Một Việt kiều 'khóc cạn nước mắt' vì nhờ người quen trong nước đứng tên nhà đất
Nhiều nhà đất liền kề nhau mà hai bên tranh chấp được mua của nhiều người. Tất cả chủ nhà, đất cũ đều cho rằng họ bán cho bà Liêng, còn ông Danh chỉ đứng tên giùm.
23:17 04/10/2024
VKSND Tối cao vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án vì cho rằng cấp phúc thẩm phán quyết theo án lệ, người đứng tên giùm được hưởng 50% giá trị tài sản là không hợp lý.
Theo nội dung vụ án, năm 1993 ông Phan Văn Tứ (66 tuổi, Việt kiều Úc) cùng vợ nhận chuyển nhượng khu đất 700m2 của bà Lê Thị Lung tại thửa 118, địa chỉ 4/38 ấp Gò Cát, xã Tân Phú, huyện Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức). Do quy định pháp luật lúc đó nên vợ chồng ông Tứ nhờ ông Nguyễn Khương (hiện đã qua đời) đứng tên hợp đồng là người mua.
Từ đó đến nay, vợ chồng ông Tứ lập công ty, nhờ ông Khương cùng nhiều người thân và chủ đất trông coi đất, xây dựng nhà xưởng trên đất để hoạt động.
Năm 1999, khi Nhà nước chủ trương cho làm giấy tờ đất, ông Khương vì tuổi cao sức yếu, nên vợ chồng ông Tứ nhờ ông Huỳnh Ngọc Vũ (cháu ruột gọi ông Tứ là cậu) đứng tên kê khai hồ sơ. Đơn khởi kiện ông Tứ cho biết, do quan hệ cậu – cháu và việc ông nhờ Vũ đứng tên có nhiều người thân trong gia đình biết nên giữa hai người không có giấy tờ ghi nhận việc này.
Còn theo lời khai của bà Lung (chủ đất), trước giờ chỉ bán đất cho mình ông Tứ. Sau đó, ông Tứ có nhờ bà ký lại giấy mua bán đất với ông Vũ, nội dung không ghi giá mua bán, chỉ ghi nhận đã thanh toán xong tiền. Bà Lung trình bày thêm, trước đó ông Tứ đã thực hiện 3 đợt thanh toán, nhờ ông Khương và người thân của ông mang tiền đến giao.
Sau đó, ông Vũ đã được UBND quận Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) cấp giấy tờ nhà đất.
Những người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, các nhân chứng đều có tờ khai thể hiện, ông Vũ chỉ được ông Tứ nhờ đứng tên trên giấy tờ; còn việc trông coi, quản lý, hoạt động cơ sở kinh doanh trên đất do ông Tứ nhờ những người bà con khác giúp; nguồn tiền mua đất và duy trì hoạt động do vợ chồng ông Tứ chuyển từ nước ngoài về.
Đơn khởi kiện ông Tứ còn cho hay, năm 2011, nhà nước thu hồi một phần đất để thực hiện dự án đường sắt trên cao, có đền bù hơn 823 triệu đồng nhưng ông Vũ chỉ báo nhận 600 triệu đồng. Lúc đó, ông Tứ có nhờ ông Vũ chuyển số tiền vào một tài khoản ở Đà Nẵng, là công ty của ông Tứ.
Thậm chí bờ kè suối phía sau khu đất bị sạt lở, ông Tứ đã gửi 600 triệu đồng về Việt Nam nhờ người thân đứng ra thuê nhân công gia cố lại.
Giữa năm 2018, ông Vũ làm thủ tục đăng ký lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Giấy tờ đã được cấp nhưng ông Vũ nại ra lý do… chờ Nhà nước, rồi cắt liên lạc, lánh mặt khi vợ chồng ông Tứ về Việt Nam.
Cho rằng, vợ chồng ông Vũ có ý chiếm đoạt khu đất, ông Tứ đã khởi kiện ra TAND TP.HCM.
Rất nhiều lời khai của người có quyền, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng đã có lợi cho ông Tứ khi xác nhận chứng kiến quá trình mua - bán như trên cũng như những người trông coi, quản lý đất, xây dựng nhà xưởng, kinh doanh trên đất là những người bà con được ông Tứ nhờ. Còn ông Vũ chỉ là cháu mà ông Tứ nhờ đứng tên.
Ông Vũ đến nay chỉ khai, ông là người trực tiếp đứng ra mua đất của bà Lung.
Áp dụng án lệ có đúng không?
HĐXX toà sơ thẩm của TAND TP.HCM vào tháng 2/2020 nhận định, ông Vũ là người kê khai giấy tờ nhà đất, đóng thuế. Những lời khai khác, HĐXX cho rằng, không có cơ sở để xem xét.
Trên cơ sở đó, cấp sơ thẩm đã tuyên: không chấp nhận yêu cầu của ông Tứ xác định vợ chồng ông là người mua đất; quyền sở hữu nhà, đất; không chấp nhận yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà… Toà chỉ yêu cầu ông Vũ hoàn trả 146 triệu đồng cho ông Tứ vì cho rằng là phần xây dựng nhà xưởng của một công ty mà người đại diện pháp luật khai là nguồn tiền từ ông Tứ đầu tư.
Nửa năm sau, phiên toà phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM được mở để xem xét đơn kháng cáo của ông Tứ đồng thời Viện trưởng VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị bản án vì cho rằng, ông Vũ không chứng minh được nguồn tiền mua đất do khi đó mới 17 tuổi, không cung cấp được tài liệu chứng minh giao tiền, vàng cho chủ đất; không cung cấp được giấy tờ chứng minh đã cho công ty thuê đất làm nhà xưởng kinh doanh; sử dụng khu đất nhưng không biết rõ việc san lắp mặt bằng, xây nhà xưởng, bờ kè phía sau vào thời gian nào.
Sau khi xét xét lại toàn diện chứng cứ vụ án, lời khai của những người liên quan, cấp toà phúc thẩm kết luận, ông Phan Văn Tứ chính là người bỏ tiền, vàng mua đất rồi lần lượt nhờ ông Khương rồi ông Vũ đứng tên.
HĐXX TAND cấp cao áp dụng án lệ số 02/2016/AL được Chánh án TAND Tối cao công bố tại quyết định số 220/QĐ-CA ngày 6/4/2016 tuyên sửa bản án sơ thẩm, công nhận nhà, đất trên là của vợ chồng ông Tứ và vợ ông Tứ được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền xin cấp giấy tờ.
Tuy nhiên cấp phúc thẩm tuyên ông Tứ có trách nhiệm trả cho ông Vũ khoản tiền công sức bảo quản, gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất mà toà này đưa ra là ngang bằng với ông Tứ đã bỏ tiền ra mua đất, hơn 10,7 tỷ đồng.
Cho rằng, toà cấp phúc thẩm áp dụng án lệ 02 trong trường hợp này là… không đúng, gây thiệt hại cho vợ chồng mình nên ông Tứ có đơn gửi Viện trưởng VKSND Tối cáo, Chánh án TAND Tối cao đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm. Những nhân chứng, người có quyền, nghĩa vụ trong vụ án cũng có đơn khiếu nại.
TAND tối cao đã có thông báo giải quyết đơn, trong đó bảo vệ quan điểm của cấp toà phúc thẩm; xác định rõ, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Mới đây, VKSND Tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm. Trong đó, VKSND Tối cao nhận định, cấp sơ thẩm giải quyết vụ án không đúng. Cấp phúc thẩm áp dụng án lệ 02 là không đúng vì sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ, lời khai có trong vụ án, Viện KSND tối cao có quan điểm cho rằng, ông Vũ không phải là người bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất.
VKSND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ bản án phúc thẩm, giao hồ sơ để TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.
Vợ chồng ông Tứ cũng như những nhân chứng, người liên quan mong chờ một phán quyết công bằng. Đây cũng là bài học cho những trường hợp Việt kiều gửi tiền, vàng về nước mua nhà, đất rồi nhờ người thân đứng tên giùm, để rồi sau đó lao đao đi hầu kiện, nguy cơ mất tài sản.
Tại sao không nên cho họ hàng sống trong nhà mình? Về sau mới biết đó là quyết định khôn ngoan
Dù có tình cảm, quý mến nhau nhưng bạn không nên để người họ hàng sống trong nhà mình.