sự của một độc giả:
Sang Mỹ từ năm 8 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, tôi đã lấy chồng và có bốn con cùng một đống nợ nần.
“Tôi xin gửi vài dòng đến các bạn nào muốn tham khảo thêm về cuộc sống bên Mỹ, từ một người lớn lên ở Mỹ. Xin giới thiệu, tôi rời khỏi Việt Nam khi lên 8 tuổi, nên nếu tôi viết có sai chính tả, mong mọi người tha thứ giùm. Tôi đến đây và bắt đầu vào lớp bốn ở Mỹ, tốt nghiệp phổ thông và sau cùng là đại học với bằng cử nhân.
Như những người lớn lên ở Mỹ, tôi rất phóng khoáng, ham chơi và không hề nghĩ đến tương lai khi còn ngồi ghế nhà trường. Ở Mỹ đi học rất dễ, nên ai cũng có thể ra trường như tôi. Điều đáng nói ở đây là, khi đi học, tôi thường xuyên bỏ học đi chơi với bạn bè. Đa số là do tôi chủ xị. Có những môn học, tôi chỉ vào làm bài thi thôi, còn lại là bỏ học đi chơi miệt mài. Không cần biết điểm kiểm tra của mình ra sao nữa. Có lẽ nhiều người đặt một số câu hỏi: tiền học, tiền chơi ở đâu ra? Học như vậy mà cũng ra trường được à? Thưa là tùy ngành. Tôi theo ngành rất dễ đó là business management tạm dịch là “quản trị kinh doanh”, một ngành mà với tôi ai cũng có thể nhắm mắt đi qua không cần tốn quá nhiều chất xám.
Còn tiền? Ở Mỹ khi vào đại học, nếu gia đình nghèo thì được chính phủ trợ cấp. Thường thì số tiền trợ cấp là đủ để đóng học phí và sách vở … có khi còn dư tí xíu ăn kẹo. Ngoài trợ cấp ra, chúng tôi còn có thể mượn tiền với sự bảo đảm của chính phủ. Số nợ không cần trả cho tới khi không còn đi học. Lúc đó, vì ham chơi, nên tôi đã lún nợ rất nhiều. Mang tiếng là nợ tiền học, nhưng thật ra là nợ vì “ăn chơi”. Nếu như ở một sinh viên khác, họ có thể đi làm bán thời gian thêm là đủ tiền chi phí sinh hoạt hàng tháng ở mức tối thiểu. Còn tôi, tôi đã hoang phí vào những cuộc du lịch xa gần, mua sắm quần áo đắt tiền. Nên sau khi ra trường, tôi đã vướng một số nợ mà sau 10 năm đi làm vẫn chưa trả xong.
Thật ra thì không phải đi làm 10 năm mà trả không xong, nhưng trên thực tế thì có rất nhiều thứ cần phải chi và mức lương của tôi thì không được ngon lành lắm. Cụ thể là, sau khi ra trường, tôi lập gia đình. Số nợ kia nhân đôi vì chồng tôi cũng bị nợ. Khác với tôi, anh không có thời gian đi làm thêm sau giờ học vì ngành anh theo đuổi khá nặng. Anh đành phải mượn nợ để trang trải cho việc học hành. Anh theo kiến trúc, cũng một phần đam mê, nên anh rất mãi học và hành cho bài vở. Thế nên, bây giờ thì nợ nhân hai, còn tiền lương kiến trúc ở Mỹ thì rất “bèo”. Tôi làm cũng chẳng được bao nhiêu. Đã vậy, sau khi cưới, chúng tôi lại có thêm em bé. Lại thêm phần chi phí cho em bé nào là tã, sữa, và tiền gửi con nữa. Chưa kịp trả nợ bao nhiêu, thì chi phí lại gia tăng. Chưa nói tới những lúc khó khăn như bị thất nghiệp, với lương một người đi làm không đủ đâu vào đâu cả.
Tóm lại, sau 10 năm đi làm, chồng tôi đã bỏ hẳn nghề kiến trúc vì lý do sức khỏe và cả vì tiền ít. Anh bây giờ chỉ làm thợ điện lạnh thôi, mà lương còn khá hơn kiến trúc ngày xưa. Còn tôi, sau 10 năm đi làm, bây giờ tạm ổn, nhưng mức lương không khá như bạn bè, nói vậy chứ cũng có người làm ít lương hơn tôi. Thế nhưng, bây giờ, chúng tôi lại có đến bốn mặt con. Bao nhiêu tiền lương của tôi, hầu hết là dùng vào việc nuôi con và tiền gửi con. May ra, sau các chi phí cho con, chắc tôi còn dư được 1.000 USD để phụ chi phí trong nhà. Tôi cũng xin thành thật cho các bạn biết, mức lương tôi làm hiện giờ chỉ có 45.000 USD một năm. Hàng tháng tôi đem về khoảng 3.000 USD sau khi bị trừ thuế. Trong suốt 10 đi làm, có lúc tôi làm lương cao hơn 45.000 USD nhiều, nhưng sau khi bị thất nghiệp, thì tôi đành chấp nhận số lương này.
Các chi phí hàng tháng như sau nhé:
Tâm sự của người Việt Sống ở Mỹ cùng một đống nợ nần - ảnh 2
Tiền gửi ba con: 1.500 USD
Tiền học phí một đứa đang học lớp 1 tại trường tư: 500 USD
Tiền tã: 100 USD
Tiền Sữa: 200 USD
Tiền bảo hiểm cho hai chiếc xe: 150 USD
Tiền nợ học: 400 USD
Tiền ăn: 600 USD
Tiền nhà & thuế nhà: 1.000 USD
Tiền nợ thẻ tín dụng : 500 USD
Tiền bảo hiểm nhà: 100 USD
Tiền điện & gas: 220 USD trung bình
Tiền nước & rác: 100 USD trung bình
Sơ sơ cũng hơn 5.300 USD một tháng chưa nói tới các chi phí linh tinh như vật dụng trong nhà như xà bông, giấy, gạo, muối, nước mắm, quần áo cho em bé, vì em bé lớn rất nhanh lại khó mà chuyển đồ xuống cho các em nhỏ vì ở Mỹ mùa nào mặc đồ mùa đó. Đồ mùa đông không thể cho các cháu mặc mùa hè, đành phải mua đồ mới .
Đó là chúng tôi sống khá tiết kiệm, vì học được bài học phung phí thời sinh viên cùng với có con nên biết lo hơn. Căn nhà chúng tôi cũng không to lắm (1800sq ft), ở Mỹ như vậy là tương đối hoặc còn có nét hơi nhỏ đó chứ. Tôi cũng không ở những nơi đắt giá như California hoặc miền đông bắc của nước Mỹ (Washington DC, Virginia, Massachusetts, New York ..). Tôi ở ngay Dallas, Texas, một nơi rất dễ sống cho bất kỳ người của tầng lớp nào. Ngoài ra, giá nhà khá lý tưởng cho nhiều người so với những vùng khác.
Như các bạn thấy, một đứa trẻ lớn lên ở Mỹ, lẽ ra có nhiều lợi thế hơn những người sang sau, vậy mà lại chẳng hơn được ai. Trong khi tôi biết có nhiều người sang sau, chỉ làm nail, hàng tháng lại rất khá vì họ còn tính tiết kiệm và chịu khó. Sau cùng, họ lại dư ra vài chục nghìn như chơi. Họ không cần có bằng đại học mới có nhiều tiền.
Nói chi xa xôi, anh ruột của tôi sang đây cùng lúc với tôi. Anh ấy không mắc nợ tí nào, mà giờ lại dư mấy căn nhà trả đứt hết rồi. Đơn giản là anh ấy rất biết tiết kiệm và sống khôn ngoan. Chưa nói là anh ấy không hề có mảnh bằng đại học nào cả nhé. Trong khi gia đình bé nhỏ của tôi, nhìn vô thì có nét trí thức, nhưng lại thê thảm trên vấn đề tài chính.
Tiền lương hai vợ chồng tôi chỉ vừa đủ chi tiêu thôi, không còn dư ra. Nếu một trong hai đứa thất nghiệp, là gia đình chúng tôi lại tăng nợ lên. Nhiều khi đổ lỗi cho số phận để mình chấp nhận sự long đong trong dòng đời. Tôi muốn nói thêm là thời điểm chúng tôi gặp những chi phí này hơi sớm. Nếu chúng tôi trả bớt nợ và hoản có con một thời gian thôi, thì có lẽ tình hình đã sáng sủa hơn nhiều .
Ngoài ra, chúng tôi chọn lối sống ít tiền một tí mà có thêm thời gian với gia đình và con cái. Hiện giờ chúng tôi làm 8 tiếng/ngày và chỉ 5 ngày/tuần. Nếu chúng tôi đâm đầu làm 7 ngày/tuần, thì chắc cũng giảm nợ khá nhiều rồi đấy. Mỗi sự lựa chọn là mỗi giá phải trả. Sống ở Mỹ ai cũng có thể thành công vì có nhiều cơ hội, nhưng phải biết tiết kiệm, khôn ngoan và triệt để kìm chế những ham muốn.
Đây chỉ là một điển hình của riêng tôi, vì tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ đại diện được cho một số đông người trên phương diện tài chính. Có một số bạn của tôi làm lương gấp đôi tôi vì ngành họ học là vi tính (software engineering) và cũng rất đông số khác khi ra trường không tìm được việc làm, đành phải làm nail hoặc nghề khác kiếm sống. Chỉ vì tôi thấy mình như đang nằm giữa hai tầng lớp này mới tự làm mẫu cho mọi người xem. Mong giúp mọi người có cái nhìn trung thực hơn.”
Hé lộ bí mật về cᴜộc đời thật của NSƯT Kim Tiến: Giọng đọc huyền thoại với câu “Thuê bao quý khác vừa gọi hiện không liên lạc được”
NSƯT Kim Tiến được mệnh danh là “Giọng đọc huyền thoại”, dù đã về hưu nhưng cuộc sống của bà vẫn được công chúng quan tâm.