Nhiều người gốc Việt ở Mỹ có thể bị trục xuất dưới thời ông Trump

Những người gốc Việt có tiền án, không giấy tờ đối mặt nguy cơ cao bị trục xuất khi ông Trump lên nắm quyền và siết kiểm soát nhập cư, luật sư cảnh báo.

14:33 29/11/2024

Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần chỉ trích người nhập cư trái phép, thậm chí gọi họ là "những kẻ tội phạm" đang tìm cách "xâm chiếm" nước Mỹ. Ông tuyên bố sẽ thực hiện đợt trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ ngay sau khi nhậm chức.

Lời cảnh báo đang dần thành hiện thực. Tổng thống đắc cử Mỹ đã chọn cựu giám đốc cơ quan Thực thi và Hải quan (ICE) Thomas Homan, quan chức có quan điểm cứng rắn trong nhập cư, làm "ông trùm biên giới" phụ trách nỗ lực trục xuất quy mô lớn. Đội ngũ cố vấn của ông Trump được cho là đang soạn các sắc lệnh để ông có thể triển khai kế hoạch trục xuất ngay trong ngày nắm quyền đầu tiên.

Ông Trump chưa nêu cụ thể các nhóm sẽ bị trục xuất, nhưng Lê Thanh Mai, luật sư nhập cư gốc Việt tại bang Michigan, cho hay chính sách này dự kiến gây tác động lớn tới cộng đồng người Việt ở Mỹ.

"Các chính sách trục xuất người nhập cư không giấy tờ, có tiền án nhắm vào người gốc Việt có thể tái xuất hiện trong nhiệm kỳ mới của ", luật sư Thanh Mai nói với VnExpress.

Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, khoảng 2,3 triệu người gốc Việt sinh sống tại nhiều bang ở nước này, tạo thành nhóm dân gốc Á lớn thứ tư, sau người gốc Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã thực hiện chính sách siết kiểm soát nhập cư. ICE đã ban hành lệnh trục xuất với khoảng 10.000 người Việt ở hàng loạt bang, hầu hết là những trường hợp đã có thẻ xanh nhưng chưa nhập tịch và có tiền án.

 

Mật độ người nhập cư gốc Việt ở Mỹ năm 2021. Đồ họa: MPI
Phân bố người nhập cư gốc Việt ở các bang Mỹ năm 2021. Đồ họa: MPI

 

ICE khi đó đã mở chiến dịch truy quét nhập cư có tiền án, bắt hơn 100 người, tạm giam họ trong nhiều tháng chờ trục xuất. Chiến dịch được thực hiện dù Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định song phương năm 2008, trong đó hai nước thống nhất những người Việt đến Mỹ trước ngày 12/7/1995, thời điểm Việt - Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao, sẽ không bị trục xuất.

Trong số 10.000 người Việt nhận lệnh trục xuất, có khoảng 8.000 người đến Mỹ trước năm 1995. Họ ban đầu không phản đối lệnh trục xuất vì tin rằng mình không thuộc diện này nhờ Hiệp định song phương năm 2008.

Chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ đầu đã đơn phương giải thích lại thỏa thuận, cho rằng những người có tiền án không thuộc diện bảo vệ theo luật nhập cư mở rộng. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khi đó là Ted Osius đã phản đối động thái này và xin từ nhiệm, rút khỏi Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cộng đồng ở nhiều nơi trên năm 2018 đã tổ chức biểu tình, lên án chính sách trục xuất này là "bất công và tàn nhẫn".

"Nhiều đến Mỹ khi còn trẻ, nỗ lực tái định cư giữa nhiều khó khăn, thiếu sự hỗ trợ, nên một số mắc sai lầm. Nhưng nhiều người trong số đó đã hướng thiện, có cuộc sống đàng hoàng, không nên tách họ khỏi gia đình, công việc", Tania Pham, luật sư nhập cư hỗ trợ 40 người Việt bị tạm giam chờ trục xuất trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nói.

Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận, chính quyền ông Trump vào cuối năm 2018 đã rút lại quyết định trục xuất nhóm người Việt trên.

Tuy nhiên, luật sư Tania cảnh báo rằng trong nhiệm kỳ hai, ông Trump có thể rút kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, đẩy nhanh tiến độ trục xuất trước khi bị các bên phản đối.

"Mức độ thực thi của các chính sách trục xuất nhắm vào người gốc Việt lần này có thể sẽ nặng tay hơn", Tania nhận định.

Stephen Miller, cố vấn hàng đầu về nhập cư của ông Trump, cho biết chính quyền Trump nhiệm kỳ hai sẽ tăng lượng người trục xuất gấp 10, lên hơn một triệu người mỗi năm. Ngày 18/11, ông Trump ám chỉ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng quân đội để trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ.

Luật sư Thanh Mai ở Michigan đồng tình với Tania, cho rằng quy mô đợt trục xuất lần này sẽ lớn hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump, dù bày tỏ hoài nghi về khả năng Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp để trục xuất người nhập cư.

Luật liên bang Mỹ không cho phép sử dụng quân đội để thực thi luật bang, trong đó có việc trục xuất, trừ vài ngoại lệ liên quan đến bạo loạn, ngoại xâm, Thanh Mai giải thích. Ông Trump từng nhiều lần tìm cách áp dụng ngoại lệ này nhưng không thành công do vấp phải trở ngại từ tòa án.

Bên cạnh việc trục xuất người nhập cư trái phép, cũng đề cập nhiều đến việc thu hút lao động chất lượng cao tới . Do vậy, chính phủ Mỹ sẽ phải dàn đều nguồn lực và thời gian để giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng cho nhóm lao động nhập cư hợp pháp này. "Khả năng cao ông Trump sẽ chỉ tăng cường hoạt động của ICE và cảnh sát, thay vì huy động quân đội tham gia chiến dịch trục xuất", nữ luật sư dự đoán.

Nhưng nhiều người gốc Việt ở Mỹ đang sống trong lo âu, thấp thỏm với chính sách ông Trump có thể thực hiện và đã liên lạc với văn phòng luật sư để nhờ tư vấn, luật sư Tania cho biết.

 

 

Sĩ quan ICE bắt một người nhập cư gốc Á ở Los Angeles năm 2017. Ảnh: Reuters
Sĩ quan ICE bắt một người nhập cư gốc Á ở Los Angeles năm 2017. Ảnh: Reuters

 

Một trong số đó là ông Hoang Nguyen, 56 tuổi, người từ Việt Nam đến hạt Orange, bang California 40 năm trước và làm việc trong ngành công nghiệp điện tử. California có cộng đồng người Việt lớn nhất tại Mỹ với hơn 700.000 người, chiếm 35% dân số người Mỹ gốc Việt ở nước này.

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, các sĩ quan ICE đã đến nhà ông Hoang, áp giải ông đến một trại giam ở Los Angeles.

"Họ thả tôi về nhà sau 4 tiếng mà không nêu lý do. Sự việc khiến tôi và gia đình căng thẳng tột độ, phải tiến hành các động thái nhằm điều chỉnh trạng thái pháp lý của tôi với chi phí gần 50.000 USD, song vẫn chưa được giải quyết", ông Hoang nói.

Luật sư Tania đã hỗ trợ ông Hoang trong quá trình kháng cáo đầu tiên năm 2017. Trước nguy cơ bị đưa vào danh sách trục xuất trong nhiệm kỳ mới của ông Trump, ông Hoang dự định tiếp tục đấu tranh pháp lý, tìm đến các công ty luật, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người gốc Việt ở Mỹ.

"Tôi rất lo lắng, sợ phải xa người thân, có thể mất việc, ảnh hưởng đến khả năng chu cấp cho con tôi học đại học, chưa kể nỗi căng thẳng liên tục trong cuộc chiến pháp lý và gánh nặng tài chính nó gây ra", ông Hoang chia sẻ.

"Tôi chỉ muốn được gần gia đình và cộng đồng trong những năm còn lại ở Mỹ. Tôi muốn làm điều đó một cách đúng đắn, bằng cách cam kết điều chỉnh lại tình trạng pháp lý của mình, để không bị coi là người nhập cư bất hợp pháp", ông nói.

Tags:
Những quy định mới nhất để nhận thẻ xanh ở Mỹ

Những quy định mới nhất để nhận thẻ xanh ở Mỹ

Các cá nhân đang hy vọng được nhận thẻ xanh (giấy phép thường trú) của Mỹ sẽ phải tăng gần gấp đôi khoản đầu tư tài chính theo những quy định mới về Chương trình đầu tư để nhận thẻ xanh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất