Lễ cúng Rằm tháng 7 âm lịch khác gì với lễ cúng cô hồn? Cúng vào buổi sáng hay chiều mới đúng?
Trong ngày Rằm tháng 7 âm lịch, ngoài việc thực hiện lễ cúng Rằm như thông lệ, gia chủ có thể làm thêm lễ cúng cô hồn.
00:12 17/08/2024
Lễ cúng Rằm tháng 7 âm lịch khác gì với lễ cúng cô hồn?
Rằm tháng 7 âm lịch được coi là một ngày lễ quan trọng trong năm đối với nhiều người Việt. Ngày này không giống những ngày Rằm thông thường mà còn là thời điểm diễn ra lễ xá tội vong nhân, cũng đúng vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu theo truyền thống của đạo Phật. Vào dịp này, mọi người luôn muốn hướng về tổ tiên, cội nguồi, nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Ngoài ra, đây cũng là dịp để con người thể hiện sự từ bi, thương xót với những cô hồn lang thang.
Thông thường, lễ cúng Rằm tháng 7 âm lịch sẽ được tiến hành long trọng, cầu kỳ hơn các ngày Rằm khác trong năm.
Trong ngày Rằm tháng 7, ngoài lễ cúng Rằm như thông lệ, gia chủ có thể làm thêm lễ cúng cô hồn (còn gọi là lễ xá tội vong nhân).
- Lễ cúng Phật
Nếu gia đình theo đạo Phật và có bàn thờ Phật tại nhà, gia chủ có thể tiến hành lễ cúng Phật. Mâm cỗ cúng Phật không cần quá cầu kỳ, nên tập trung vào lòng thành kính. Đặc biệt, với mâm cúng Phật, gia chủ sẽ chuẩn bị đồ chay (có thể chỉ cần hoa quả tươi hoặc nhiều hơn thì chuẩn bị mâm cỗ chay).
Thời gian cúng Phật phù hợp nhất là vào buổi sáng.
- Lễ cúng gia tiên
Ngày Rằm tháng 7 âm lịch, gia chủ không thể quên lễ cúng gia tiên. Vào dịp này, gia chủ có thể chuẩn bị cỗ chay hoặc cỗ mặn tùy theo điều kiện của gia đình. Ngoài ra, các lễ vật thường có trong các lễ cúng ngày Rằm gồm hương, hoa tươi, trái cây tươi, trầu cau, vàng mã, trà, rượu.
- Lễ cúng cô hồn
Khác với lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên, lễ cúng cô hồn thường được tiến hành vào buổi chiều tối. Gia chủ sẽ chuẩn bị đồ cúng và bày ra ngoài sân, ngoài ngõ. Lễ cúng cô hồn không được thực hiện trong nhà.
Các vật phẩm cần chuẩn bị cho lễ cúng cô hồn gồm muối trắng, gạo trắng, nước sạch, hương, hoa tươi, 5 loại trái cây tươi (nên chọn 5 loại có màu sắc khác nhau đại diện cho ngũ hành), đèn dầu hoặc nến, mía (để nguyên vỏ hoặc chặt khúc nhỏ), vàng mã, quần áo giấy, cháo trắng nấu loãng, ngô luộc, khoai lang luộc, sắn luộc, bỏng ngô, bánh kẹo...
Theo quan niệm dân gian, với lễ cúng xá tội vong nhân, không nên sử dụng đồ mặn để tránh khơi dậy tham sân si của các vong hồn.
Giờ đẹp cúng Rằm tháng 7 âm lịch
Về thời gian cúng Rằm tháng 7 âm lịch, gia đình có thể căn cứ vào khoảng thời gian thuận tiện nhất để thực hiện, không nhất thiết phải cúng vào đúng ngày chính Rằm, miễn sao việc lễ cúng được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, thành tâm là được.
Gia chủ có thể cúng Rằm tháng 7 âm lịch trước 12 giờ trưa đúng ngày 15 hoặc trước đó vài ngày đều được.
Ngày chính Rằm 15 tháng 7 âm lịch (tức ngày 18/8/2024 dương lịch) có hai khung giờ đẹp là 7h-9h, 9-11h.
Nếu không thể thực hiện lễ cúng vào ngày chính Rằm, gia chủ có thể thực hiện vào các ngày trước đó:
- Ngày 13/7 âm lịch: Các khung giờ đẹp gồm 5h-7h, 15-17h, 17-19h.
- Ngày 14/7 âm lịch: Các khung giờ đẹp gồm 5h-7h, 9h-11h, 15h-17h.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Buôn bán 95% đặt bàn thờ Thần Tài ngay cửa ra vào, thầy phong thủy lắc đầu: Đổi ngay mới giàu
Ai làm nghề kinh doanh buôn bán đa phần đều tin rằng việc đặt bàn thờ Thần Tài ngay cửa ra vào của cửa hàng hay doanh nghiệp sẽ giúp thu hút tài lộc và may mắn.