Lý do Trung Quốc gay gắt với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi
Cảnh báo quyết liệt của Trung Quốc trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại với quan điểm của Washington về hòn đảo.
02:02 04/08/2022
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tối 2/8 đến thành phố Đài Bắc, Đài Loan, trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất đặt chân lên hòn đảo trong vòng 25 năm qua.
Nhưng nhiều ngày trước khi chiếc máy bay quân sự chở bà hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc, Trung Quốc đã liên tục tung ra những phát ngôn cứng rắn, thậm chí đe dọa về "hậu quả" của chuyến thăm, đồng thời thực hiện nhiều động thái phô trương sức mạnh quân sự.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tham dự một cuộc họp tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 3/8. Ảnh: Reuters.
Quân đội Trung Quốc (PLA) đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan vào cuối tuần qua, trong khi ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể "ngăn chặn máy bay chở bà Pelosi", thậm chí "bắn hạ" nếu cần.
Dù vậy, bà Pelosi vẫn quyết tâm tới Đài Loan, bất chấp những đe dọa từ phía Trung Quốc. Chuyến bay của bà từ Malaysia hạ cánh xuống đảo Đài Loan mà không có bất cứ sự cố nào xảy ra.
Giới phân tích cho rằng đằng sau những phát biểu quyết liệt, mang tính đe dọa mà Trung Quốc đưa ra là một nỗi lo ngại sâu sắc về nguy cơ Mỹ và các đồng minh phương Tây thay đổi lập trường về vấn đề Đài Loan. Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như tin rằng chuyến thăm của bà Pelosi là dấu hiệu cho thấy Mỹ và phương Tây đang muốn thúc đẩy quan hệ với Đài Loan và "khuyến khích độc lập" cho hòn đảo.
Trong cuộc điện đàm tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington không nên "đùa với lửa" khi đề cập đến vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Mỹ lâu nay vẫn cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", song cung cấp cho đảo Đài Loan các loại khí tài hiện đại để tự vệ.
Li Mingjiang, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đánh giá thái độ cứng rắn của Trung Quốc phần lớn bắt nguồn từ nhận thức ở Bắc Kinh rằng Washington những năm gần đây ngày càng can dự sâu và chủ động hơn vào vấn đề Đài Loan, đe dọa đến lợi ích của Trung Quốc.
Kể từ thời chính quyền Donald Trump, nhiều lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Washington dường như ngày càng "ủng hộ Đài Loan độc lập", ông Li nói.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc thường xuyên phàn nàn rằng Mỹ không còn tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc", nguyên tắc ràng buộc trong mối quan hệ song phương, được thể hiện qua các thương vụ vũ khí giá trị lớn mà Washington thực hiện với Đài Bắc.
Những chuyến thăm Đài Loan của các chính trị gia từ các nước trong khu vực cũng như từ châu Âu và Mỹ đang tăng lên.
Ông Tập "có lẽ rất mất kiên nhẫn và khó chịu với thực tế là trong năm qua, các lãnh đạo cấp cao, không chỉ từ Mỹ, mà còn từ Nhật Bản, EU... đã đến thăm Đài Loan", Willy Lam, nhà phân tích chính trị Trung Quốc tại Hong Kong, nhận định.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc". Những yếu tố kết hợp này khiến vấn đề Đài Loan "có vẻ không thực sự tích cực" đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, phó giáo sư Li từ Đại học Nanyang, Singapore, bình luận.
Các lãnh đạo Trung Quốc dường như đang sử dụng những lời lẽ cứng rắn để "ngăn chặn đà phát triển của mối quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan", nhằm khiến nó không trở thành thách thức lớn hơn với Bắc Kinh.
Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Đại học London, nhận định những thông điệp cứng rắn mà Bắc Kinh tung ra về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ còn nhằm hướng tới dư luận trong nước, trong bối cảnh Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đảng Cộng sản vào mùa thu này, thời điểm giới quan sát dự đoán ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Là một lãnh đạo mạnh mẽ, ông Tập không muốn thể hiện bất cứ dấu hiệu 'yếu đuối' nào" trước thềm một sự kiện trọng đại như vậy, chuyên gia Tsang nói.
Những cảnh báo quyết liệt về chuyến thăm của bà Pelosi cũng có thể khơi dậy tình cảm dân tộc mạnh mẽ ở Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại sau những biện pháp kiểm soát Covid-19 gắt gao mà chính phủ kiên quyết duy trì.
Những lời đe dọa về "biện pháp quân sự" mà Trung Quốc đưa ra khiến chiếc máy bay chở bà Pelosi từ Malaysia tới Đài Loan trở thành chuyến bay được theo dõi nhiều nhất trên thế giới. Nhà phân tích Lam cho rằng những điều như vậy phần nào khiến dư luận Trung Quốc bớt chú ý hơn tới vấn đề kinh tế trong nước.
Bởi vậy, giới quan sát tin rằng dù đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, Trung Quốc không muốn nổ ra một cuộc xung đột quân sự với Mỹ và các đồng minh của Mỹ về vấn đề Đài Loan.
Nhiều học giả lưu ý năng lực quân sự của Bắc Kinh hiện vẫn đi sau Washington và các cuộc diễn tập quân sự gần đây rõ ràng chỉ nhằm mục đích răn đe, không nhắm vào các khu vực ngay sát bờ biển Đài Loan.
"Ông Tập không bao giờ muốn xung đột bất ngờ bùng phát từ các sự cố ngoài dự đoán", Titus Chen, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Đài Loan, nhấn mạnh.
Link nguồn: https://vnexpress.net/ly-do-trung-quoc-gay-gat-voi-chuyen-tham-dai-loan-cua-ba-pelosi-4495305.html
Chuyến bay 'chở bà Pelosi' được theo dõi kỷ lục
Phi cơ không quân Mỹ, được cho là chở bà Pelosi rời khỏi Malaysia hôm nay, có lượt theo dõi nhiều kỷ lục trên website flightradar 24.