Ông chồng 13 năm đấu tranh để được đưa vợ Việt sang Mỹ
Sau cuộc chiến pháp lý dai dẳng với chính phủ, Tom Roche cuối cùng đã được phép đưa vợ người Việt tới Mỹ.
11:40 11/01/2023
Suốt hơn một thập kỷ, Bộ ngoại giao Mỹ đã coi mối quan hệ của Roches là giả mạo nhằm lách luật nhập cư và từ chối cấp thị thực nhập cảnh theo diện hôn nhân cho người vợ Việt của ông.
Tình trạng này vừa được thay đổi hồi tháng 8/2017 tại Đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, khi các quan chức chấp nhận đơn xin nhập cư gần đây nhất của hai người. Đó là lá đơn thứ tư của đôi vợ Việt chồng Mỹ này.
"Không từ nào có thể diễn tả nổi cảm xúc trên gương mặt vợ tôi khi ấy", Roche nhớ lại khi đang ngồi trong tiệm bán ôtô của mình tại South Wilkes-Barre, bang Pennsylvania, Mỹ sau chuyến đi Việt Nam. "Bạn không thể tưởng tượng được cảm giác tuyệt vời chúng tôi đã có, đặc biệt sau cuộc đấu tranh suốt 13 năm qua", ông bày tỏ.
Roche, hiện 64 tuổi, gặp người vợ 46 tuổi Trần Đỗ Thúy Hạnh trên mạng qua một người bạn chung vào năm 2004. Hai người chủ yếu liên lạc qua mạng, dù ông Roche đã về Việt Nam gặp Hạnh 7 lần, kể cả khi đám cưới năm 2009. Ông thừa nhận mối quan hệ của mình không có những lần hẹn hò lãng mạn như nhiều đôi khác nhưng tình cảm rất chân thật.
Hạnh xuất thân từ một gia đình nghèo khó tại Vũng Tàu, một thành phố biển ở miền Nam Việt Nam. Khi gặp Roche, Hạnh là cô thợ may ở quê nhưng hiện tại, cô đang là chủ một tiệm cà phê nhỏ.
Với việc được chấp nhận thị thực, cô sẽ tới Mỹ đoàn tụ cùng chồng càng sớm càng tốt. Hai người định tổ chức đám cưới lại ở Naples, Florida (Mỹ), nơi Roche có một căn nhà. Họ cũng hy vọng sẽ có một buổi lễ tại quê chồng ở Wilkes-Barre.
"Tôi thích có bữa tiệc nhỏ tại đây - không cần quà cưới, chỉ là buổi ra mắt người vợ vừa sang miền đất mới. Hầu hết bạn thân của tôi đều ở đây. Họ biết rõ câu chuyện của chúng tôi", Roche nói.
Đơn xin nhập cư cho vợ ông từng bị từ chối nhiều lần. Sau lần khước từ thứ 3, các nhân viên lãnh sự quán Mỹ nói với Roche rằng trường hợp của ông sẽ vĩnh viễn khép lại, không xem xét gì nữa.
"Các thông tin của nhân viên lãnh sự khẳng định mối quan hệ này là giả mạo, chỉ nhằm mục đích được định cư và lách luật nhập cư", lãnh sự quán Mỹ viết trong lá thư từ chối. Khi đọc những dòng này, trái tim ông Roche như vỡ vụn.
"Sao họ có thể nói mối quan hệ của chúng tôi là giả? Họ bảo không bao giờ xem xét trường hợp của tôi nữa nhưng tôi quyết không bỏ cuộc. Thành thật mà nói thì từ lúc ấy tôi càng muốn chứng minh cho họ thấy tình yêu của mình là thật và phải đưa được vợ sang đây", Roche nói.
Ông đã liên tục liên lạc với nghị sỹ đảng Cộng hòa của bang Pennsylvania là Lou Barletta và thượng nghị sĩ đại diện bang Florida là Marco Rubio. Ông cũng chia sẻ câu chuyện của mình trên trang The Citizens Voice vào tháng 2/2012. "Bằng cách nào đó, trường hợp của tôi đã được xem xét lại", Roche kể.
Lần đưa đơn cuối cùng của Roche kèm theo hàng trăm trang tư liệu về mối quan hệ của mình, bao gồm những tấm bưu thiếp, các bức thư tay, thư điện tử, đoạn ghi âm cuộc gọi và cả những cuộc trò chuyện hằng ngày giữa hai người. Roche cho rằng có lẽ câu chuyện kín một trang báo của ông trên tờ Voice năm 2012 đã có tác động lớn tới việc được chấp thuận thị thực.
Roche vẫn đang điều hành cửa hàng bán xe hơi do cha ông lập nên từ năm 1949. Ông từng là giáo viên khoa học xã hội tại trường trung học cho tới khi nghỉ việc để tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình.
Chưa từng kết hôn lần nào, Roche nói rằng ông cảm thấy như mình gặp được người tri kỷ khi được giới thiệu với Hạnh năm 2004. Tình yêu của họ ngày càng lớn lên dù cách trở về ngôn ngữ và xa nhau nửa vòng trái đất. Họ dần dần học ngôn ngữ của nhau và không gặp khó khăn gì khi giao tiếp.
Sau vài năm, Roche đã gửi tiền về hỗ trợ vợ trả viện phí cho mẹ, giúp gia đình xây lại nhà sau hai trận lũ và mua cho Hạnh một chiếc xe máy để đi khắp Việt Nam. Họ đính hôn trong một chuyến đi chơi năm 2007 và nộp đơn xin visa theo diện vợ chồng nhưng bị từ chối ngay. Sau khi cưới, họ lại nộp đơn lần nữa nhưng tiếp tục bị khước từ.
Cuối cùng, sau 13 năm và 4 lần đưa đơn, visa cho vợ của Roche đã được chấp thuận. Họ hy vọng sẽ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau trên đất Mỹ. "Tôi vô cùng phấn chấn. Tôi không thể tin nổi những nỗ lực của mình cuối cùng đã thu được trái ngọt. Tôi chỉ muốn vợ được hạnh phúc", Roche nói.
Thành đạt ở trời Âu, gia đình tôi không hối tiếc khi về nước sống
Sống ở Czech 13 năm, có nhà đẹp, cửa hàng tốt nhưng vợ chồng chị Bình quyết về nước vì muốn các con không quên nguồn cội.