Lại là đám dỗ – Cha mẹ sống cả đời vì con nhưng đổi lại toàn là sự bất hiếu
Đám giỗ ông năm nay, bà Mi không làm cỗ tại nhà bởi hai đứa con dâu và cô con gái đều bảo: “Lại là đám giỗ, nấu ở nhà ăn uống xong rồi ai dọn? Tốt nhất là đặt nhà hàng. Chỉ có con cháu trong nhà tội gì phải khổ!”
15:46 14/10/2024
Vậy là dù không muốn bà Mi cũng đành phải theo ý các con. Nhà có hai thằng con trai và một cô con gái mà chúng luôn “ông chẳng bà buộc”, chẳng ai chịu ai nên cả năm có cái giỗ bố mà hầu như năm nào bà Mi cũng chẳng được yên với chúng.
Đấy là cỗ bàn bà tự bỏ tiền túi ra mua sắm, lo liệu chứ tuyệt nhiên chẳng phân bổ cho đứa nào phải đóng góp gì cả. Rồi việc nấu nướng bà cũng dậy từ sớm làm hết mọi việc từ đồ xôi, làm gà, rán nem,…vợ chồng thằng cả với thằng út thì ngủ đến 8 giờ có gọi cũng còn chán chúng mới chịu dậy.
Vợ chồng đứa con gái cũng thế, cứ chờ đến lúc gần giờ ăn mới kéo đến.
Mấy đứa cháu lâu ngày gặp nhau thì nghịch như giặc, nhà ở chung cư đã chật mà chúng nó còn la hét, tranh giành đồ chơi ầm ĩ không ngừng. Hết đứa này khóc đến đứa kia khóc, khiến bố mẹ chúng cũng phải gân cổ quát nạt liên hồi.
Khi đến bữa ăn chúng cũng chẳng chịu ngồi yên, vừa ăn vừa đánh nhau chí chóe khiến bà Mi nhìn mà ngao ngán. Mặc vậy bà cũng phải tiết chế hết mức vì bà nghĩ cả năm có mỗi ngày giỗ để con cháu sum vầy, quát mắng lại sợ bố mẹ chúng tự ái…
Mấy đứa con bà, đứa nào cũng chỉ giỏi võ mồm. Đã không muốn đụng chân đụng tay nấu nướng nhưng khi ăn thì đứa nào cũng bĩu môi chê món này mặn, món kia nhừ,… khiến bà Mi nhiều khi phải nổi nóng quát:
“Sao giỏi các chị không vào mà nấu lấy! Tôi chỉ làm được đến thế thôi!”. Vậy là lời qua tiếng lại mẹ con thành to tiếng, con dâu cũng như con gái chả đứa nào chịu nhịn mẹ câu nào. Thế là giận dỗi bùm lum bùm loa lên…
Năm nay nghe con bà đặt cỗ nhà hàng. Ở nhà bà Mi chỉ làm mâm cơm đơn giản để thắp hương chồng. Bà nghĩ thế mình cũng đỡ khổ hơn mọi năm chút ít!
Đến giờ cả nhà kéo đến nhà hàng, cỗ bàn đã được bày ra tươm tất. Từng cặp vợ chồng ngồi sát bên nhau, mấy đứa trẻ được mẹ lấy cơm và thức ăn đầy bát, rồi cho ra ngồi riêng một mâm để cho dễ quản lý.
Hai cô con dâu mời chiếu lệ cả nhà rất nhanh rồi cứ thế đánh chén. Hai anh chồng ngồi sát bên liên tiếp chọn thức ăn gắp đầy bát cho vợ, mỗi lần gắp chúng đều nói: “Vợ ăn miếng này ngon lắm! Chồng chọn cho vợ miếng vịt quay này nạc lắm này!”.
Rồi thi thoảng hai cô con dâu béo ịch lại nũng nịu: “Chồng chọn cho vợ món gì khác nữa đi, vợ ăn hết rồi chồng không thấy à?”
Ở đối diện, cô con gái cũng ra sức gắp cho chồng miệng cũng leo lẻo: “Chồng ăn miếng khâu nhục này đi, ngon lắm, hàng đặt cùng với vịt quay trên Lạng Sơn nên mới có đấy. À, đây nữa, thịt ba ba này chồng ăn xem có ngon bằng lần mình về Nam Định không này!”.
Ba cặp vợ chồng béo múp, chúng chăm chút và nịnh nhau nghe đến hay. Trong khi đó bà Mi ngồi góc cuối mâm sát lũ trẻ thì không đứa con nào để ý và gắp mời mẹ một miếng nào.
Bà ngồi giữa mâm cơm dâu con đầy đủ mà lòng bỗng cảm thấy cô đơn đến lạnh người. Bà ăn mấy đũa rồi lặng lẽ như một cái bóng đứng lên ra về trước trong khi các con bà vẫn say sưa chúc tụng và gắp rót cho nhau. Ấy vậy mà không ai để ý bà đã về từ lúc nào. Lại là đám giỗ…thật buồn!
Tiến sĩ tốt nghiệp năm 2020 thất nghiệp suốt 4 năm, gánh khoản nợ học phí 250.000 USD: ‘Tôi nhận ra tấm bằng bỗng trở thành lời nguyền’
Tầm bằng đang ngày càng mất giá khi doanh nghiệp coi trọng kinh nghiệm, kỹ năng hơn bằng cấp.