Làm dâu Hàn Quốc, trải qua 3 cái tết xứ người vẫn 'thèm' tết Việt

Quyết định lấy chồng Hàn Quốc vốn hơn cô đến 20 tuổi, cô gái Việt phải chấp nhận cuộc sống xa xứ với nhiều thứ mới. Trải qua 3 cái Tết xứ người, cô luôn thấy 'thèm' Tết Việt mỗi độ xuân về.

14:14 04/01/2023

Dù chênh lệch tuổi tác khá lớn nhưng cặp vợ chồng Việt Nam - Hàn Quốc này vẫn tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân /// NVCC

Bước ngoặt  xa xứ

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Kim Ngân (SN 1996, quê Bến Tre) thi đại học như nhiều bạn bè khác nhưng lại thiếu một chút may mắn nên không thể vào được ngành mong muốn. Ngân rẽ sang một bước ngoặt khác: làm dâu xứ người.

“Ngày trước mình không hề thích lấy chồng nước ngoài, thậm chí còn rất ghét ai bảo lấy chồng ngoại nữa là đằng khác. Sau khi không đạt được kết quả thi như mình mong muốn, mẹ có bảo mình là thôi đi gặp người này (ông xã Ngân hiện tại – PV) thử. Mẹ cũng nói được thì lấy, không được thì thôi, chứ không hề ép uổng gì. Sau khi tiếp xúc và tìm hiểu anh ấy, mình thấy được sự chững chạc và cảm giác an toàn. Anh ấy cũng hứa sẽ cho mình đi học tiếp”, Ngân kể.

Ngân chia sẻ, một phần vì có những biến cố vào thời điểm đó khiến cô muốn đi xa, một phần vì cảm thấy mình hợp với người đàn ông Hàn Quốc hơn cô đến… 20 tuổi, cô quyết định đi đến kết hôn. Dự tính đầu tiên của Ngân sau khi sang Hàn là sẽ đi học tiếp, vì lúc ấy như bạn bè mình, cô chỉ nghĩ đến việc học tiếp chứ chưa tính toán xa xôi gì. Tháng 3.2015, sau khi hoàn tất các thủ tục, Ngân rời "xứ dừa" làm dâu xứ người.

Làm dâu Hàn Quốc, trải qua 3 cái tết xứ người vẫn 'thèm' tết Việt - ảnh 2

Làm dâu Hàn Quốc, trải qua 3 cái tết xứ người vẫn 'thèm' tết Việt - ảnh 3

“Thật ra trước đó, mình cũng không tìm hiểu gì hết. Sau khi lấy chồng, mình mới bắt đầu học tiếng Hàn, tìm hiểu về đất nước này. Trước ngày đi, mình có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn. Hàng loạt câu hỏi nơi đó sẽ như thế nào, không biết sang đấy mình làm được cái gì, gia đình chồng như thế nào… cứ xoay vần trong đầu”, Ngân chia sẻ.

Cái Tết xứ người đầu tiên

Nhớ lại những ngày đầu khi đặt chân lên xứ người, Ngân chia sẻ: “Nhớ gia đình dữ lắm, nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ em trai! Nhất là những khi chồng đi làm, mình phải ở nhà một mình. Vài hôm sau, mình bắt đầu đến trung tâm đa văn hóa để học tiếng Hàn. Ở đó mình quen được cô giáo và vài chị Việt Nam khác cũng lấy chồng bên này. Sau khi lấy được tấm bằng về tìm hiểu văn hóa, mình đến các nhà trẻ giới thiệu cho bọn trẻ về văn hóa Việt Nam. Những thứ ấy khiến mình bớt buồn hơn và quen dần với cuộc sống mới”.

Nhưng điều làm Ngân nhớ nhất vẫn là cái Tết xa nhà đầu tiên trong đời. Trong cảm nhận của cô, Tết Hàn lại không ấm cúng như ở Việt Nam. Đa số người Hàn chỉ có 3 ngày nghỉ từ 30 đến mùng 2, sang mùng 3 mọi thứ lại tiếp tục vào guồng.

Ngân cho biết, chiều tối đêm giao thừa mọi người thường sum họp ở nhà. Rạng sáng mùng 1, khoảng 5 giờ, mỗi gia đình sẽ làm mâm đồ ăn cúng ông bà. Sau đó tất cả cùng lạy mừng tuổi người lớn tuổi nhất trong nhà, rồi con cháu lạy cô chú, cậu dì… để nhận bao lì xì. Xong xuôi thì thì bắt đầu đi lòng vòng xóm mừng tuổi, chào hỏi người lớn, họ hàng. Tối đến, ai lại về nhà nấy.

Với riêng cô, sinh hoạt ngày Tết quê chồng không vội vã và nô nức như ở Việt Nam. Những ngày cận Tết, không khí đường phố cũng không trang hoàng rực rỡ. Những ngày Tết lại thường rơi vào thời điểm lạnh nhất năm, kéo dài từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1.

“Năm đó, nhìn nhà người ta tụ họp xí xô xí xào, lúc đấy mình mới sang chưa nói được gì nhiều, mà cũng không biết nói gì. Chỉ thấy nhớ quê kinh khủng! Nghĩ mà giờ ở Việt Nam chắc đang nô nức đi xem pháo hoa, uống trà sữa với bạn bè, hoặc chỉ ở nhà cùng ba mẹ thôi cũng thấy vui nữa. Thời khắc ấy là lúc mình biết trân quý cái cảm giác ở với gia đình”, Ngân bộc bạch.

May mắn, ông xã của Ngân thuộc dạng người chu đáo, rất quan tâm đến cảm xúc của vợ, nên đi đâu cũng “vác” cô theo. Nhờ ông xã, cô không cảm thấy cô đơn hay tủi thân khi ở nhà chồng. Càng ngày, Ngân càng thích nghi với văn hóa, nếp sống Hàn, đặc biệt từ lúc con gái đầu lòng chào đời. Thấm thoắt, cô đã đi qua 3 cái Tết xa quê.

Vẫn “thèm” Tết Việt sau 3 cái Tết xứ người

Ở bên đây có kiểu những nhà ở gần gần nhau hay anh chị em lao động Việt, anh chị em Việt sang đây lập gia đình, sẽ tụ họp vào một ngày nào đó để ăn uống với nhau dịp Tết. Nhưng mình từ lúc sang đây đến giờ, 3 cái Tết rồi vẫn chưa tham gia được buổi nào, vì hầu như không có bạn bè nhiều. Đúng hơn là bạn xã giao thì nhiều, còn bạn thân thì không có. Đó cũng là một trong những điều mình cảm thấy cuộc sống quê hương vẫn gần gũi hơn”, Ngân chia sẻ.

Ngót nghét 4 năm kể từ bước ngoặt của cuộc đời, Ngân tâm sự, cô vẫn thấy “thèm” Tết Việt sau những cái Tết xứ người. Vì lý do nhập tịch và cuộc sống có con nhỏ, Ngân vẫn chưa thể trở về thăm quê nhà. Ngân dự kiến sau 1 năm nữa, mọi thứ ổn định, cô mới trở về thăm nhà để được dịp ăn một cái Tết vui vầy ở quê hương.

“Ba cái Tết rồi, nhưng vẫn “thèm” Tết quê mình lắm! Thèm được ăn bánh tét, ăn thịt kho hột vịt đến… phát ngán mấy bữa Tết. Thèm được sáng sáng ăn cơm tấm hay bánh mì thịt, uống trà đá. Thèm được ở nhà chơi với em trai, nấu ăn cùng mẹ. Thèm cảm giác vui vẻ trong buổi họp lớp đầu năm, nghe cô kể chuyện lứa học trò sau, nghe bạn bè nói về công việc, học hành, rồi chụp hình sống ảo. Thèm lắm!”, Ngân nói.

Tags:
Người Việt ở Ý đón tết: Chiếc bánh chưng không vuông vắn mà ngon thấy lạ!

Người Việt ở Ý đón tết: Chiếc bánh chưng không vuông vắn mà ngon thấy lạ!

Chiếc bánh chưng với lá chuối tìm được ở công viên, cây giò lụa được xách tay từ Mỹ qua và nộm hoa chuối mà phải đến tiệm của người Pakistan để mua nguyên liệu… Tất cả đã làm nên một cái tết rất Việt Nam ở Ý.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất