Nàng dâu Việt ở Malaysia kể chuyện đón Tết Nguyên đán: Quá nhiều sự khác biệt nhưng tựu trung là hy vọng cho năm mới
Những ngày này, khi không khí xuân tươi vui, Tết rộn ràng đang tràn ngập ở khắp mọi nơi, người người nhà nhà cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình.
11:09 30/01/2023
Ai đi xa cũng muốn trở về nhà để đón Tết thì ở một nơi chỉ cách Việt Nam hơn 1.000km, tại đất nước Malaysia, chị Trần Thị Vĩnh Hà (người gốc Hà Nội) cũng đang tất bật chuẩn bị cho mâm cơm gia đình ngày Tết, phần để vơi đi nỗi nhớ nhà, phần là muốn chu toàn theo đúng truyền thống nhà chồng.
Dù lấy chồng ngoại quốc nhưng chị Hà vẫn đón Tết cổ truyền, bởi lẽ gia đình chồng chị là người Hoa và cũng đón Tết nguyên đán vào đầu tháng 1 Âm lịch.
Đó được xem là chút may mắn cho một người con xa quê như chị. 10 năm ở gia đình nhà chồng là khoảng thời gian không hề ngắn. Chị Hà đã góp nhặt được cho mình những kiến thức nhất định đủ để chuẩn bị cho cả nhà cái Tết chu toàn, đầm ấm mà đúng theo phong tục.
Theo chị cảm nhận, Tết Nguyên đán có ý nghĩa như thế nào đối với người Hoa?
Ở Malaysia, chỉ có người Hoa đón Tết âm lịch. Từ rất lâu người Hoa đã đến định cư tại Malaysia. Họ chiếm khoảng 20% tổng dân số. Họ cũng đến từ rất nhiều tỉnh khác nhau của Trung Quốc nên phương ngữ của họ cũng khác nhau, đa số là người Phúc Kiến, Quảng Đông, Khách Gia, Triều Châu...
Không chỉ tiếng nói không giống mà phong tục tập quán cũng có điểm khác biệt. Mặc dù vậy họ vẫn giữ được nét truyền thống lâu đời. Dù có làm gì đi chăng nữa thì họ vẫn cố gắng dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ với hi vọng xua tan những điều không vui vẻ, đen đủi để đón năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc.
Ngày Tết cũng là ngày gia đình đoàn viên. Dù ai đi xa mấy, Tết cũng về đoàn tụ với gia đình. Họ sẽ ăn bữa cơm Đoàn Viên vào tối 30, ngày cuối cùng của năm.
Người Hoa ở Malaysia ăn gì vào dịp Tết Nguyên đán?
Bữa cơm ngày Tết thường có cá, tượng trưng cho cả năm được dư thừa của cải. Họ ăn món Lao Sheng (Yu Sheng). Có nước sốt chua ngọt và nhiều rau củ quả xắt sợi.
Khi cả nhà quây quần, họ sẽ ăn món Lao Sheng trước. Cả gia đình dùng đũa trộn đều các nguyên liệu vào với nhau, vừa trộn vừa kéo lên cao, miệng không ngừng nói những điều ước tốt đẹp vào năm mới: Chúc mừng năm mới, chúc phát tài, sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng...
Tết đến họ cũng hay tự làm hoặc mua món Nian Gao. Đây là món bánh truyền thống làm từ gạo nếp xay và đường. Ăn món này vào dịp Tết với ý nghĩa cầu mong cho năm mới ngày càng thăng tiến.
Gạo nếp sau khi xay thành bột nước sẽ được ép hết nước rồi trộn với đường kính, sau đó mang đi hấp 12-24 tiếng để bột nếp từ màu trắng chuyển sang màu cánh gián. Món này có thể ăn ngay sau khi hấp chín hoặc sẽ được dùng để cúng sau đó xắt miếng kẹp với khoai môn và khoai lang để chiên lên, ăn cũng rất ngon.
Nói đến Tết là nói đến những món ăn ngon truyền thống của gia đình. Đồ ăn của người Hoa rất cầu kỳ và nhiều món rất tốn thời gian, qua nhiều công đoạn. Mỗi gia đình lại có món truyền thống và hương vị riêng.
Chồng mình là người Khách Gia gốc Quảng Đông nên món Tết thường là: lỗ nhục, khâu nhục, lủ vịt, thịt quay, hải sâm hầm, chân giò dấm đen, hàu nhồi thịt, canh dạ dày bào ngư, khoai môn dẻo xào thịt...
Mỗi món lại tên gọi riêng nhưng đều rất ý nghĩa và ngon. Đương nhiên là có một vài món phải ở lâu ăn nhiều mới thấy ngon chứ ngày đầu mới ăn thì thật sự không quen. Rất nhiều món bên ngoài không có bán, cũng chỉ có dịp Tết mới có cơ hội để ăn nên nhiều người chỉ mong được về ăn Tết để được thưởng thức hương vị quê nhà.
Dịp Tết, thay vì ăn các loại bánh công nghiệp, họ cũng sẽ làm rất nhiều loại bánh truyền thống thủ công như bánh Kuih Kapit- bánh kẹp cuốn, bánh nhúng, bánh lạc, bánh ngói, bánh nhân dứa cuộn, kẹo lạc, kẹo hạnh phúc, bánh phồng tôm phồng cá... Vừa đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm rất nhiều tiền và cũng khoe được sự khéo léo đảm đang của các bà, các chị.
Người Hoa ở Malaysia thường làm gì để "lấy may" đầu năm mới?
Đêm giao thừa, vào lúc giao thời, người Hoa sẽ làm lễ đón Thần Tài. Ngày trước, để đón được thần tài họ sẽ xem lịch từ sớm để xem Thần Tài đến vào lúc nào và từ hướng nào. Rồi đúng giờ đó, hướng đó, họ làm lễ đón Thần Tài vào nhà, với hy vọng một năm thịnh vượng, phát tài phát lộc.
Ngày nay, giới trẻ thường đơn giản hóa hơn, họ thường cúng vào 12h-1h sáng và bày mâm cúng hướng ra trước cửa để lễ chứ không theo tục lệ như trước.
Vào ngày Tết, người Hoa sẽ mặc đồ sáng màu và hay thiên về màu đỏ với hy vọng một năm mới thật nhiều may mắn. Có nhiều đại gia đình sẽ mua quần áo đồng phục cùng họa tiết, hoa văn để mặc trong ngày đầu năm. Từ ông bà đến cháu chắt đều mặc cùng 1 kiểu, trông rất đáng yêu và càng thêm thắt chặt tình cảm gia đình.
Gặp nhau ngày Tết họ cũng sẽ chúc nhau năm mới bình an, nhiều tài lộc. Năm mới sẽ nói và làm những điều tốt đẹp, tránh giận dữ, khóc lóc, không đánh đổ đánh vỡ đồ để tránh đen đủi cả năm.
Nếu gia đình có con trai thì Tết đến cả nhà các con trai cùng vợ con cháu chắt đều về nhà bố mẹ để ăn Tết cùng nhau. Họ sẽ ăn chay và đi chùa cầu an vào mùng 1. Nếu con gái đi lấy chồng thì sẽ về nhà mẹ đẻ chúc Tết vào mùng 2.
Ngày Tết người Hoa cũng mừng tuổi lì xì. Nhưng họ không quan trọng về số tiền mừng trong phong bao. Theo quan niệm của họ, cho dù chỉ tặng nhau cái phong bao màu đỏ cũng là lời chúc tốt đẹp nhất rồi.
Phong tục lì xì lấy may đầu năm của người Hoa cũng khác Việt Nam ta. Với họ, chỉ những người đã lập gia đình mới được mừng tuổi cho trẻ em và những người bề dưới. Còn dù đã nhiều tuổi nhưng chưa kết hôn thì không được mừng tuổi cho người khác. Ngược lại, vẫn có thể nhận phong bao từ những người lớn tuổi như thường. Có lẽ theo quan niệm của họ lập gia đình mới là người trưởng thành. Thế nên độc thân mà ở đây thì cũng có cái lợi là năm nào cũng đc nhận lì xì cùng lời chúc sang năm hết ế (cười).
Ngày Tết, họ cũng sẽ treo đèn lồng trước cửa để chào đón năm mới. Các khu phố chính được treo rất nhiều đèn lồng. Thấy đèn lồng đỏ là thấy Tết, vô cùng có không khí.
n Tết ở nhà chồng nhiều năm rồi, vậy chị có nhớ hương vị Tết quê nhà?
Mình vốn là người Hà Nội, lấy chồng và định cư bên này đã hơn 10 năm. Gia đình chồng có cả thảy 8 anh chị em, mình lại là dâu út nên các anh chị khác đều đã lớn tuổi. Công việc chuẩn bị Tết cũng từ đó mà dần dần được mình đảm nhận.
Ngày mình mới làm dâu, cứ thấy Tết đến là lu bù dọn dẹp, nấu nướng lễ bái nên nghĩ cũng nản. Tuy nhiên, gia đình chồng mình rất nhiệt tình vui vẻ nên mình cũng nhanh chóng hòa nhập được với phong tục tập quán nơi đây.
Càng ở lâu lại càng thấy ý nghĩa sâu xa của ngày Tết. Tết là ngày mọi người gặp gỡ, tụ họp hàn huyên sau một năm dài vất vả. Đây là thời gian cho mọi người nạp lại những năng lượng tích cực để vài ngày sau lại quay về với bận rộn, lo toan. Có những người chỉ có Tết mới được gặp mặt nên mình càng trân trọng ngày lễ này hơn. Mình cũng nhớ nhà, nhớ quê nhưng không khí đầm ấm ở gia đình nhà chồng cũng giúp mình vơi đi phần nào nỗi nhớ.
Nghĩ vậy mình cũng tích cực góp sức cùng các chị em dâu khác năm nào cũng cùng chuẩn bị cho đại gia đình một cái Tết vui vẻ.
Những điều mình chia sẻ chỉ là một phần nhỏ trong lễ Tết của người Hoa tại Malaysia, mà cụ thể là tại gia đình chồng mình trong suốt hơn 10 năm mình sinh sống. Tất nhiên, còn có rất nhiều tập tục khác của họ mà mình không thể kể hết.
Nhân dịp Tết đến xuân về, mình xin gửi lời chúc mọi người một năm mới tràn đầy năng lượng và niềm vui. Chúc cho cộng đồng người Việt ở Malaysia và nhiều nơi khác trên thế giới luôn chân cứng đá mềm, làm ăn thuận buồm xuôi gió!
“Bà Nữ” Lê Giang giàu ra sao: Ở biệt thự 10 tỷ, thái độ khi Trường Giang hỏi mượn 100 triệu mới gây bất ngờ
NS Lê Giang sở hữu khối tài sản không phải dạng vừa.