Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người chờ đón Việt kiều về quê ăn tết
Những ngày cận Tết Quý Mão 2023, ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người chờ đón Việt kiều về ăn tết. Có nhiều gia đình dẫn theo trẻ em, đi đầy đủ các thành viên để cuộc đoàn viên thêm ý nghĩa.
17:06 14/01/2023
Chiều 13.1 (tức 22 tháng chạp), ga đến quốc tế trong sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người chờ đón người thân về ăn tết. Các hàng ghế chờ đều kín chỗ, nhiều người khác không tìm được ghế ngồi đã đứng trong nhiều giờ liền, ánh mắt luôn dõi nhìn vào phía cửa ra.
7 người đi đón 5 người
Ngồi ở hàng ghế đầu tiên, gia đình 3 thế hệ bà Đào Thị Chiên (68 tuổi, ngụ Cần Thơ) cho biết, hôm nay, cả nhà 7 người đã thuê chiếc xe 16 chỗ để lên sân bay đón người thân từ Hàn Quốc về ăn tết.
Sợ trễ giờ, cả gia đình khởi hành từ sáng sớm, lên đến sân bay là 11 giờ 30 phút, lóng ngóng mãi mới có chỗ ngồi. Nhưng vì hồi hộp do 3 năm không gặp con cháu, bà Chiên đứng vịn thanh chắn, mắt nhìn vào phía trong.
"Cháu tôi qua trước, sau đó lấy chồng, sinh con rồi nó bảo lãnh cả ba mẹ qua đó lao động. 3 năm rồi, nay cả con, cháu và chắt tôi về ăn tết. Mấy năm dịch nhà nó không về, không gặp được nhau cũng buồn, mà may có điện thoại thấy mặt cũng đỡ nhớ. 3 năm qua không có con cháu ở nhà, tết đến thì gói ghém ăn tết mà không được vui mấy. Năm nay thì vui vì có đủ mặt con cháu rồi còn gì bằng nữa", bà Chiên cười hạnh phúc.
Cũng đứng ngay thanh chắn để nhìn từng người ra rõ hơn, ông Hải (ngụ Q.3) cho hay đang chờ chị ruột từ Mỹ về. Mái tóc đã điểm bạc, mắt cũng bắt đầu đục dần. Ông tâm sự, đã 7 năm rồi ông chưa gặp chị.
Theo ông Hải, nhiều người hay nghĩ đi nước ngoài là "có tiền", nhưng gia đình ông tại Mỹ làm ăn cũng gặp một số khó khăn. Tuổi đã cao, ông Hải chờ mong ngày được gặp lại chị ruột đã từ rất lâu để xem chị thay đổi thế nào. "Về đi về chắc cũng phải từ hơn 1.000 đến 2.000 USD. Đến từng này tuổi, gặp được nhau là mừng", ông nói.
Không đâu bằng ăn tết quê hương
Vừa lấy hành lý khỏi băng chuyền, di chuyển thẳng ra ngoài, ông Cát Quốc (64 tuổi, Việt kiều Canada) "đứng hình" một hồi lâu trước dòng người ở ngoài sảnh chờ. 43 năm qua, ông Quốc định cư tại Canada, từ 14 năm trước, mỗi năm ông đều cố gắng về Việt Nam một lần.
Nhưng vì dịch Covid-19, 3 năm liền ông không về ăn tết được. "3 năm chờ đợi, rất là buồn, giờ về được mừng quá. Ở bển ngày tết cũng như ngày thường vậy thôi, đi đâu thì đi chứ cảm xúc không thể bằng quê hương của mình được", ông Quốc bày tỏ.
Trong khi đó, bà M. vừa đáp chuyến bay từ Mỹ về với chiếc xe đẩy hành lý lại đứng yên một góc, ánh mắt đượm buồn. 30 năm định cư Mỹ, dịp này hơn 10 năm bà mới về Việt Nam ngay dịp tết.
Thấy sân bay đông đúc, náo nhiệt, bà M. đứng nhìn mọi người tay bắt mặt mừng đoàn viên, khẽ mỉm cười, nhưng lại cúi đầu. "Tôi ở New York, đợt vừa rồi mới bão tuyết đó. Đợt này ba mất nên tôi về, người ta nói tết đoàn viên, nhưng tôi về đúng dịp tết, mà lòng không vui lắm vì sự mất mát này", bà tâm sự.
Vẫn nhớ tết Việt, bà M. cho hay, tại New York tết đến trong nhà có bánh chưng, bánh tét, nhưng không ai lui tới thăm hỏi, chúc tết, mọi người vẫn đi làm bình thường. Còn dịp này, vừa xuống sân bay, bà M. đã cảm nhận được ngay không khí tết ở các tiểu cảnh trang trí, ở những cuộc hội ngộ sau nhiều năm xa cách của bao người nơi phi trường...
Cậu bé 'chim cánh cụt' không tay năm xưa và đám cưới như cổ tích
Mối tình từ tuổi học trò kéo dài 5 năm của anh chàng không tay Hồ Hữu Hạnh (23 tuổi, ngụ Đồng Nai) đã kết thúc có hậu bằng một đám cưới đặc biệt, trong niềm hạnh phúc của đôi trẻ và sự chúc phúc của gia đình hai bên.