Người gốc Việt thành công ở nước ngoài - Kỳ 5: Hai người Việt với công nghệ blockchain
TTO - Cuối tháng 5-2018, Hội nghị BlockShow Europe 2018 (hội nghị blockchain châu Âu) được tổ chức tại Berlin (Đức) trong hai ngày.
16:29 15/01/2023
Nhân sự kiện này, hội nghị đã tổ chức cuộc thăm dò về hai hạng mục: phụ nữ và doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng hơn hết đến công nghệ blockchain châu Âu.
Mỗi hạng mục có 15 ứng viên. Doanh nghiệp được bình chọn là Công ty Bitfury của Hà Lan. Về cá nhân, hơn 2.000 người tham gia đã bình chọn TS Quy Vo-Reinhard (tên Việt Nam là Võ Cẩm Quy) - giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Truy xuất thông tin sức khỏe (HIT) ở Thụy Sĩ.
Mọi kinh nghiệm đều hữu ích
Trong bài phát biểu đón nhận danh hiệu, TS Võ Cẩm Quy nói: "Tôi tin rằng công nghệ blockchain có thể mang đến tương lai tươi sáng cho cộng đồng toàn cầu. Tôi sinh ra tại một đất nước mà cách đây 40 năm phần lớn mọi người nghĩ rằng phụ nữ thuộc về nhà bếp.
Tôi cảm thấy mình đã đi một chặng đường dài: Có mặt tại đây, phát biểu và nhận giải thưởng cho những gì tôi đã làm cho phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và cho HIT là điều không thể tưởng tượng được...".
TS Võ Cẩm Quy là thành viên đồng sáng lập và giám đốc phụ trách dữ liệu của HIT, đồng thời là diễn giả nổi tiếng. HIT ra đời vào cuối tháng 11-2017, xây dựng thị trường trực tuyến dựa vào công nghệ blockchain về dữ liệu sức khỏe cá nhân, cho phép người sử dụng và bệnh nhân theo dõi quá trình sử dụng dữ liệu và tham gia kiếm tiền từ dữ liệu sức khỏe cá nhân.
Cá nhân/bệnh nhân là người cấp quyền truy cập dữ liệu của mình theo hợp đồng xác định điều kiện sử dụng dữ liệu. Người tìm kiếm thông tin dữ liệu có thể là nhà nghiên cứu thị trường, các cơ sở trường đại học hoặc các bệnh viện.
Trước khi tham gia HIT, TS Võ Cẩm Quy từng giảng dạy tại Việt Nam (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), lấy bằng tiến sĩ y - sinh học tính toán (computational biomedicine) tại ĐH RWTH Aachen (Đức), là giảng viên cao cấp tại ĐH Concordia (Canada) và ĐH Stuttgart (Đức), lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Thương mại và luật EBS (Đức).
Sau đó, cô trở thành người đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp về phát triển enzyme với một đội ngũ trẻ ở Đức.
TS Võ Cẩm Quy cho biết mọi kinh nghiệm đều hữu ích trong sự nghiệp của cô. Cô giải thích: "Kiến thức chuyên sâu của tôi đến từ nhiều lĩnh vực, từ cơ sở dữ liệu đến học máy (machine learning), từ tính toán hiệu năng cao (HPC) đến xử lý dữ liệu. Dữ liệu lớn (big data) cũng giúp tôi nâng cao kiến thức trong cấu trúc công nghệ thông tin của blockchain".
Đam mê của cô là đưa đổi mới vào xã hội để mọi người chia sẻ lợi ích như nhau. Về kế hoạch cá nhân, cô dự định nhắm đến các mục tiêu ứng dụng blockchain cho chuỗi cung ứng trong nông nghiệp; giúp đỡ phụ nữ mà đặc biệt ở Việt Nam để thu hẹp khoảng cách giới, thay đổi nhận thức của nam giới và giúp phụ nữ nắm bắt công nghệ.
TS Võ Cẩm Quy là khách mời tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng tổ chức ở Pháp cuối tháng 3-2019 và Tuần lễ blockchain Việt Nam vào đầu tháng 3-2018.
Thúc đẩy kết nối với quê hương
Trong khuôn khổ Tuần lễ blockchain Việt Nam hồi năm ngoái, ông Mitchell Phạm (tên Việt Nam là Phạm Đăng Khoa) đánh giá cần thiết phải ứng dụng blockchain ở Việt Nam vì nhiều lý do:
- Việt Nam có nhiều nhà toán học tài năng và thế hệ trẻ ham học hỏi công nghệ mới;
- Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất;
- Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng và phát triển công nghệ, do đó triển khai blockchain dễ dàng và nhanh chóng hơn; cộng đồng blockchain Việt Nam đang phát triển với tốc độ chóng mặt, tạo cơ hội giới thiệu các sản phẩm và giải pháp dựa trên blockchain cho thị trường quốc tế.
Mitchell Phạm là người Sài Gòn, sang New Zealand định cư vào cuối tháng 8-1985 lúc 13 tuổi. Lúc bấy giờ ông phải đương đầu với nhiều thách thức, từ nền văn hóa và khí hậu khác nhau đến hệ thống giáo dục và lối sống hoàn toàn mới.
Trao đổi với tạp chí The Spinoff (New Zealand), ông cho biết: "Phải mất khoảng 10 năm tôi mới có thể thích nghi và hòa nhập hoàn toàn với New Zealand. Một khi bạn đã làm chủ bản thân và thực hiện sở thích trong nền văn hóa đặc thù, bạn đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội ấy".
Tại ĐH Auckland và ĐH Công nghệ Auckland, Mitchell Phạm có nhiều bạn, trong đó có bốn người bạn đã xoay chuyển cuộc đời ông. Năm 1993, ông cùng họ thành lập công ty đầu tiên của Tập đoàn công nghệ phần mềm Augen Software do ông làm giám đốc.
Ông tâm sự: "Chúng tôi rất đam mê và không có nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi không nhìn thấy bất kỳ thử thách nào phía trước. Đây có lẽ là phước lành bởi nếu chúng tôi biết sẽ khó khăn nhường nào, có lẽ chúng tôi đã chọn không làm như thế".
Augen Software cất cánh và phát triển thành một tập đoàn các doanh nghiệp kết nối hoạt động trong lĩnh vực công nghệ ở New Zealand, đặc biệt về đổi mới phần mềm. Mitchell Phạm đã thành lập Augen Software tại Việt Nam năm 2005 và là thành viên đồng sáng lập Trung tâm công nghệ Kiwi Connection tại TP.HCM năm 2016.
Ông giải thích: "Câu chuyện của tôi là một trong những câu chuyện về thúc đẩy các kết nối với quê hương và khả năng mang lại lợi ích cho hai quốc gia".
Ông đã nhận được giải thưởng KEA World Class New Zealand (các chủ doanh nghiệp New Zealand có tầm ảnh hưởng toàn cầu) năm 2018 và là người nhập cư đầu tiên nhận giải thưởng này do công lao đóng góp trong lĩnh vực công nghệ cho New Zealand và quan hệ giữa New Zealand với châu Á.
Năm 2011, ông đã nhận danh hiệu Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ông còn phụ trách Hiệp hội Các doanh nghiệp công nghệ New Zealand (NZTech) và Hiệp hội Các doanh nghiệp về công nghệ tài chính New Zealand (FinTechNZ)
Người Việt và Việt kiều: Giống và kɦác nhau như thế nào?
Đối với những Việt kiều sinh ra ở nước ngoài, trở về không chỉ là vượt qua khoảng cách địa lý để thực sự gắn bó với quê cha đất tổ.