Lý do người Mỹ bầu tổng thống thông qua đại cử tri
Người Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống, mà ủy quyền cho 538 đại cử tri bỏ phiếu theo kết quả phiếu phổ thông, nhằm đảm bảo tiếng nói cho các bang thưa dân.
23:26 01/11/2024
Khoảng 244 triệu cử tri Mỹ ngày 5/11 sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống giữa hai ứng viên, Kamala Harris của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, không phải ứng viên giành được hơn 122 triệu phiếu phổ thông là sẽ đắc cử tổng thống.
Trên thực tế, người Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống, mà "ủy quyền" cho 538 đại cử tri, hợp thành đại cử tri đoàn. Khi nhóm họp để bỏ phiếu vào ngày 17/12, các đại cử tri không được tùy ý quyết định, mà phải bầu cho ứng viên thắng phiếu phổ thông tại bang mình.
Cơ chế này đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và áp dụng từ năm 1787. Ứng viên đắc cử cần nhận được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri.
Lý do Mỹ định đoạt kết quả bầu tổng thống bằng hệ thống đại cử tri mà không dựa trên phiếu phổ thông bắt nguồn từ yếu tố lịch sử. Khi nước Mỹ mới giành độc lập, việc các ứng viên tổ chức chiến dịch vận động tranh cử, cũng như tổ chức bỏ phiếu đồng loạt ở quy mô quốc gia gần như là điều không thể, do khả năng truyền đạt thông tin thời đó còn thô sơ, cũng như sự ngờ vực giữa các bang, đảng phái và cả mối lo ngại về phổ thông đầu phiếu.
Những người soạn thảo Hiến pháp năm 1787 của nước Mỹ bác bỏ cả hai cách thức bầu tổng thống là thông qua quốc hội (do nguyên tắc phân lập quyền lực) lẫn qua cách bầu trực tiếp của cử tri (do lo ngại người dân sẽ chỉ bầu cho ứng viên địa phương và các bang lớn sẽ nắm vai trò thống trị).
Các bang miền nam nước Mỹ khi đó rất ủng hộ hệ thống bầu tổng thống qua đại cử tri, do họ bị thất thế nếu tính phiếu phổ thông. Theo quy định thời kỳ đó, những nô lệ tại khu vực này không có quyền bỏ phiếu, nhưng được tính bằng 3/5 người thường khi thống kê quy mô dân số của mỗi bang để phân bổ phiếu đại cử tri.
Các nhà lập quốc Mỹ cuối cùng nhất trí áp dụng hình thức bầu tổng thống bằng đại cử tri đoàn. Số lượng đại cử tri của mỗi bang được phân bổ dựa trên quy mô dân số của bang đó.
Ngày nay, số lượng đại cử tri Mỹ tương ứng số đại diện trong 435 ghế Hạ viện và 100 ghế Thượng viện. Ba đại cử tri còn lại đến từ thủ đô Washington.
Theo cách phân bổ này, California là bang đông dân nhất nên cũng có số lượng phiếu đại cử tri nhiều nhất. 6 bang ít dân cư nhất và thủ đô Washington có ba phiếu đại cử tri, mức tối thiểu.
Hệ thống này đồng nghĩa một ứng viên muốn chiến thắng phải nhận được sự ủng hộ của các lá phiếu trên phạm vi cả nước, chứ không chỉ tập trung ở những bang đông dân. Do đó, hình thức bỏ phiếu đại cử tri được coi là cách vẫn phản ánh lá phiếu phổ thông nhưng cũng đảm bảo các bang nhỏ không chịu thiệt thòi trong việc bầu chọn lãnh đạo mới của đất nước.
Do biến động dân số, số lượng đại cử tri phân bổ cho từng bang có thể thay đổi qua các mùa bầu cử. So với năm 2020, năm nay có 13 bang tăng hoặc giảm phiếu đại cử tri.
Cụ thể, Texas thêm hai phiếu, từ 38 lên 40, trong khi Colorado, Florida, Montana, Bắc Carolina, Oregon đều tăng một. California năm 2020 có 55 phiếu đại cử tri, nhưng năm nay còn 54. Các bang Illinois, Michigan, New York, Ohio, Pennsylvania và Tây Virginia đều giảm một phiếu đại cử tri.
Trước ngày bầu cử, ủy ban các đảng ở mỗi bang sẽ đề cử đại cử tri tiềm năng đại diện cho đảng mình, theo đúng số lượng được phân bổ. Họ thường là người cống hiến tận tụy cho đảng, thậm chí là những người có quan hệ cá nhân hoặc chính trị với ứng viên tổng thống. Mỗi ứng viên tổng thống sẽ có một danh sách đại cử tri tiềm năng tại mỗi bang.
Sau khi có kết quả kiểm phiếu, ứng viên thắng phiếu phổ thông ở bang nào thì đại cử tri tiềm năng ủng hộ ứng viên đó sẽ trở thành đại cử tri chính thức của bang. Về cơ bản, các đảng chọn những người trung thành với đảng làm đại cử tri để đảm bảo họ sẽ bầu đúng theo kết quả bỏ phiếu phổ thông.
Về lý thuyết, đại cử tri một số bang có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ứng viên nào họ thích, bất kể kết quả phiếu phổ thông bang đó thế nào. Nếu đi ngược lại nguyện vọng của cử tri phổ thông, đại cử tri đó được gọi là "bất tuân". 33 bang và thủ đô Washington có quy định riêng để tránh tình trạng này, bao gồm cả truy tố. Mỹ chưa ghi nhận trường hợp cử tri "bất tuân" khiến kết quả bầu cử bị thay đổi.
Cuộc bầu cử năm 2016 có 7 đại cử tri đã "bất tuân", cao kỷ lục và là năm đầu tiên có nhiều hơn một trường hợp "bất tuân" kể từ 1948. Kết quả ngày bầu cử cho thấy ông Trump nhận 306 phiếu còn bà Clinton nhận 232 phiếu. Khi đại cử tri đoàn họp sau đó, 5 đại cử tri Dân chủ và hai đại cử tri Cộng hòa đã bỏ phiếu cho ứng viên khác. Sau cùng, ông Trump vẫn thắng bà Clinton với tỷ số 304-227.
Hầu hết các bang, ngoại trừ Maine và Nebraska, áp dụng cách thức "người thắng lấy hết" khi tính phiếu đại cử tri, tức là ứng viên nào đạt quá bán phiếu phổ thông sẽ nhận được tất cả đại cử tri của bang đó. Ví dụ, ứng viên chỉ cần thắng Texas với 50,1% số phiếu là nhận toàn bộ 40 phiếu đại cử tri của bang.
Do đó, các chiến dịch thường tập trung vận động tranh cử tại những bang mà chỉ cần một thay đổi nhỏ là có thể chiến thắng và "lấy hết". Những bang này được gọi là bang chiến trường, không nghiêng hẳn về đảng nào. Năm nay, giới chuyên gia cho biết 7 bang chiến trường gồm Arizona, Georgia, Michigan, Bắc Carolina, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.
Với hệ thống như vậy, ứng viên chỉ có thể đảm bảo chiến thắng khi giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, không nhất thiết phải giành được đa số phiếu phổ thông trên toàn quốc.
Năm 2000, George W. Bush nhận được 50,4 triệu phiếu phổ thông, ít hơn khoảng 500.000 phiếu so với đối thủ đảng Dân chủ Al Gore. Tuy nhiên, ông Bush giành chiến thắng ở những bang có số đại cử tri cao, giúp ông thu về 271 phiếu đại cử tri và trở thành tổng thống Mỹ.
Trong mùa bầu cử năm 2016, Hillary Clinton giành được nhiều hơn Donald Trump gần ba triệu phiếu phổ thông, nhưng chỉ giành được 227 phiếu đại cử tri, trong khi Trump giành được 304 phiếu.
Mặt trái của hệ thống đại cử tri là tại nhiều bang, kết quả nghiêng về ứng viên nào gần như đã được "an bài" vì những bang này có truyền thống nghiêng về một trong hai hoặc Cộng hòa. Điều này có thể khiến cử tri tại bang đó không mặn mà đi bỏ phiếu và không thu hút các ứng viên tới vận động tranh cử tại những bang mà họ đã chắc chắn "bỏ túi" số phiếu đại cử tri ở đó.
Đã có những ý kiến cho rằng Mỹ nên chuyển sang hình thức tính phiếu phổ thông để ghi nhận nguyện vọng của từng người dân. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp, điều chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các bang ở miền nam nước Mỹ.
Điều Bill Gates chưa hài lòng về Elon Musk
Người sáng lập Microsoft cho rằng tỷ phú Elon Musk đang nói quá nhiều thứ nhưng lại ít thể hiện quan điểm về đề tài khủng hoảng khí hậu.