Nàng dâu Việt bán phở bò ở Thụy Sĩ giá 500.000 đồng/bát, 4 năm mua vài mảnh đất

Quyết định nghỉ hưu sớm dù mức lương khi đó khoảng 200 triệu đồng/tháng, chị Trang dành thời gian làm những điều mình thích, trong đó có bán phở online. Món phở được chị nấu theo khẩu vị riêng, giá 500.000 đồng/bát.

11:38 15/11/2024

Chị Trang Lastella (SN 1985, đến từ TPHCM) sinh sống tại Geneva, Thụy Sĩ từ năm 2016. Sau hơn 11 năm làm giám sát hậu cần tại các công ty đa quốc gia lớn ở TPHCM và Geneva với mức lương cao, năm 2020, chị quyết định nghỉ hưu sớm, bắt đầu cuộc sống mới và làm những gì bản thân yêu thích.

Chị Trang tiết lộ guồng quay công việc khiến bản thân bận rộn cả ngày, thiếu thời gian nghỉ ngơi và khó có thể tận hưởng cuộc sống như mong muốn. Dù mức lương ở Thụy Sĩ của chị thời điểm đó khoảng 7.100 Franc/tháng (tương đương 200 triệu đồng) song người phụ nữ Việt thấy ngột ngạt, không còn hứng thú với việc đi làm mỗi ngày.

nguoi viet o thuy sy 1

Chị Trang và người chồng ngoại quốc hiện sinh sống tại Geneva, Thụy Sĩ

Khi công ty ở Thụy Sĩ chuyển trụ sở về Pháp, chị suy nghĩ và quyết định nghỉ hưu sớm để làm những điều mình mong muốn, trong đó có việc bán phở bò online – ước mơ mà chị ấp ủ thực hiện từ lúc còn làm việc cho các công ty lớn ở Việt Nam.

“Tôi nghĩ không làm lúc này thì còn làm lúc nào nữa. Thời gian và cuộc sống không ai nói trước được gì. Nếu làm phải làm ngay nên tôi quyết định nghỉ hưu sớm và làm điều mình thích. Tôi chọn mô hình bán phở online vì thấy phù hợp với điều kiện và khả năng hiện tại của bản thân. Đầu tiên là để đáp ứng nhu cầu được ăn ngon của bản thân, sau là hiện thực hóa ước mơ làm người bán phở, đồng thời vơi bớt nỗi nhớ quê hương”, chị Trang kể.

nguoi viet o thuy sy 1

Chị Trang bán phở để thỏa mãn nhu cầu ăn ngon của bản thân, hiện thực hóa ước mơ và lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt tới bạn bè quốc tế

nguoi viet o thuy sy yi 3

Gần đây chị còn nhận dạy nấu các món Việt cho khách nước ngoài

Theo chị, việc nấu được một nồi phở ngon khá cực mà nấu ít thì không bõ công. Vì vậy, chị vừa bán vừa ăn, ban đầu chỉ làm khoảng 20 suất. Bạn bè, người quen ăn thấy ngon, truyền tai và giới thiệu nhau nên món phở của chị dần được nhiều người ở Thụy Sĩ biết đến hơn. Từ đó, chị làm số lượng tăng lên, mỗi lần khoảng 100 suất.

“Tôi chỉ bán phở vào cuối tuần và suốt 4 năm nay vẫn giữ nguyên khẩu phần như vậy. Tôi không chạy theo số lượng vì muốn giữ được chất lượng cho món ăn, đảm bảo thực khách thưởng thức xong đều thấy hài lòng, thích thú”, người phụ nữ 39 tuổi cho hay.

Món phở bò được chị Trang nấu theo công thức riêng, “nhà ăn thế nào bán thế đó”. Tuy nhiên, để phù hợp với khẩu vị của người địa phương, chị cũng nêm nếm và điều chỉnh gia vị sao cho cân đối.

“Người Việt thường nêm nước dùng với chút mắm cho đậm đà nhưng người Thụy Sĩ lại không thích gia vị đó. Vì vậy, tôi cũng thử nghiệm nhiều lần để làm sao ra được phần nước dùng có độ trung hòa, hợp khẩu vị đa số khách hàng”, nàng dâu Việt chia sẻ.

nguoi viet o thuy sy 1

Món phở bò được nàng dâu Việt kỳ công chuẩn bị nguyên liệu và nấu nướng suốt nhiều giờ đồng hồ

Để làm món phở ngon, chị Trang đến siêu thị châu Á ở khu vực gia đình sinh sống để tìm mua các loại thực phẩm, gia vị Việt Nam. Phở được sử dụng là loại phở khô, có độ dai mềm, khi nấu không bị nhão.

Thịt bò phải tuyển chọn từ thịt tươi, có nguồn gốc từ Thụy Sĩ và đảm bảo chất lượng.

Với nước dùng, chị mua phần xương đuôi và xương tủy bò, đem về sơ chế sạch, khử mùi, hầm trong khoảng 8 tiếng rồi nêm nếm gia vị. Ngoài xương, chị cũng cho thêm gừng, hành khô nướng, hoa hồi, quế,… để nước dùng có độ ngọt thanh tự nhiên, dậy mùi thơm hấp dẫn.

“Món phở được nấu sao cho có hương vị chuẩn Việt nhất có thể, song vẫn phải điều chỉnh thêm để phù hợp khẩu vị, sở thích của người địa phương. Tôi cũng mua thêm các loại rau như húng quế, rau ngò, hành lá, hành tây và chanh để thực khách ăn kèm phở như ở Việt Nam”, chị Trang cho hay.

Trung bình, người phụ nữ Việt dùng hết khoảng 30kg nguyên liệu mỗi lần, gồm xương đuôi bò, xương tủy, bắp bò và thịt mông (rumsteak), mỗi loại khoảng 7kg. Còn lại là phở khô, rau, gia vị kèm theo.

Theo chị Trang, giá cả nguyên vật liệu và chi phí nhân công ở Thụy Sĩ rất đắt đỏ. Thỉnh thoảng, chị phải thuê thêm người làm, còn chồng phụ giúp một vài công hoặc đi giao hàng khi cần thiết.

Một tô phở bò được chị bán với giá khoảng 17 Fr (Franc, khoảng 500.000 đồng).

nguoi viet o thuy sy yi 3

Tùy món phở chế biến kiểu tái hoặc chín mà chị Trang lựa loại thịt bò khác nhau

Người phụ nữ này thừa nhận việc kinh doanh phở ở châu Âu nếu biết tính toán hợp lý sẽ đem lại hiệu quả cao, tạo nguồn thu nhập ổn định đáng kể. Ví dụ, giờ bán hàng cố định, “không cần làm nhiều nhưng vẫn đạt năng suất cao”.

“Tính tôi rất cẩn thận, cân đo đong đếm từng suất ăn sao cho đúng tiêu chuẩn nhất. Đến giờ nhìn lại, tôi không nghĩ mình đã bán phở online ở Thụy Sĩ được 4 năm rồi. Ước mơ đã thành hiện thực và còn mang lại cho tôi nguồn thu nhập tốt. Từ số tiền kiếm được, tôi đã dành dụm và mua được 4 mảnh đất to nhỏ khác nhau ở một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng”, người phụ nữ Việt tiết lộ.

nguoi viet o thuy sy yi 3

Nàng dâu 39 tuổi mong muốn có thể giới thiệu và quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam tới bạn bè quốc tế

Anh Owen (sống ở Geneva) - một khách quen cho biết, bản thân ăn phở bò do chị Trang nấu suốt nhiều năm nay.

“Theo cảm nhận của tôi, phở của Trang là ngon nhất ở Geneva. Tôi từng phải trả mức giá gấp đôi ở các nhà hàng trong thành phố chỉ để thưởng thức món ăn tương tự phở nhưng hương vị và chất lượng thua xa. Món phở của Trang có hương vị giống như món phở tôi từng ăn hồi nhỏ. Nước dùng rất ngon, phở được trang trí đẹp mắt với phần ăn đầy đặn, nhiều bánh phở, thịt bò và rau thơm. Nếu là người sành ăn phở hay thích các món ăn Việt Nam thì bạn nhất định phải nếm thử món phở online của Trang”, anh Owen nhận xét.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất