Nghề nail đem lại thu nhập nhưng nuôi dưỡng ‘văn hóa tiểu nông‘

Theo quan sát của tôi, khi ở Việt Nam bạn có thể là kỹ sư, giáo viên, nhân viên văn phòng, kinh doanh, nông dân nhưng lúc qua Mỹ đều có thể làm nail. Vì đây là nghề mưu sinh nơi đất khách xem ra thích hợp với người Việt ở sự tỉ mỉ, khéo léo và tính nghệ thuật không đòi hỏi quá cao và cả không cần phải biết tiếng Anh.

14:25 19/12/2024

Thói quen ‘chợ VN’ ở các tiệm nail

Do trong tiệm nail thợ vừa làm vừa nói chuyện, các thói tiểu nông từ VN mang qua được thể hiện rất rõ. Chuyện vợ chồng nhà người ta, chuyện ai đó bị tai nạn, chuyện con cái nhà ai không ngoan, chuyện nhà bị trộm…chuyện nào cũng dễ dàng được kể đi kể lại, bàn tán, bình phẩm với nhau.

Ở tiệm nail, chuyện từ nhà ra phố được truyền đi một cách nhanh chóng. Cách nhìn hiện đại có thể thấy, mỗi tiệm nail như một tờ báo. Chỉ khác thông tin thường thiếu sự xác minh, theo kiểu nghe kể lại.

Nói một cách khác, các tiệm nail giữ cho cộng đồng tại Mỹ dù sống trong khu vực vài thành phố cạnh nhau vẫn có tính thông tin như một làng quê truyền thống của người Việt.

Tính lắm điều, nhiều chuyện trong các tiệm nail như không gian để người Việt gần gũi với thói quen không khác ở quê nhà. Nhưng không phải người phụ nữ Việt nào cũng thích điều này.

Gần nhà tôi ở Tacoma, bang Washington có chị Hân, qua Mỹ lúc gần 50 tuổi. Ngay khi đến Mỹ chị chọn cách đi làm nail như nhiều đồng hương. Làm hơn 6 tháng chị nghỉ, xin chuyển tới một công ty dù thu nhập ít hơn.

Chị Hân nói, không thể tiếp tục làm nail là vì tính người Việt với nhau. Mới vào chưa giỏi nghề bị ăn hiếp theo kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”.

Người làm lâu hơn, họ biết ai là khách sộp (tip nhiều) dùng chiêu để dành, dù người khách đó theo lượt sẽ là đến phiên mình. Đến việc chia phe, người này nói xấu những người họ không ưa. Đây cũng là những lý do phổ biến tôi nghe được từ nhiều người phải chia tay với nghề nail.

Mặt trái nữa là không ít tiệm nail của người Việt cũng là nơi thể hiện sự phân biệt chủng tộc. Sự phân biệt không giấu giếm trong người Việt về màu da nào cho tiền tip cao. Phân biệt chủng tộc công khai trên không gian mạng với tiếng Việt khi giới thiệu “tiệm khu Mỹ trắng”, thay vì nói khu khách sang để tuyển thợ. Cũng may cho họ, dân Mỹ chẳng có mấy người biết tiếng Việt.

Và con số không nhỏ người Việt vẫn tiếp tục sang Hoa Kỳ, góp phần thêm đông đảo vào lực lượng làm nail, duy trì nuôi dưỡng tiếp những định kiến, thói quen phát ngôn, suy nghĩ, hành xử “từ quê” đem sang.

Một tin quảng cáo tìm thợ. Ảnh: Vo Ngoc Anh

Nước Mỹ ‘khát’ thợ nail

Trên cả nước Mỹ đang có hơn 10 triệu việc làm cần người làm, trong đó có cả việc chờ người tại các tiệm nail.

Mấy năm đại dịch vừa qua, số hồ sơ được xét duyệt để vào Mỹ chậm lại, trong đó có người Việt, làm cho nguồn thợ nail mới trở nên ít hơn. Điều này dẫn đến nhiều tiệm nail đều trong tình trạng thiếu thợ, giữa bối cảnh người Mỹ vẫn tiêu tiền nhiều từ năm 2021 đến nay.

Trên các trang Facebook của cộng đồng người Việt ở Mỹ ngày nào cũng có tin từ các tiệm nail tuyển thợ.

Người từ Việt Nam mới qua Mỹ dễ dàng bắt đầu công việc mới với nghề làm nail. Họ có thể chọn cách học xong trong vòng 3 – 6 tháng rồi làm, hoặc chỉ ghi danh lấy giờ và họ đi làm rèn tay nghề ngay tại tiệm nail.

Cách thứ hai này không đúng luật cho cả trường dạy và chủ tiệm nail. Dù vậy, tại các thành phố có sự dễ dãi, các trường dạy nail chấp nhận điều này để có học viên và tiệm nail có người làm. Học phí để có được bằng nail không quá cao, chỉ khoảng hai nghìn USD.

Nhiều bạn trẻ gốc Việt ngày thường đi học, nhưng cuối tuần, dịp hè họ gắn với nghề nail. Đây là cách các bạn trẻ này có thêm thu nhập bằng nghề tạm thời tốt hơn so với nhiều công việc khác.

Có không ít người đã ra trường, đi làm với công việc đúng chuyên môn, cuối tuần, ngày nghỉ họ vẫn gắn với việc đi làm nail để thêm thu nhập.

Không ít bạn trẻ từ Việt Nam sang Mỹ với lý do du học, nhưng trên thực tế thời gian tại các tiệm nail của họ nhiều hơn ở trường. Các bạn này thường ở lại hợp pháp sau đó bằng cách kết hôn với người cư trú hợp pháp ở Mỹ. Và thường sau đó họ không bao giờ tốt nghiệp được trường đại học nào tại Mỹ.

Nghề nail không phải trả lương cao, nhưng nhờ có tiền tip (tiền bo) nên tổng thu nhập trong ngày không thấp, có thể nói là đồng lương hậu hĩnh.

Bên cạnh trả lương theo ngày (bao lương), tại nhiều tiểu bang còn có cách thợ chia tiền với chủ tiệm nail trên số tiền khách hàng trả cho chi phí dịch vụ họ được làm (ăn chia). Thường thợ nail lấy 60%, chủ lấy 40% từ số tiền của khách.

Nghề nail góp phần không nhỏ vào sự khấm khá của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ. Tôi có người quen đến Mỹ hơn chục năm, cả hai vợ chồng đi làm nail. Giờ họ làm chủ hai tiệm nail lớn, nắm trong tài sản hàng triệu đô. Khối tài sản mà nhiều người Mỹ mơ ước.

Người Việt đa phần vẫn chỉ chọn nghề nail

Phở là món ăn nổi tiếng nhất của người Việt ở Mỹ. Nhưng nghề phổ biến nhất của cộng đồng gốc Việt tại Mỹ thì đó là nghề làm nail. Tiệm nail có mặt ở hầu hết các khu buôn bán, trung tâm thương mại ở Mỹ.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, theo khảo sát cộng đồng người Mỹ của Cục điều tra dân số ước tính, khoảng 12% người Mỹ gốc Việt tham gia lao động trong ngành nail.

Thống kê của Hội Nghề Làm tóc và Thẩm mỹ của tiểu bang California có 80% thợ nail và thợ thẩm mỹ được cấp phép trong tiểu bang là người gốc Việt.

Còn tại Texas, trong một báo cáo được đăng trên trang website của Đại học Rice ở Houston, Texas năm 2021, con số này khoảng 76%. Các tiểu bang có đông người gốc Việt khác, số người Việt gắn với làm nail cũng không hề nhỏ.

Ở những tiểu bang có ít người Việt sinh sống hơn lại có kiểu làm gọi là làm nail xuyên bang. Theo đó, người Việt này từ tiểu bang khác đến một tiểu bang ít người Việt sinh sống để làm nail.

Làm nail xuyên bang phải chịu cảnh xa gia đình, nhưng bù lại có mức thu nhập cao hơn. Trong tất cả thợ nail có gốc gác nhập cư ở Mỹ, người Việt chiếm 74%.

Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Võ Ngọc Ánh, sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Tags:
Lấy được chồng giàu, nữ phi công VN vẫn cố sức làm lụng: ‘Tiêu tiền đàn ông Tây không dễ‘

Lấy được chồng giàu, nữ phi công VN vẫn cố sức làm lụng: ‘Tiêu tiền đàn ông Tây không dễ‘

Xinh đẹp và giỏi giang, lại có sự nghiệp phim ảnh khá vững chắc, đáng ra cô gái Nguyễn Trần Diệu Thúy (sinh năm 1989) sẽ được nhiều người biết đến hơn nếu cô chịu khó dấn thân vào showbiz hoặc đi kèm một chút chiêu trò 'đánh bóng tên tuổi'.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất