Người Việt làm nail ở Mỹ: Chuyện hậu trường về các 'thế lực' đối đầu nhau

Làm trong tiệm nail ở Mỹ rất phức tạp bởi tiền 'tươi' trước mắt, bà con tranh giành khách lẫn nhau, dẫn tới việc bất đồng, thù ghét. Nhiều tiệm nằm trong các khu tội phạm, sự an toàn cho thợ lẫn khách cứ... lơ lửng trên đầu.

10:58 29/12/2022

Người Việt ở Mỹ trực tiếp lẫn gián tiếp gọi nghề nail bằng đủ thứ tên: đi dũa, làm nai (đọc chệch từ nail), hay ôm chân Mỹ...

Không nghề nào bị rẻ khinh như... nghề nail

Phần lớn thợ nail thường được chủ trả bằng tiền mặt (hoặc nửa tiền mặt, nửa ngân phiếu) nên họ (và chủ tiệm) không đóng hay đóng rất ít thuế thu nhập cá nhân và phúc lợi xã hội. Bảo hiểm với họ là một điều xa lạ. Tất nhiên sau này, họ sẽ không được lãnh (hoặc lãnh rất thấp) social security (tiền hưu trí). Bị tai nạn hay bệnh tật (nhất là dị ứng với các loại hóa chất), sẽ không có bảo hiểm chữa trị và thất nghiệp sẽ không được lãnh trợ cấp.

Người Việt làm nail ở Mỹ: Chuyện hậu trường về các 'thế lực' đối đầu nhau - ảnh 1

Tiệm nào cũng thế, luôn có ba “thế lực” đối đầu chan chát nhau: chủ, thợ và khách. Hiếm khi ba thành phần này hòa hợp với nhau. Có tiệm chủ hiền thì gặp thợ trời ơi. Thợ lành thì chủ keo kiệt, tính toán từng tờ giấy lau tay. Còn không thì có khách trên trời dưới đất, ngồi làm cho đã bị chê xấu rồi xù tiền.

Nhiều người làm cho đã xong vài bữa sau tới mắng vốn, đòi… dặm lại. Lỡ cắt phạm phải da, họ làm rùm beng lên, đòi đi kiện tụng. Cách tốt nhất là thôi để họ đi. Chủ chẳng muốn mất lòng khách, làm ồn ào xấu mặt chứ chẳng được gì. Không khéo họ lên internet viết review bậy bạ, chê đủ điều, mất khách như chơi. Coi như hôm đó thợ bị xui, làm cả tiếng không công, đã vậy còn bị chủ lườm liếc.

Mệt mỏi nhất có lẽ là quan hệ giữa các chàng, các nàng thợ với nhau. Làm chung trong một không gian nhỏ hẹp, nhìn mặt nhau mỗi ngày. Kèn cựa vài bữa, không sớm thì muộn cũng này nọ, khách của chị khách của tôi rồi nói ra nói vô, mất lòng. Hai tiệm gần bên, cạnh tranh hạ giá, giành khách một hồi, sinh ra lắm chuyện. Cũng đúng, khi đồng tiền trước mắt và nỗi lo cơm áo gạo tiền ở phía sau, tự nhiên làm con người đâm ra xấu tính đi. Tình cảm, tình thương lúc này hoàn toàn vô nghĩa. 

Phần lớn người Mỹ chẳng quan tâm bạn làm nghề gì (hay có để ý khinh khi cũng thầm trong bụng chứ chẳng dám nói ra ngoài bởi sợ kiện cho hết gia tài). Nên dễ dàng thấy các cô cậu Mỹ trắng trẻ tuổi, đẹp gái đẹp trai, hay những người trưởng thành đạo mạo đi làm lao công, giúp việc, bảo vệ, bồi bàn… miễn kiếm tiền để trả tiền nhà, tiền xe, quần áo, thức ăn, không thất nghiệp bị đuổi ra đường lết lết ăn xin hay tới các trung tâm cứu trợ xin tem phiếu là được.

Với người châu Á, đặc biệt là Việt Nam, ý thức muốn làm chủ hay làm thầy ăn sâu vào trong máu. Ở đất Mỹ này phải làm bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, quản lý công ty, chứ không thì... ê mặt. Chính vì vậy mà nhiều bậc cha mẹ, cố làm sống chết, vắt cạn hết sức để hy sinh kiếm tiền nuôi con ăn học thành ông nọ bà kia, nở mặt nở mày mà chẳng cần biết con cái mình thích hay giỏi ở lĩnh vực nào. Họ chỉ mong mai sau ra đời không phải làm việc chân tay như ba má chúng.

Dù kiếm được nhiều tiền và vô cùng chân chính, nhưng không nghề nào bị nhiều người Việt nhìn bằng ánh mắt khó chịu, đôi khi có phần dè bỉu, rẻ khinh như nghề nail hết. Họ trực tiếp lẫn gián tiếp gọi bằng đủ thứ tên. Hết đi dũa, làm nai (đọc chệch từ nail), tới ôm chân Mỹ...

Sau hơn bốn mươi năm phát triển ở Mỹ, hễ nhắc tới nghề nail là người ta nghĩ tới người Việt Nam. Ngoài những tiệm nhỏ, lẻ ra, thì nail đã thành một “đế chế” với những hệ thống franchise rải khắp đất nước rộng ba múi giờ này, tới tận vùng Alaska buốt giá hay hòn đảo nhỏ to của Hawaii của tỉ phú Charlie Tôn Quý, ông chủ hệ thống Regal Nails với hơn 1.100 tiệm trên khắp nước Mỹ, trong lòng các siêu thị của gã khổng lồ Walmart. Doanh thu mỗi năm lên tới 450 triệu USD, trong tổng số 8.5 tỉ USD của ngành nail.

Người Việt làm nail ở Mỹ: Chuyện hậu trường về các 'thế lực' đối đầu nhau - ảnh 3

Có điều, phần lớn người đến Mỹ năm xưa giờ đã lớn tuổi, nghỉ hưu cả rồi. Con cháu họ học thành tài, làm bác sĩ, luật sư, cũng chẳng theo nghề nail nữa. Những người mới đến sau này cũng không nhiều. Các tiểu bang đã bắt đầu siết chặt, đi kiểm tra thường xuyên nên chủ tiệm cũng không đám thuê du học sinh hay người không có bằng cấp bởi lỡ bữa nào bị kiểm tra, phạt cho một đống tiền, thậm chí thu bằng, đóng cửa, lúc đó đói.

Chính vì thế những người làm chủ bây giờ, nhất là các tiểu bang xa xôi, o bế thợ dữ lắm.

Có lần, cô bạn từ Los Angeles, theo lời mời của một chủ tiệm tại thành phố Wausau (Wisconsin) sang làm giúp. Tiệm mới mở nhưng khách khá đông, có bữa làm không ngơi tay, chỉ kịp lua tô mì giữa trưa, rồi bắt tay làm tiếp. Cuối tháng, cô ấy khoe lương lên tới 9 ngàn đô la. Nhưng chỉ được hai tháng là phải bỏ về dù chị chủ năn nỉ hết lời, vì thành phố gì mà buồn quá. Ngày đi làm, tối về ở dưới tầng hầm, hết xem phim tới nghe cải lương, chuyển qua đánh bài tiến lên giữa mùa đông buốt giá. Mà cổ trụ hai tháng còn đỡ, vài người khác từ California nắng ấm bay qua, ở được ba ngày là lật đật kéo vali về liền, không thể ở thêm ngày nào nữa hết.

Người Việt làm nail ở Mỹ: Chuyện hậu trường về các 'thế lực' đối đầu nhau - ảnh 4

Tôi có cô bạn mới mở tiệm khá đẹp, nằm trong khu shopping sang trọng gần Columbus (Ohio). Cô bé khá trẻ, sang Mỹ từ nhỏ, nhưng nhờ kinh nghiệm cày ải bao năm và sống trong môi trường toàn người Việt không nên cũng dữ dằn lắm. Em bảo do gần thủ phủ bang nên bị kiểm tra hoài, không thể thuê mướn người lậu được.

Thợ ở đây phải có bằng. Mà ở cái chốn khỉ ho cò gáy, mùa đông lạnh kinh hồn này, tìm một người thợ lành nghề vô cùng khó. Thế là phải chiều chuộng, ưu đãi đủ người. Trả lương cao, mỗi tháng lên tới bảy, tám ngàn đô, lo chỗ ở chỗ ăn, lễ lộc cho nghỉ đầy đủ chứ họ buồn, giận, họ bỏ đi, hai mẹ con em ngồi dũa chắc gãy sống lưng. Nhưng đâu có yên. Hết người này õng ẹo, tới người khác đi sớm về trễ, rồi hạnh họe khách như chỗ không người. Tới lúc nhịn không nổi nữa thì em cho họ lên đường thôi. Con người chứ đâu phải gỗ đá mà hổng biết buồn biết giận.

Mỗi lần tới hè, mở báo địa phương ra hay lên Facebook, thấy đầy những lời rao, bán tiệm thì ít, mà tìm thêm thợ thì nhiều. Nào là bao lương 1.200 đến 1.500 đô/tuần; đảm bảo lương mỗi tháng 6.000 đô. Các tiệm ở bang xa thậm chí bao ở với ăn. Nhưng hầu như năm nào cũng thiếu thợ.

Tags:
Người Việt ở Mỹ những ngày cuối năm âm lịch: Đôi khi muốn đánh đổi tất cả...

Người Việt ở Mỹ những ngày cuối năm âm lịch: Đôi khi muốn đánh đổi tất cả...

Gần hai mươi năm miệt mài viễn xứ, hễ thấy trời lành lạnh, lên Facebook nghe chuyện mua vé về quê ăn Tết, ghé mấy chợ Việt là lòng lại rộn lên một nỗi niềm khó tả. Bỗng ước thầm được quay ngược thời gian...

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất